Phát triển văn hóa đọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần có phương cách phù hợp, sự kiên trì và cả sáng tạo để lan tỏa tri thức, thông điệp nhân văn từ sách.

“Sức mạnh độc quyền” của sách

“Yêu những điều không hoàn hảo” là tựa đề cuốn sách mà em Đào Minh Quân-Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) đọc được gần đây và vô cùng tâm đắc. Với Quân, những trang viết của tác giả Hae Min (Hàn Quốc) không khác gì liệu pháp chữa lành.

Quân chia sẻ: “Em và một số bạn bè từng có khoảng thời gian khá khó khăn, mang nhiều áp lực nặng nề do mong muốn vươn tới sự hoàn hảo về ngoại hình, học vấn, thành tích… Loay hoay mãi cho đến khi đọc được cuốn sách này, em mới vỡ ra: “Chúng ta không cần phải là những người hoàn hảo. Đôi khi chính sự không hoàn hảo ấy lại là thứ gia vị tuyệt vời trong cuộc sống”. Từ khi hiểu ra điều đó, em thấy mình có động lực hơn, tự tin hơn để tiếp tục phấn đấu”.

Em Đào Minh Quân-học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) mong muốn giới thiệu đến bạn bè cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo”. Ảnh: P.D

Em Đào Minh Quân-học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) mong muốn giới thiệu đến bạn bè cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo”. Ảnh: P.D

Trải nghiệm trên của bản thân đã cho Quân thấy sức mạnh tinh thần mà một cuốn sách có thể mang lại. Trong khi đó, mạng xã hội với hình ảnh được trau chuốt và sự thành công trong học tập của bạn bè lại là điều từng khiến em rơi vào tâm lý so sánh và thiếu tự tin về bản thân. Sau cuốn “Yêu những điều không hoàn hảo”, Quân mới bắt đầu tìm đọc các cuốn sách khác và nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều “người bạn tốt”.

Ngoài việc tự nâng cao kiến thức, kỹ năng sống qua sách báo, Quân còn tìm cách giới thiệu sách đến bạn bè. “Ví dụ, em hay đọc sách về chơi chữ trong văn thơ, đọc xong thì mang lên lớp đố các bạn. Khi các bạn tò mò hỏi em đọc từ đâu thì em “bật mí” để các bạn mua về đọc thử. Cứ chia sẻ một cách gần gũi như thế thì sẽ lan tỏa tình yêu với sách”-Quân nói.

Tuyên truyền về “sức mạnh độc quyền” của sách là một trong những cách thức được cho là vô cùng hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc. Em Đậu Thị Minh Nga, một học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Hùng Vương nhưng từng tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2023 cũng chia sẻ những cảm xúc mà chỉ có sách mới đáp ứng.

Nga cho hay, đam mê với câu chữ giúp em thêm yêu văn chương, có kỹ năng bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ. “Trước khi coi văn học là công cụ phát triển tri thức thì nhu cầu của con người là được thấu hiểu, chia sẻ, giải trí. Em đến với văn chương cũng như những bạn khác thích xem phim, nghe nhạc. Nhưng với em, con chữ giúp trí tưởng tượng được bay bổng và khiến văn chương trở nên hấp dẫn. Sau đó, em mới nhận ra văn chương còn giúp mình mở rộng tri thức”-Nga bày tỏ.

Em Đậu Thị Minh Nga (bìa trái) trong một chương trình giao lưu về sách. Ảnh: P.D

Em Đậu Thị Minh Nga (bìa trái) trong một chương trình giao lưu về sách. Ảnh: P.D

Nhận định việc lan tỏa văn hóa đọc là hoạt động rất ý nghĩa, cô Hà Hoài Phương-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho biết: Những năm gần đây, nhà trường duy trì tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp trường để chọn ra những bài xuất sắc nhất trước khi gửi đi dự thi cấp tỉnh. Do vậy, năm nào trường cũng có nhiều bài thi chất lượng, đạt giải cao. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng tự nhận thức được giá trị của sách mà trên thực tế, nhiều em vẫn cần một cú hích từ phía nhà trường.

