(GLO)- Tại hội nghị tổng kết công tác nội chính và phòng-chống tham nhũng, lãng phí năm 2018 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức mới đây, nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu đưa ra phân tích, thảo luận một cách thẳng thắn.
Phát hiện, xử lý nhiều sai phạm
Phát biểu gợi ý thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua. Trong đó, tập trung phân tích về lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản, tình trạng các tuyến đường giao thông nhanh chóng xuống cấp, làm rõ vai trò của các đơn vị tư vấn giám sát công trình... Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cơ quan tố tụng, các địa phương cần nêu rõ quá trình điều tra, xử lý các vụ phá rừng nổi cộm trong thời gian qua.
Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác nội chính và phòng-chống tham nhũng, lãng phí năm 2018. Ảnh: V.H |
Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, năm 2018, ngành Thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành 243 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện số tiền sai phạm là 44,6 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 22 tỷ đồng, hoàn trả ngân sách tỉnh trên 745 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu khôi phục hiện trạng thi công đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ 2,5 tỷ đồng. Ngành Thanh tra tỉnh đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm với tổng số tiền sai phạm 18,9 tỷ đồng sang cơ quan Điều tra. Cùng với đó, ban hành 1.025 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 8 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, ngành Thanh tra đã triển khai 19 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng-chống tham nhũng tại 51 đơn vị. Đến nay đã kết thúc 16 cuộc tại 32 đơn vị. Công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng được các cơ quan tố tụng triển khai có hiệu quả. Cơ quan Điều tra 2 cấp đã thụ lý giải quyết 18 vụ án, vụ việc. Qua đó, đã khởi tố 7 vụ/14 bị can; kết thúc điều tra 6 vụ/16 bị can; đang điều tra 3 vụ/2 bị can. Năm 2018, các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế gây thiệt hại trên 2,6 tỷ đồng, đến cuối năm đã thu hồi gần 2,3 tỷ đồng, đạt trên 80%.
Về những sai phạm trong công tác xây dựng cơ bản, ông Trần Hữu Đức-Chánh Thanh tra tỉnh-nêu rõ: Hiện nay, nhiều chủ đầu tư không quan tâm tới công tác giám sát; nhiều đơn vị giám sát cho rằng chủ đầu tư đã bớt đi 50% kinh phí dành cho công tác giám sát. Ông Đức nhấn mạnh: Do chủ đầu tư bớt kinh phí nên các đơn vị giám sát không đủ tiền trả lương, dẫn đến cán bộ giám sát không có mặt tại công trình. Vì vậy, nhiều công trình nhanh xuống cấp. Cùng với đó, một số chủ đầu tư cũng gian dối trong quá trình thi công, tính sai vật tư, đơn giá… Những sai phạm này chủ yếu xảy ra ở các dự án sử dụng vốn vay, vốn tài trợ.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta không còn “vùng cấm”.
“Nóng” công tác quản lý, bảo vệ rừng
Một trong những vấn đề khiến hội nghị “nóng” lên đó là tiến độ điều tra, xử lý việc mất rừng và người dân lấn chiếm rừng. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các địa phương, đơn vị báo cáo về tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc này. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy nêu ví dụ: “Gỗ vận chuyển từ biên giới về qua huyện Đức Cơ rồi qua nhiều địa phương nhưng các lực lượng chức năng không phát hiện được. Đến thị xã An Khê thì bắt giữ mới biết gỗ từ biên giới về. Các lực lượng chức năng không phát hiện hay có sự tiếp tay, buông lỏng quản lý?”.
Khu vực núi Cheng Leng-nơi rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa bị mất. Ảnh: Văn Ngọc |
Nói về công tác xử lý một số vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Vụ người dân lấn chiếm đất rừng trái phép tại núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê) thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cùng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê tiến hành khám nghiệm hiện trường. Cụ thể, đã phát hiện 6.000 m2 đất trống và 2.500 m2 đất có rừng bị người dân xâm lấn. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Riêng ở các tiểu khu 1061, 1064, 1067, diện tích rừng bị lấn chiếm là 149 ha. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã xác định được 2 đối tượng lấn chiếm 38,1 ha, số diện tích còn lại các hộ dân lấn chiếm. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: “Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng và những cán bộ để mất rừng”.
Cùng quan điểm này, Đại tá Phan Thanh Tám-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho rằng: Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra về các vụ phá rừng này. Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ đang khẩn trương điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. Theo Đại tá Phan Thanh Tám, để hạn chế tình trạng phá rừng thì cơ quan chức năng-ở đây là các đơn vị chủ rừng-cần nêu cao trách nhiệm khi đã để mất rừng rồi mới phát hiện thì công tác điều tra, xử lý sẽ khó khăn và rừng đã mất nên việc khôi phục nguyên trạng rừng như ban đầu là một vấn đề nan giải.
Để giữ rừng, theo ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy: Tỉnh cần rà soát các dự án liên quan đến rừng, nếu dự án nào không hiệu quả cần bãi bỏ. Cùng với đó, hiện nay, số liệu của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng chưa được chính xác, vì vậy cần tiến hành điều tra cụ thể để biết rừng còn bao nhiêu, bao nhiêu diện tích đã bị lấn chiếm. Nếu làm được việc này chúng ta sẽ có giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ rừng.
Trước thực trạng rừng ngày càng mất, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo Thanh tra tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành thanh tra và kiểm tra các đơn vị chủ rừng. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Ai lấn chiếm đất rừng, phá rừng, để mất rừng phải điều tra; nếu có dấu hiệu phạm tội phải truy tố, xử lý nghiêm minh. Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy và Thành ủy cần đưa vào kế hoạch theo dõi, giám sát tiến độ điều tra, xử lý của các cơ quan tố tụng đối với các vụ án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng”.
Vĩnh Hoàng