Pleiku mùa thay lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những ngày này, dạo trên các tuyến phố ở Pleiku (tỉnh Gia Lai) như: Lê Hồng Phong, Tăng Bạt Hổ, Lê Duẩn... tôi lại nhớ đến câu thơ của Olga Berggoltz do Bằng Việt dịch: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”, như một thông điệp giàu ý nghĩa: “Hãy biết quý trọng tất cả những gì chúng ta đang có. Hạnh phúc cũng mong manh như lá, hãy nâng niu khi nó còn ở trên cành”.

Vừa đi, tôi vừa khe khẽ ngâm nga đôi câu trong tình khúc “Đâu phải bởi mùa thu” của nhạc sĩ Phú Quang và thấy ca từ ấy, giai điệu ấy sao mà phù hợp với hiện tượng thiên nhiên khiến biết bao người yêu thích trên phố mấy nay: “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”.

Chợt nhắc nhớ đến câu cổ thi khuyết danh của Trung Hoa “Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rụng/Thiên hạ đã biết thu sang). Nếu chiếu soi vào câu cổ thi khuyết danh trên, vẻ như, khi lá rụng ấy là thu sang. Nhưng ở thành phố của tôi, mùa rụng lá kéo dài từ cuối đông cho đến tháng hai, tháng ba và đẹp đến xốn xang, nhung nhớ đến nao lòng. Mấy người bạn tôi khá tường tận, am hiểu về cây cối thì bảo không phải tất cả các loài cây đều thay lá vào mùa thu, cũng không phải cây nào thay lá cũng chuyển sang sắc vàng. Như cây ở một vài tuyến phố Pleiku chẳng hạn, lá rụng trong những ngày xuân.

Một đoạn đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) với thảm lá rụng vàng đẹp mắt. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Một đoạn đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) với thảm lá rụng vàng đẹp mắt. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm

Lướt qua vài trang Facebook cá nhân, tôi thấy chị bạn đồng nghiệp khoe bức ảnh phố Tăng Bạt Hổ với thảm lá xà cừ vàng phai vừa rụng, bung bay trong ngày gió lay phay. Khi đăng kèm status “Phố không mùa”, tấm ảnh ấy được nhiều bạn bè yêu thích và bình luận sôi nổi về hiện tượng thiên nhiên thú vị. Riêng tôi thì lại ví von rằng, đó chính là “mùa thu vàng của Levitan”. Tôi gọi là “mùa thu vàng của Levitan” cũng bởi, phố đang mùa như thế khi hàng xà cừ-loài cây trồng lâu đời ở Pleiku cùng với thông và long não đổ lá vào tháng hai. Sẽ thật thích thú khi ta đứng dưới gốc cây xà cừ xòe tay đếm lá rơi, rồi ngạc nhiên, xuýt xoa khi bắt trọn được khoảnh khắc giao mùa.

Ai bảo trong những chiếc lá phai tàn sẽ không mang đến rung cảm về thẩm mỹ? Tôi tự nhận mình luôn là người hàm ơn và quý mến những điều bình dị, dẫu đến từ cỏ cây, hoa lá. Tôi luôn tin rằng, vòng đời của một chiếc lá sẽ không kết thúc ở thời điểm nó rụng xuống. Sau những tàn lụi kia sẽ là mầm xanh của sự tái sinh, vẹn lành. Sống tận cùng để tận hiến cho đời trong từng hơi thở của đất đai, bầu trời, không khí, như một triết lý về tuần hoàn của vạn vật. Rồi lại ví von chiếc lá như phận người. Theo tôi, đấy là vẻ đẹp của sự an nhiên, tự tại. Như chiếc lá kia khi rụng rơi gặp nắng sẽ cong lên, phồng lên để người ngang qua, dẫu bận rộn đến mấy cũng nhận ra giữa phố có một miền đầy lãng mạn. Thì chẳng phải, trên kia có chiếc lá cố nhoài mình vào ban công để dừng nghỉ đó sao; rồi cũng vừa hay có chiếc lá tiếc nuối xuân thì rơi vào vạt áo để ai đó mang chúng đi thật xa quên hết ưu tư phiền muộn, có chiếc hồn nhiên đậu xuống làn tóc rối để yêu thương còn mãi, chiếc thì thanh thản buông lìa vì hiểu ra, lá rụng về cội, đông qua thì xuân tới. Vậy mới hay, đâu ai cưỡng lại quy luật muôn đời, tuần hoàn của tự nhiên. Hiểu được chân lý ấy, người sống giữa cuộc đời rằng rịt bon chen rồi cũng vô vi như lá, sống đời nhẹ tênh như lá đó thôi.

Thiên nhiên tự tình là thế. Con người cũng không ngoài cuộc. Vào những ngày như này, có những người Pleiku dâng lên niềm tự hào vẻ đẹp của phố phường. Là tôi đang muốn nói đến thầy Ngô Văn Hòa-một người dạy đàn guitar khá nổi tiếng. Thầy đang cùng cộng sự thực hiện dự án Pleiku xưa và nay. Bằng tấm lòng yêu phố, muốn tái hiện không gian xưa và nay của thành phố, nhóm của anh đã thực hiện những bức ảnh về các tuyến phố xưa và nay, đơn cử như đường Phan Thanh Giản (ngày xưa) và bây giờ là Lê Hồng Phong, trong những ngày hàng xà cừ trút lá. Tôi tin, khi dự án hoàn thành, những người yêu Pleiku sẽ có thêm một lần được chiêm ngắm phố trong sự đối sánh xưa và nay cùng vẻ đẹp tự nhiên gần gụi, giản dị.

Dạo phố mùa này, tôi lại càng như thấu hiểu được niềm riêng của phố. Và, trong nỗi buồn sâu lắng, trong rụng rơi tàn phai vẫn ánh lên niềm tin yêu cuộc sống, sáng lên những khoảng trống trong tâm hồn để dấy lên niềm tin mãnh liệt yêu thương cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Mùa trâm chín

Mùa trâm chín

(GLO)- Thấy cô bạn chia sẻ hình ảnh những quả trâm chín đựng trong chiếc nón lá với dòng status “Tuổi thơ dữ dội”, lòng tôi trào dâng bao hoài niệm. Những quả trâm chín tím mọng kia chính là một phần của tuổi thơ tôi.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...
Tháng ba này hoa gạo nơi đâu?

Tháng ba này hoa gạo nơi đâu?

(GLO)- Với tôi, ký ức một loài cây đến từ những câu chuyện cuộc đời. Ký ức ấy không chỉ là bóng mát, là lá phổi xanh cho sự sống của con người mà còn là chốn neo đậu biết bao tâm hồn yêu thiên nhiên.

Sắc màu tháng ba

Sắc màu tháng ba

(GLO)- Dấu chân thời gian đang chạm dần vào vạch cuối của mùa xuân để chào đón mùa hạ. Khoảnh khắc nhấn nhá này rắc lên thiên nhiên những mảng màu sống động đầy mê hoặc trong sắc màu tháng ba.