Cô Phương cho biết thêm: “Giáo viên Tổ Ngữ văn luôn khơi gợi, khích lệ các em đọc sách. Không chỉ đọc để đối phó mà đọc xuất phát từ đam mê, từ đó các em mới thấy được tầm quan trọng của sách. Sách luôn có sức mạnh độc quyền: Bước vào thế giới ấy sẽ được gặp một chân trời mới, được sống với rất nhiều cuộc đời, nhiều trải nghiệm. Học sinh sẽ có được những hiểu biết thú vị, phong phú và hình thành thói quen đọc sách một cách tự nhiên”.

Cô Hà Hoài Phương (ở giữa, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ kinh nghiệm lan tỏa đam mê đọc sách cho học sinh. Ảnh: P.D

Cô Hà Hoài Phương (ở giữa, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ kinh nghiệm lan tỏa đam mê đọc sách cho học sinh. Ảnh: P.D

Cô Phương cũng chia sẻ một bí quyết khác, đó là Tổ Ngữ văn thường xuyên kết nối với Thư viện tỉnh để gửi cộng tác các bài viết bình sách, thực hiện thu âm bài bình xuất sắc của học sinh để phát hàng tuần, hàng tháng trên các nền tảng mạng xã hội, tạo hứng thú để các em tiếp cận với sách nhiều hơn nữa. Câu lạc bộ Văn học trong trường dần dà thu hút đến vài trăm thành viên tham gia mỗi năm. Sắp tới, Tổ Ngữ văn sẽ tổ chức một hoạt động mới lạ, đó là sân khấu hóa tác phẩm văn học để các em được hóa thân, nhập vai vào nhân vật.

Phát triển văn hóa đọc thời công nghệ số

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, chiều 17-4, anh Diệu Minh Thành (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tranh thủ đưa con đi chọn mua sách sau khi tan học. Ý thức rõ giá trị của sách nên từ khi con biết đọc thì vợ chồng anh đã hướng dẫn thói quen đọc, bắt đầu từ những bộ truyện tranh dễ tạo hứng thú như Doraemon, Thám tử Conan, sau đó chuyển dần sang các thể loại khác.

Ngoài ra, anh cũng quy định chặt chẽ thời gian sử dụng ti vi và các thiết bị điện tử. Mỗi tuần, con trai anh là cháu Diệu Minh Châu (lớp 6/9 Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku) chỉ được chơi trên máy tính 1 giờ, hạn chế xem ti vi; dịp hè thì thoải mái hơn. “Nhờ vậy, con rất thích đọc sách nhiều thể loại, hiểu biết nhiều hơn, đỡ cầm điện thoại giải trí”-anh Thành vui vẻ cho hay.

Sáng 17-4, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thư viện tỉnh và UBND huyện Chư Păh tổ chức lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (thị trấn Phú Hòa).

Tại buổi lễ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh và UBND huyện Chư Păh đã trao 4 phần quà khuyến đọc cho Thư viện Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Công ty cổ phần Trường Xuân trao tặng 20 phần quà (mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng) cho các em học sinh vượt khó học giỏi của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) đọc sách tự chọn tại lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Ảnh: P.D

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh) đọc sách tự chọn tại lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Ảnh: P.D

Trò chuyện với P.V, em Ksor Hà (lớp 10A4, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) thừa nhận cuộc sống của em bị chi phối khá nhiều bởi mạng xã hội, nhất là TikTok. Nhận thấy việc đọc sách báo mang lại nhiều lợi ích hơn, gần đây, em quyết định dành ra mỗi ngày khoảng 10 phút cho việc đọc; nguồn sách báo đều từ Thư viện nhà trường.

Hà kể: “Mục tiêu là vậy nhưng có khi sách hay quá, em chăm chú đọc thì thấy 45 phút đã trôi qua. Sách mang đến nhiều giá trị, nhiều kiến thức hay và cho em khát vọng vươn lên trong học tập, cuộc sống”.

