Trăm năm giữ sắc đỏ nhang quê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không chỉ được xem là làng nghề lâu đời nhất Thành phố Hồ Chí Minh, làng nhang Lê Minh Xuân còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam Bộ. Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (Tổ trưởng hợp tác se nhang ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) cho biết, nghề này lúc thịnh, lúc suy nhưng cái hay là khó đến mấy, nhiều người vẫn bám trụ theo những cách riêng. Tuyến đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa thuộc ấp 2 nhờ vậy mà gần 100 năm nay vẫn đượm sắc vàng đỏ của nhang quê thơm lừng.
Nghề làm nhang đem lại cuộc sống ổn định và giúp người dân thêm gắn kết, hòa đồng.

Nghề làm nhang đem lại cuộc sống ổn định và giúp người dân thêm gắn kết, hòa đồng.

Thoát nghèo nhờ nhang

Ngày chị Thúy còn bé, nghề làm nhang đã xuất hiện ở xã Lê Minh Xuân. Trong làng, có vài người đi học nghề từ nơi khác về, mày mò thêm cho thuần thục rồi tự mở xưởng. Sau giờ đốn mía, làm cỏ, thấy nghề làm nhang là lạ, nhiều người tò mò học theo, đem về nhà làm thêm. Mỗi người một công đoạn, dọc con đường đâu đâu cũng sắc đỏ, sắc vàng của chân nhang, bột áo. Làng nghề lớn lên mỗi ngày nhờ sự hăng say ấy. Mẹ chị Thúy thấy hay cũng tập tành, tích góp kinh nghiệm rồi nhận nguyên liệu về nhà gia công, ăn lương. Chắt chiu mãi, về sau đủ tiền mở xưởng làm nhang nhỏ ngay tại nhà, tạo thêm nguồn việc làm cho người dân trong ấp. Chị Thúy học từ mẹ từng công đoạn làm ra cây nhang sao cho đẹp và thơm lâu nhất. Chưa lên 17 tuổi, chị gom hết tiền dành dụm được, vay mượn thêm để mở xưởng làm nhang.

Chị Thúy kể, hồi xưa làm gì có máy móc như bây giờ, cái gì cũng thủ công, cực nhưng vui lắm. Nhờ lanh lẹ, khéo tay, chị làm nhang giỏi có tiếng trong làng, ngày càng nhiều người tìm đến học nghề. Cũng thất bại mấy phen rồi gầy dựng lại, vậy mà, chưa bao giờ chị nản chí. Nhờ làm nhang, chị có tiền lo cho các em, sau này là các con có bữa no, được đến trường đàng hoàng. Hiện giờ, xưởng nhà chị Thúy là cơ sở làm nhang lớn nhất làng nghề, ngày mấy chuyến hàng đi khắp nơi. “Ai hỏi nghề, tôi chẳng ngại, hướng dẫn tận tình. Nghề mình cũng được học từ người đi trước, giờ có người cùng làm thì sao phải giấu. Người nào muốn học cứ tới xưởng gặp, tôi chỉ không thiếu thứ gì, làm hư tôi chịu. Cần việc thì ở lại xưởng làm, muốn nhận về nhà gia công thì tôi đưa nguyên liệu. Nhờ làm nhang mà bà con ấp 2 vượt nghèo, có cuộc sống ổn định. Cái nghề này lạ lắm, làm rồi khó bỏ dù người và nhà cửa lúc nào cũng lấm lem”, chị Thúy trò chuyện trong khi đi kiểm tra mấy mẻ chân nhang vừa phơi xong một nắng.

Cái nghề kéo bà con trong xã sát lại gần nhau, người này giúp đỡ, chỉ dạy người kia, làm sao để làng giữ nếp, người giữ cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Bà con ở Lê Minh Xuân hay nói, nhờ có nhang mà đời họ thêm sắc màu, hương thơm. Giai đoạn chuyển từ làm nhang thủ công sang làm máy, các chủ xưởng bàn nhau, trích tiền hỗ trợ máy móc gia công tại nhà cho những hộ nhỏ lẻ. Ai không đủ tiền sắm có thể lấy máy và nguyên liệu về làm, hoàn thành sản phẩm trừ dần vào lương. Vậy nên, chẳng một ai có lý do bỏ nghề. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn bám nghề bằng nhiều cách, từ vật chất đến tinh thần.

Xưởng nhang của chị Thúy làm gần 30 năm nay, lúc nào cũng rộn ràng, không đợi Tết. Mỗi ngày, chị cung cấp ra thị trường 4.000 đến 6.000 thiên nhang (mỗi thiên 1.000 cây nhang), chủ yếu bỏ sỉ cho bạn hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Dịp cận Tết, các ngày rằm lớn trong năm, xưởng lúc nào cũng tăng ca, gần 40 nhân công làm miệt mài chưa đủ trả đơn hàng. Chị Thúy còn giao thêm nguyên liệu cho hơn 50 người về nhà gia công mới đủ số lượng giao đi các nơi. Tính ra, xưởng có cả trăm thợ. Thợ làm nhang tuy không rủng rỉnh nhưng chỉ cần chịu khó, mỗi ngày cũng kiếm được gần 300 nghìn đồng. Vào mùa cao điểm, thu nhập sẽ tăng thêm. Với khu vực ngoại thành chủ yếu sống dựa vào vụ mía, làm cỏ, tiền thu về từ nghề nhang đã giúp cải thiện đời sống của bao gia đình.

