Pờ Yầu thuở ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Lơ Pang có 8 làng thì Pờ Yầu xa nhất. Và có lẽ nó cũng là làng duy nhất của huyện Mang Yang vẫn tồn tại như một “ốc đảo”. Gần 20 năm trước, thông tin dù ngắn ngủi ấy cũng đủ khiến cho những kẻ say nghề đang sức như chúng tôi háo hức… Đến Pờ Yầu bấy giờ hoặc phải trèo qua núi Đẹ Đọ hoặc đi từ huyện vào. Nhưng từ huyện vào còn xa gấp mấy lần, mà cũng chỉ đi bộ. Chúng tôi quyết định chọn con đường qua núi bởi đã có Độ-cậu dân quân được xã cử đi “tháp tùng”.
Đến xế chiều, chúng tôi mới lê được cái thân xác rã rượi tới làng.
Những ngọn núi lởm chởm, cao chất ngất đánh đai lấy cái thung lũng mấp mô mấy quả đồi loang lổ vài đám xanh trông như miếng vá trên thân áo sắp bục. Một doi đất chọc xuống từ lưng núi hình con đê cụt, đeo bám hai bên sườn nó là những mái nhà chênh vênh trông tựa những chiếc nấm dị kỳ... Pờ Yầu đấy! Sự tưởng tượng của tôi về một ngôi làng nguyên sơ nép mình dưới đại ngàn thoắt thành hoang tưởng.
 Đường vào làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: Minh Nguyễn
Đường vào làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: Minh Nguyễn
Thấy nhà Trưởng thôn đóng cửa, chúng tôi tìm đến trường học định nghỉ tạm, hóa ra trường học cũng đóng cửa nốt. Độ đành dẫn chúng tôi ra nhà rông. Từ xa nghe tiếng thậm thịch, tôi đoán làng đang có việc. Quả nhiên là vậy. Thấy người lạ, một người bước ra hỏi. Khi biết chúng tôi là ai, anh bảo: “Hôm nay già làng đang cúng đền cho Yàng con heo năm ngoái hứa rồi mà chưa có. Người lạ không lên nhà rông được, cứ về nhà Trưởng thôn đi. Nó đi thăm bẫy thôi. Cúng Yàng không ai được đi làm rẫy mà...”. 
Kiêng làm rẫy nhưng người ta vẫn lên rừng nên làng rất vắng. Tôi tha thẩn dạo quanh làng. Đã 16 giờ mà trời vẫn chói chang ánh nắng. Mùi nắng hanh heo, khô giòn trên mái tôn trắng lóa, trên mỗi chiếc cầu thang cong vênh, nứt nẻ... Nhưng cũng thật lạ, chỉ lát sau khoảng không đang ngập nắng bỗng sầm lại như có ai lấy vải che. Những đám mây màu khói đèn không biết từ đâu lổm ngổm bò ra. Thoạt đầu chỉ vài nắm nhưng rồi chúng bắt vào nhau rất nhanh. Nền trời thoáng chốc loang lổ, ngổn ngang từng đống lởm chởm. Những cơn gió đang phơ phất bất chợt lồng lên. Khí lạnh bốn phía chọc xuống thung lũng như những mũi lao nhọn... Trên con đường dẫn vào làng đã thấy vài dáng người liêu xiêu, chậm rãi như đếm từng bước một. Người lớn đã đi rừng về. Lũ trẻ con ào ra. Không hiểu chúng mừng cha mẹ hay mừng gió tới. Đứa quần đùi, đứa khoác hờ chiếc áo đứt hết cúc, chúng đuổi nhau chạy à à. Mặc, có vẻ như chẳng ai quan tâm đến chúng. Vài ba cái bóng chụm lại. Thoáng chốc những đống lửa bùng lên. Một đống rồi hàng chục đống. Những đám lửa đỏ khé, chập chờn trong hoàng hôn như khối nam châm hút dần những cái bóng đang rải rác trên đường tụ lại. Một vòng người bao lấy mỗi bếp lửa. Gió quật bên này họ giạt bên kia, cứ như chơi trò đuổi bắt. Lũ trẻ lại được dịp để đùa. Chúng nhảy cẫng lên, đu vào vai nhau cười sằng sặc. Làng như chợt ấm lên...
