Piơm ngân vang làn điệu dân ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân ca được xem là món ăn tinh thần gắn liền với người Bahnar từ thuở lọt lòng cho đến lúc về với tổ tiên. Thế nhưng sự giao thoa của văn hóa hiện đại đang khiến các làn điệu dân ca đứng trước nguy cơ mai một. Điều ấy không ngừng thôi thúc những “nghệ sĩ dân ca” làng Piơm (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) quyết tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Làng Piơm nằm ngay trung tâm huyện Đak Đoa nên việc phải chịu tác động mạnh mẽ của nhiều loại hình văn hóa-văn nghệ đương đại là điều không thể tránh khỏi. Một bộ phận thanh niên trong làng đã chẳng còn mặn mà với những bài dân ca chân chất, lắng đọng mà thuở ấu thơ vẫn được nghe các bà, các mẹ à ơi trên lưng địu. Thay vào đó, họ thích nghêu ngao mấy bài nhạc trẻ sôi động, hợp thời. Trưởng thôn Piơm-ông Ayó-buồn bã thừa nhận điều ấy và bảo rằng, bản thân ông cùng những người tâm huyết với văn hóa truyền thống đang từng ngày khơi dậy cái hồn dân ca trong lòng thế hệ trẻ của làng.
Ông Ayó là một trong số ít người ở làng Piơm có thể hát và linh hoạt ứng tác dân ca mọi lúc, mọi nơi. Từ nhỏ, mỗi khi nghe cha mẹ cất giọng hát, ông đều thích thú lắng nghe và nhẩm theo. Rồi những giai điệu ấy cứ ăn sâu trong tâm thức, ngấm vào máu thịt ông từ lúc nào không hay. Năm 12 tuổi, ông Ayó đã thuộc nằm lòng khá nhiều bài ca của dân tộc mình. Trưởng thành, ông cũng tham gia nhiều phong trào văn nghệ, cuộc thi hát dân ca do huyện, tỉnh tổ chức. “Ngày trước, thanh niên cứ tối đến là tập trung lại bên nhà rông, cùng nhau sinh hoạt, vít rượu cần và ca hát. Ai cũng thuộc ít nhất 2-3 bài dân ca để ngân nga cùng tiếng trưng hoặc đàn goong. Giờ thì hiếm rồi nên mình càng cần phải gìn giữ”-ông Ayó bộc bạch.
 Ông Ayó (trái) và ông Hnin luôn tìm cách gìn giữ những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: H.T
Ông Ayó (trái) và ông Hnin luôn tìm cách gìn giữ những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: H.T
Vài năm trước, đem nỗi niềm trăn trở của bản thân giãi bày với một số người có cùng đam mê dân ca trong làng, ông Ayó liền nhận được sự đồng thuận. Từ đó, với vai trò là đầu tàu của Piơm, ông Ayó đã tích cực vận động, tuyên truyền cho bà con, nhất là lớp thanh niên trong làng quay về với những bài dân ca mộc mạc của ông bà. Những buổi sinh hoạt ở nhà rông được tổ chức thường xuyên hơn. Không chỉ dạy hát, Trưởng thôn Ayó còn tự tay viết lời một số bài dân ca khó ra giấy để cho mọi người dễ dàng tiếp cận và học thuộc.
Theo chia sẻ của ông, dân ca của người Bahnar có nội dung mộc mạc, gần gũi với đời sống thường nhật. Đó là khúc hát ru nhẹ nhàng, tha thiết, chất chứa yêu thương; là làn điệu giao duyên, đối đáp tình cảm giữa các chàng trai, cô gái; hay đơn giản chỉ là mô tả hoạt động sản xuất của dân làng trên ruộng đồng, nương rẫy mỗi ngày. Qua thời gian, các “nghệ sĩ dân ca” của làng lại tự sáng tác thêm lời mới cho những làn điệu dân ca tùy theo hoàn cảnh thực tế, chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương, buôn làng, khuyên răn mọi người chăm chỉ làm ăn, sống có ích, đoàn kết cộng đồng…
Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Hnin cũng sẵn sàng tập hát dân ca để cho lũ làng Piơm học tập. Ông Hnin kể, trước kia, ông biết một vài bài dân ca song chẳng bao giờ tự tin thể hiện giọng hát trước nhiều người. Ngay cả gia đình ông cũng hiếm hoi lắm mới nghe ông hát vài câu. Rồi từ ngày được Trưởng thôn Ayó vận động, ông Hnin quyết tâm tập hát để cùng chung tay gìn giữ những bài dân ca của dân tộc mình. “Giờ thì tôi mạnh dạn hát rồi, tham gia mấy cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, vừa rồi lên sân khấu cũng không thấy run gì cả. Tụi nhỏ thấy mấy người già trong làng học hát dân ca thì cũng bắt chước học theo”-ông Hnin bày tỏ.
Chị H’Hen vẫn hay hát dân ca cho bé H’Selly nghe mỗi khi hai mẹ con ra đồng cùng nhau. Ảnh: Hồng Thi.
Chị H’Hen vẫn hay hát dân ca cho bé H’Selly nghe mỗi khi hai mẹ con ra đồng cùng nhau. Ảnh: Hồng Thi
Chị H'Hen (SN 1985) cũng là cô gái trẻ ở Piơm đầy tâm huyết với những làn điệu dân ca dân tộc. Từ nhỏ, chị đã hát nhuần nhuyễn những bài dân ca quen thuộc như: “Ru em”, “Gặt lúa Đông Xuân”, “Đuổi chim”…; lớn thêm chút nữa thì ca những bài về tình yêu đôi lứa, giao duyên đối đáp. Thế nhưng có nhiều giai điệu, ca từ dẫu rất thích hát nhưng chị lại cảm thấy khó tiếp cận. Chị H'Hen tâm sự: “Nhiều bài phải hiểu hết ý nghĩa thì mới thể hiện hay và cảm xúc. Chính chú Ayó là người đã gỡ khó cho mình, giúp mình hát tiến bộ hơn với một số ca khúc như: “Pring-Prơng”, “Mặt trời lên”, “Dăm Brông”… và đạt được vài giải thưởng động viên nho nhỏ”.
Tuy hàng ngày đều phải ra đồng song chị H'Hen vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi tối để dạy cho 5-6 em nhỏ trong làng học hát hoặc tập văn nghệ cho thiếu nhi trong các dịp lễ hội. Ngoài các bài hát dân ca truyền thống, chị còn dịch các bài hát tiếng Kinh sang tiếng Bahnar để các em thể hiện. Bé HSelly (12 tuổi) cũng có niềm đam mê ca hát giống mẹ và chị H'Hen luôn sẵn sàng hỗ trợ con gái. “Bé rất thích nghe mẹ hát nên hễ bé yêu cầu là mình đáp ứng ngay, có thể là lúc ôm con ngủ hay lúc 2 mẹ con cùng ra ruộng trồng rau, hái quả. Bé hay thủ thỉ với mẹ là mơ ước lớn lên sẽ trở thành một người hát dân ca, trong đó có dân ca Bahnar. Còn mình thì chỉ cần nhìn thấy nó biết yêu mến và có thể góp phần nhỏ gìn giữ lời ca truyền thống của dân tộc là vui lắm rồi”-chị H'Hen chia sẻ.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null