Nương nhau giữ nghề

Ngày còn trẻ, tay khỏe, mắt tinh, thấy hàng xóm đi học làm nhang, nhận về nhà gia công sau vụ mía, bà Trần Thị Nở (71 tuổi) cũng làm theo cho vui. Không ngờ, gắn bó với nghề đến tận hôm nay. Ngày trước, bà nhận nguyên liệu về nhà se nhang, mỗi thiên được mấy ngàn đồng tiền công. Giờ già cả, sống một mình, thui thủi mãi cũng buồn, bà xin vào xưởng nhang làm thuê, vừa kiếm thu nhập vừa có người trò chuyện, sẻ chia. Bà Nở phụ trách công đoạn bó nhang thành phẩm, ngày vài tiếng cũng đếm được 300 - 400 thiên, mỗi thiên nhận 500 đồng. Nghề này làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu nên hôm khỏe ngồi nhiều, bữa mệt xin nghỉ cũng chẳng ai rầy la, bà thấy thoải mái nên làm hoài không chán.

Bà Nở nói, làm nhang so với làm mía, làm cỏ chẳng cực bằng, chỉ là mình có thương nghề để theo đường dài hay không. Mà đã thương rồi thì bỏ đằng nào, nghỉ vài ngày đã nhớ. Đặc biệt nghề này không kén thợ, tuổi nào cũng được nhận, miễn cần cù, chịu khó. “Mấy công việc tôi làm con nít học vèo là xong, khó khăn gì đâu. Khó là ở công đoạn trộn bột áo sao cho khéo, cho chất lượng chứ những phần còn lại ai thay nhau làm cũng được. Thấy xã mình còn gắn bó với cây nhang, tôi mừng vì có cái nghề để đi đâu cũng khoe với mọi người. Mấy tuần giáp Tết, nhìn cả con đường đỏ rực, vàng ươm, thích lắm. Thi thoảng, lại có mấy đứa nhỏ rồi du khách trên thành phố ghé xuống hỏi thăm, chụp hình, xin làm thử một lúc. Nghề của xã mình được duy trì, bà con đỡ khổ, lại có nhiều dịp trò chuyện, gắn kết với nhau”, bà Nở thoăn thoắt đôi tay, giọng không che niềm háo hức.

Gần 20 năm cặm cụi se nhang, chị Trần Thị Huyền (42 tuổi) thích luôn mùi bột áo. Thi thoảng, trong lúc máy trộn bột, chị lặng im cảm nhận mùi vụn gỗ, mùi trầm, quế lan tỏa quanh chỗ ngồi. Lúc chị Huyền còn trẻ, ai cũng hỏi sao không kiếm việc gì vui vui mà làm, suốt ngày ngồi se nhang. Người ngoài nhìn vào thấy chán, thế nhưng, chị Huyền thì không. Chị thích công việc mình làm, từ lúc còn tự tay nhào bột áo đến mỏi nhừ tay chứ nói gì đến lúc được làm máy thảnh thơi như bây giờ. Nhìn từng cây nhang vàng ươm, thơm tho nằm trên giá chuẩn bị đi phơi, chị hay nhoẻn miệng cười. Làm nhang khiến cuộc sống của chị Huyền nhẹ nhàng hơn. Se xong, xếp nhang trên giá, bận mấy cũng phải làm kỹ, không thì nhang gãy, phải làm lại từ đầu. Lúc rảnh tay, chị Huyền học thêm các công đoạn khác để khi ai đó nghỉ, xưởng cần chị sẽ choàng việc. Học thêm là cách chị tìm hiểu sâu về nghề truyền thống của làng.

Nhớ lại đợt dịch Covid-19 vừa qua, khó khăn đủ bề mà bà con trong xã vẫn nương nhau làm nhang. Dịch được kiểm soát, thị trường hút hàng nhưng cái khó chưa rời xa. Nguyên liệu tăng, giá nhang vẫn như cũ, các chủ xưởng chấp nhận chịu lỗ mấy vụ, kiếm đơn hàng về cho mọi người cùng làm, kiếm tiền trang trải sau gần hai năm liền ngừng hoạt động kinh doanh. “Nhiều người không hiểu, nói là, lỗ làm chi làm hoài, bộ bị khùng hay gì. Không phải đâu. Tại vì công ăn việc làm của mình, mình đã đầu tư vô đây quá nhiều, mấy tỷ bạc rồi, máy móc quá nhiều giờ bỏ sao đành. Rồi mấy cô chú, chị em cả mùa dịch vẫn gắn bó thì tình hình ổn hơn mình phải tìm cách vực lại cuộc sống cho họ chứ”, chị Thúy trải lòng về giai đoạn tưởng chừng không thể vượt qua trong hành trình làm nhang tại làng.

Cây nhang của làng nghề truyền thống Lê Minh Xuân đặc biệt ở mùi hương, do cách các hộ dân làm bột áo. Muốn nhang được chuộng, nguyên liệu hay thợ gia công đều phải chọn kỹ như nhau, nếu không, thành phẩm sẽ dễ mắc lỗi, khách hàng mắng vốn, đền tiền. Nguyên liệu bột áo nhập từ Bình Dương, tăm nhang nhập từ Hà Nội, keo nhập từ Gia Lai, mỗi nơi một thứ, chọn thật kỹ rồi cứ thế mà nâng niu từng mớ bột, cây tăm. Nhờ có nghề nhang mà nhiều người sửa được cái nhà dột lâu năm, vun vén tiền cho con ăn học, sắm sửa này kia. Họ mắc nợ ân tình nên cứ vậy miệt mài trong nắng bụi se nhang.

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.