Phượng vĩ sân trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay ra phố, thoáng ngỡ ngàng trước một màu đỏ thắm. Cây phượng ven đường từ lúc nào đã nở hoa rực rỡ. Tháng 5 rồi sao? 
Mùa hạ cùng tiếng ve và màu phượng đỏ đã in sâu vào trong tâm trí tôi từ thuở ngây thơ cắp sách tới trường đến lúc mái đầu chớm bạc. Màu phượng vĩ gắn liền với bao kỷ niệm của thời hoa mộng, gần gũi thân thương biết chừng nào. Những kỷ niệm của một thời áo trắng chợt ùa về sống động, lung linh.
Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên trong đời đã gắn bó suốt một thời thơ trẻ. Ngôi trường làng khiêm tốn nép mình giữa những ngôi nhà mái tranh, mái ngói, mái tôn ẩn hiện trong những khu vườn cây ăn trái mát xanh, trải dài ra cánh đồng lúa bạt ngàn một màu xanh hút mắt. Giữa khung cảnh thanh bình ấy, những cây phượng vĩ với rễ chằng chịt lan khắp sân trường.
Qua Tết, khi trời ấm dần là lúc những cành phượng bắt đầu nảy lộc. Từ những cành khô ấy, những chiếc lá mảnh mai xếp hình đối xứng rất đẹp bắt đầu vươn ra. Chúng tôi cứ mỗi sáng thứ hai đầu tuần xếp hàng chào cờ lại nhìn lên những tàng cây ấy và thấy kỳ diệu làm sao khi màu xanh đã thay thế cho màu nâu xỉn của những cành cây trơ lá hôm nào. Rồi phượng nở, lác đác vài bông ẩn dưới vòm lá xanh. Bọn con trai tìm cách hái những chùm phượng đầu tiên ấy, tìm những cánh hoa đốm trắng đẹp nhất để cho tụi con gái làm cánh bướm ép vào trang vở.
Chỉ qua mấy hôm là phượng đã nở rộ, đỏ rực khắp sân trường. Hoa phượng rơi trải thảm đỏ trên sân trường, chúng tôi tha hồ tìm những cánh hoa đẹp ép vào trang vở thành những cánh bướm xinh xinh, vụng về viết những dòng thơ, những bài hát, những trang lưu bút trao nhau. Năm tháng trôi qua cùng với sự lớn lên của chúng tôi, ngôi trường được mở rộng, nhưng những gốc phượng cổ thụ vẫn vững chãi che bóng mát, cho chúng tôi những chỗ ngồi dưới gốc cây vào giờ ra chơi.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngày chia tay, chúng tôi ngồi giữa sân trường trải đầy thảm phượng, chúc nhau thành công trong kỳ thi tốt nghiệp với đầy lưu luyến, biết rằng những bạn bè với những ngã rẽ khác nhau trong đời. Cây phượng vẫn rực cháy xuyến xao hẹn ngày trở về... Và rồi, ngày chúng tôi trở lại, thật tiếc, trường đã đổi tên. Bạn xưa không còn, thầy cũ cũng xa, chỉ có cây phượng già vẫn còn đó, rực đỏ sân trường.
Tôi may mắn được gắn bó với loài hoa học trò này suốt một quãng thời gian dài sau đó. Mỗi tháng tư, tháng năm về, khi giai điệu hè được những chú ve ngân lên gióng giả cũng là lúc phượng đua nhau thắp lửa. Mùa hè ở Tây Nguyên rực rỡ sức vàng của muồng hoàng yến, tím ngát của bằng lằng, với đủ màu của lan, hồng, huệ, cúc..., nhưng có lẽ không loài hoa nào giành được vị trí độc tôn trong lòng những ai yêu màu áo học trò như sắc hoa đỏ thân thương ấy.
Màu phượng đỏ vẫn đang rực cháy nôn nao, để rồi chỉ cần nhìn thoáng từ xa cái màu đỏ ấy là bao cảm giác bồi hồi, bao kỷ niệm lại sống dậy, ùa về. 
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...