Nông dân Ia Din liên kết trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, nông dân xã Ia Din (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng mì và điều kém hiệu quả sang trồng rừng. Việc làm này bước đầu góp phần tăng độ che phủ rừng và hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Trước đây, hơn 6 ha rẫy của gia đình ông Kpuih Tui (làng Nẻh) được trồng mì và điều. Do nằm trên khu vực đồi dốc, đất bạc màu nên năng suất cây trồng đạt thấp. Ông Kpuih Tui cho hay: “2,5 ha mì tôi trồng 2 năm mới thu hoạch, đến lúc bán thì được 48 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí rồi công chăm sóc thì không còn bao nhiêu. Còn trồng điều, thời gian đầu cây phát triển xanh tốt nhưng giai đoạn ra hoa, đậu quả thì rơi vào thời điểm gió to, sương muối nên đậu quả ít, thất thu”. Năm 2019, ông Kpuih Tui đăng ký trồng 2,5 ha rừng và được hỗ trợ 4.800 cây keo giống. Năm 2020, ông tiếp tục chuyển đổi 3,7 ha còn lại sang trồng keo lai và bạch đàn.

 Hàng năm địa phương đều hỗ trợ cây giống để khuyến khích người dân trồng rừng. Ảnh: Anh Huy
Hàng năm, xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đều hỗ trợ cây giống để khuyến khích người dân trồng rừng. Ảnh: Anh Huy


Tương tự, năm 2020, anh Võ Anh Sơn (cùng làng) cũng quyết định chuyển toàn bộ 6 ha đất trồng mì và điều trên khu vực đồi dốc sang trồng 4,5 ha keo lai và 1,5 ha gáo vàng. Trước đó, anh Sơn đã dành thời gian đi tham quan, học hỏi một số mô hình trồng rừng ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Anh Sơn cho rằng, ưu điểm của cây keo lai và gáo vàng là dễ trồng vì bộ rễ khỏe. Gỗ đang được thị trường ưa chuộng, không phải lo đầu ra. Anh Sơn cho biết: “Việc chăm sóc cây rừng cũng nhàn hơn các loại cây trồng khác. Chu kỳ thu hoạch keo lai khoảng 5-6 năm, song chỉ cần chăm sóc 2 năm đầu. Những năm sau, cây cao lớn chỉ chờ thu hoạch thôi”. Cũng theo tính toán của anh Sơn, với giá hiện nay, 1 ha keo lai có thể cho thu nhập 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 80-100 triệu đồng. So với trồng điều và mì trên cùng diện tích thì lợi nhuận thu về cao hơn, lại ít tốn nhân công chăm sóc.

 Nhiều nông dân ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng rừng. Ảnh: Anh Huy
Nhiều nông dân ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng rừng. Ảnh: Anh Huy


Bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din-cho biết, toàn xã có hơn 30 hộ nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng rừng. Năm 2021, Hội đã vận động thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng. Còn ông Kpuih Tui-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng xã Ia Din thì chia sẻ: “Bao lâu nay, người dân quen với cây điều, cây mì. Vì vậy, khi chuyển đổi sang cây trồng khác, nhiều người băn khoăn, lo lắng. Một số người cho rằng cây điều, cây mì dù năng suất kém, nhưng cho thu hàng năm còn cây rừng thì lâu quá. Mình tuyên truyền, giải thích để bà con chuyển đổi dần, theo phương thức trồng xen các loại hoa màu khi cây rừng còn nhỏ để lấy ngắn nuôi dài, giúp các hộ hiểu trồng rừng như của để dành, sau này thu tiền nhiều hơn”.

Hiện Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng xã Ia Din có 25 thành viên đều ở làng Nẻh, với tổng diện tích rừng trồng là 50,5 ha, chủ yếu là bạch đàn, keo lai và gáo vàng. Hàng tháng, các thành viên duy trì sinh hoạt đều đặn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rừng. Diện tích cây rừng của các thành viên trong tổ hội đều phát triển xanh tốt. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, diện tích đất sản xuất bạc màu cần chuyển đổi sang trồng rừng trên địa bàn xã còn khá lớn. Vì vậy, thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên mạnh dạn chuyển đổi nhằm từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nói riêng và hộ nghèo trên địa bàn xã nói chung.

 

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.