Nhân lên tình yêu với dân ca Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chị Đinh Thị Lơnh (dân tộc Bahnar, 32 tuổi, làng Groi 2, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) là người có niềm đam mê bất tận với những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Không chỉ vậy, chị còn có nhiều việc làm thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn nét đẹp dân gian này.
Biết chúng tôi muốn gặp chị để được nghe những làn điệu dân ca cất lên từ chính giọng hát trong trẻo nên dù đang ở trên rẫy xa, chị Lơnh vẫn gác lại công việc rồi men theo con đường mòn xuống núi trở về nhà. Nhìn cách chị say mê kể về những bài dân ca mình thuộc, ai cũng đồng tình rằng chị là người trẻ nhưng am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc. Không để chúng tôi đợi lâu, chị nhanh chóng mặc bộ trang phục truyền thống rồi đeo thêm bộ trang sức để biểu diễn. Trong căn nhà sàn mát rượi, chị cất lên những lời hát ngọt ngào, thiết tha bằng tiếng Bahnar, tạm dịch: “Con ơi, con ngủ ngoan nhé. Con đừng khóc nữa. Để mẹ đan áo, dệt vải. Để mẹ lên rẫy, để cha cùng làm”... Chị Lơnh vui vẻ cho biết: “Đây là những ca từ trong bài “Ru con” mà mình thuộc từ hồi còn nhỏ nhờ hát theo bà và mẹ. Mỗi lần lên rẫy mình thường hát những bài này nên quên hết mệt nhọc”.
  Chị Đinh Thị Lơnh ngồi hát dân ca bên bậc cửa. Ảnh: Hồng Thương
Chị Đinh Thị Lơnh ngồi hát dân ca bên bậc cửa. Ảnh: Hồng Thương
Sở hữu giọng hát ngọt ngào, trong trẻo nên những bài dân ca do chị thể hiện lúc mượt mà, êm ái, thiết tha, lúc lại khỏe khoắn, tạo nhiều cảm xúc cho người nghe. Tiếng lành đồn xa, thời gian gần đây, chị được huyện, xã chọn tham gia biểu diễn tại các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mới đây, chị còn tham gia biểu diễn tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại TP. Pleiku. “Hôm ấy, mình chỉ hát 1 bài thôi, bài “Ru con” khi nãy. Đó là lần đầu tiên tham gia biểu diễn tại một sự kiện văn hóa lớn nên mình rất hồi hộp và lo lắng. Thế nhưng, sau khi biểu diễn xong, được nhiều người khen nên mình thấy rất vui”-chị Lơnh bày tỏ.
Theo chị Lơnh, dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân Bahnar nơi đây. Những bài dân ca này đều được lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Đó là những điệu hát ru con mộc mạc, chân chất; những bài dân ca về tình yêu đôi lứa, quê hương, gia đình; là những giai điệu mượt mà thể hiện tình yêu lao động như trỉa bắp, dệt vải. Những điệu hát ấy luôn hướng con người sống nhân ái, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và biết yêu lao động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. “Lúc mới nghe có vẻ khó hiểu nhưng nghe kỹ sẽ thấy rất thích bởi sự gần gũi, mộc mạc của những lời ca. Chỉ cần có niềm đam mê và kiên nhẫn luyện tập thì chỉ mất 1-2 ngày đã thuộc được 1 bài”-chị Lơnh chia sẻ.
Ngoài đam mê tìm hiểu về những bài dân ca, chị Lơnh còn có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa này. Lúc rảnh rỗi, chị luôn sẵn sàng dạy hát cho bạn bè và thanh-thiếu niên trong làng. Chị Đinh Thị Hương (cùng làng) chia sẻ: “Lúc mới tập hát, mình thấy hơi khó vì chưa bắt kịp được nhịp điệu của từng khúc hát. Sau một thời gian tập luyện, mình đã quen và thấy yêu thích hơn những bài dân ca này. Đến nay, mình đã thuộc được 5 bài do Lơnh truyền dạy”.
Có thể nói, việc luyện tập và gìn giữ những làn điệu dân ca của chị Đinh Thị Lơnh đã góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian của cộng đồng người Bahnar. Việc làm này thắp lên niềm tin về thế hệ mai sau sẽ tiếp nối, lưu giữ tiếng hát dân ca truyền thống của dân tộc. “Làng Groi 2 trước đây rất ít người trẻ thuộc các bài hát dân ca. Từ khi Lơnh truyền dạy lại, bọn trẻ trong làng đã biết hát. Thỉnh thoảng, chúng còn tụ họp tại nhà rông để hát vào các dịp lễ. Điều đó khiến những người già như chúng tôi rất tự hào”-già làng Đinh Yie bày tỏ.
Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.