Em Ksor Hà (bìa phải) đọc sách tại xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Em Ksor Hà (bìa phải) đọc sách tại xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Cho rằng mục tiêu “cạnh tranh” để phát triển văn hóa đọc là không dễ trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng xã hội hiện nay, em Trịnh Thị Thanh Tú (cùng trường) hiến kế: “Khi lên mạng, em thấy có những kênh giới thiệu sách rất hay trên TikTok, Facebook, vừa ngắn gọn vừa thú vị, phù hợp và gần gũi với giới trẻ. Theo em, khi truyền thông về sách, nên bắt trend đưa vào phần giới thiệu sách, như vậy sẽ lan tỏa văn hóa đọc hiệu quả hơn”.

Là đơn vị đảm trách vai trò chính yếu về khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh cũng đang có nhiều đổi mới về phương thức tuyên truyền để tạo sự chú ý của độc giả. Các nền tảng mạng xã hội của đơn vị lần lượt ra mắt bạn đọc, thu hút lượng lớn lượt truy cập và đăng ký. Riêng trong năm 2023, Thư viện tỉnh đã thực hiện và đăng tải 261 video lên các nền tảng Facebook, YouTube, Kênh “Sách-Nhịp cầu tri thức”…

Các phương thức này cộng với phương thức truyền thống đã nâng tổng lượt bạn đọc trong năm lên đến 705.037 lượt. Văn hóa đọc còn được khuyến khích thông qua các cuộc thi mà Thư viện tỉnh được giao vai trò phụ trách như: Đại sứ Văn hóa đọc, Giới thiệu sách trực tuyến, thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách…

Học sinh tìm hiểu kiến thức trên máy tính trang bị trên xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Học sinh tìm hiểu kiến thức trên máy tính trang bị trên xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Mỗi cuốn sách hay không chỉ chứa đựng kho tàng tri thức, tinh hoa mà còn mở ra cánh cửa hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Phát triển văn hóa đọc là cách để lĩnh hội tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn, giúp mỗi người khai mở cho mình một chân trời mới… Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay, nên khuyến khích các TikToker, YouTuber làm những kênh giới thiệu sách. Tuy nhiên, do tính lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội này rất mạnh nên cần đề cao tính chính xác, đặc biệt là với các chi tiết lịch sử. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương nên khuyến khích xây dựng điểm mô hình khuyến đọc; phát triển các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ”.

Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh. Ảnh: P.D

Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-nhìn nhận: Hiện nay, văn hóa đọc phát triển nhanh với những hình thức mới; độc giả tiếp nhận thông tin, tri thức không chỉ bằng mắt mà còn bằng tai. Số lượng người dân di chuyển trên các phương tiện cá nhân cũng tăng mạnh. Do đó, đơn vị đang định hướng phát triển thêm kênh sách nói để phục vụ nhu cầu đa dạng của độc giả.

Cùng với đó, bà Thủy cho hay, đơn vị bắt đầu lui dần về phía sau khi tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc để nhường sự chủ động cho học sinh và các nhà trường.

Bà Thủy dẫn chứng: Tại lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi sáng 17-4, thay vì “ôm” tất cả các khâu từ xếp sách nghệ thuật đến giới thiệu sách như mọi năm thì Thư viện tỉnh giao lại và khuyến khích nhà trường tự lên kế hoạch; đơn vị chỉ cho xe thư viện lưu động đến phục vụ đọc sách tại chỗ kèm MC hoạt náo. “Trao quyền để các em chủ động tìm đọc, tiếp cận với sách, giới thiệu sách chính là cách thức hiệu quả để nhân rộng và lan tỏa văn hóa đọc”-bà Thủy nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Những ngày cuối năm

(GLO)- Vậy là đoàn tàu thời gian đã đến ga “tháng Chạp”. Có lẽ vì là ga cuối nên cuộc hành trình dường như chậm lại trong biết bao nỗi niềm bâng khuâng của lữ khách.

Ảnh minh họa: HUYỀN TỶ

Thơ Võ Duy: Khói đổi mùa

(GLO)- Không chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, "Khói giao mùa" của tác giả Võ Duy còn phản ánh sự chuyển mình trong tâm hồn con người, sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa những kết thúc và khởi đầu mới tốt đẹp trong cuộc sống.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.