Lúc tôi về thì đã thấy Trưởng thôn Đinh Vech ngồi đợi bên mâm cơm với tô thịt dúi tú hụ. Ông cười lởi xởi: “Mình vừa uống vừa nói chuyện nhưng chắc không có nhiều chuyện đâu. Người Pờ Yầu này sáng lên rẫy, tối về. Chuyện xấu sau núi kia mặc nó. Pờ Yầu như con suối trên đỉnh Đẹ Đọ, không ai làm đục được. Chỉ buồn cái nghèo cứ đeo lấy chân miết, chưa dứt nó ra được thôi”.
Có lẽ chỉ để rào đón chứ hôm ấy ông Đinh Vech nói nhiều chuyện lắm. Mà chuyện nào cũng khiến ta suy nghĩ. Tỷ như đất thì mấy tiếng hú chưa hết nhưng năm nào Nhà nước cũng phải cứu đói. Làng có “hai cái mũi nhọn là con bò với cây bời lời nhưng bò thì hay bệnh dịch. Cây bời lời sinh ra từ rừng thì bán rẻ quá. Kiếm được tiền đã khó, tiêu tiền cũng lại khó nữa. Muốn cái gì cũng trèo qua núi. Ăn uống kém, lắm cái gió nên bệnh tật hay sinh. Mỗi lần có người đau là thanh niên trong làng phải tập hợp hết lại, thay nhau cáng chạy qua núi. Bởi thế cái gì thì bỏ được chứ cúng Yàng thì chưa. Cứ đau là phải cúng rồi mới đi viện. Cho nó nhẹ cái đầu mà (!).
Mải chuyện, đến khi gian nhà đã đầy ắp bóng tối, Trưởng thôn Đinh Vech mới như chợt nhớ ra: “Đã đến lúc bật cái điện lên rồi. Còn chiếu phim cho làng coi nữa chứ”. Tôi bước theo ông đi xem “cái điện”. Càng tối trời càng gió. Gió hồng hộc như ngựa lồng. “Cái điện” mà ông nói đây hóa ra là chiếc máy phát điện chạy bằng sức gió của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Viện Quân y 115 tặng. “Cái quạt này yếu lắm, ban ngày phải cho nó ngủ (nạp điện vào bình), tối mới thức được. Ban đầu định dùng cho 15 nhà thắp đèn, thấy nó yếu quá nên hạ xuống 7 nhà; không được lại hạ xuống 3 nhà, nhưng cũng chỉ được chừng 2 tiếng đồng hồ là hết thôi!”-ông Vech phân trần.
Trở vào nhà, cả tôi và Đinh Vech không sao len vào được cửa. Cả làng đã tới gần như không sót một người. Bữa rượu còn dang dở, chẳng còn biết cách nào, ông Vech đành bảo cậu con trai bê máy ra ngoài sân chiếu.
Tôi cứ tưởng là phim gì, hóa ra là 2 đĩa ca nhạc “Giày thủy tinh” của Hàn Quốc và “Anh hùng xạ điêu” của Tàu. Từ dạo có điện đến nay dễ đã chiếu đi chiếu lại hàng chục lần, thế nhưng giữa những cơn gió như thế, giữa cái lạnh như thế, già trẻ lớn bé vẫn đứng bất động dán mắt vào màn ảnh... Không chỉ dân làng, cả Đinh Vech nữa, cứ mỗi lần ngơi câu chuyện với chúng tôi, ông lại hé cửa tranh thủ liếc qua một tí; xong lại khép cửa ngửa mặt lên trời phả khói, gật gật cái đầu ra chiều mãn nguyện.
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.