Tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; lãnh đạo Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đứng chân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) và Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) và Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành ngày 4-11-2013, đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nền GD-ĐT nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Quy mô và mạng lưới các cơ sở GD-ĐT phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non với 19.398 điểm trường; 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông (12.354 trường tiểu học, 10.762 trường THCS, 2.441 trường THPT). Đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được duy trì vững chắc; kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên.

Cả nước hiện có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 242 cơ sở giáo dục đại học và 18.557 trung tâm giáo dục thường xuyên. Quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng; hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời. 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hệ thống giáo dục quốc dân được thiết kế theo hướng mở, liên thông, tạo điều kiện phân luồng học sinh.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học, chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt được những kết quả quan trọng.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có kết quả thi Olympic quốc tế cao nhất.

Cùng với đó, trong 10 năm qua, phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học. Đặc biệt, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương, cơ sở GD-ĐT đã trao đổi, đánh giá về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên cả nước nói chung và tại địa phương, đơn vị nói riêng. Nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hội nghị cũng tập trung đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đưa nền Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Phụ cấp giáo viên: Một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc.