Phối hợp đón người dân về quê an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 1-10, khi có chủ trương của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đã nới lỏng giãn cách, cho phép người dân đi lại và có nguyện vọng về quê sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều bất ngờ trước dòng người đông đúc lên đến hàng chục ngàn đổ về miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung và cả các tỉnh phía Bắc.
Khỏi phải nói, quy mô cuộc “di dân” lớn đến thế nào, hành trình cực khổ, vất vả ra sao, không chỉ với người về mà với cả lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ đón tiếp. Hình ảnh dòng người ồ ạt đổ về các tỉnh kéo dài hàng cây số, lỉnh kỉnh đồ đạc, vạ vật, đói khát, thiếu ngủ, trong đó có người già, phụ nữ mang thai, em bé khiến bất cứ ai cũng không khỏi chạnh lòng, xa xót. Và đã có không ít rủi ro, tai nạn thương tâm trong hành trình vất vả ấy. Trước đây đã có chuyện cha con nọ ở Nghệ An gặp tai nạn khi sắp về đến nhà. Mấy ngày nay, dư luận chưa thôi xót xa trước sự việc 2 mẹ con đi xe máy về miền Trung tránh dịch va chạm với xe tải dẫn đến tử vong tại đoạn đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh. Hành trình về miền Tây tắc nghẽn tại nhiều chốt kiểm soát do có đến vài vạn người nối đuôi nhau như ở Long An, Cà Mau, Sóc Trăng...
Và trong “cơn lốc” về quê “đoạn trường” đó, thật ấm lòng khi có biết bao vòng tay san sẻ, chở che, yêu thương chân thành, không bợn gợn tính toán. Hình ảnh cô gái trẻ cầm trên tay xấp tiền liên tục phát cho bà con nơi trạm dừng chân của hành trình thiên lý; hàng trăm người đội mưa trắng đêm phát bánh mì, cơm hộp, nước suối tiếp tế hay các chiến sĩ Cảnh sát Giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ cung cấp xăng dầu, bố trí nơi dừng nghỉ, dẫn đường người lỡ bước, bàn giao cho địa phương kế tiếp... làm xúc động và ấm lòng hàng triệu con tim. Chính quyền, đoàn thể các địa phương đã không làm ngơ, bỏ mặc mà vận động, huy động hết khả năng để sẻ chia, tiếp sức, hỗ trợ. Những nghĩa cử cao đẹp đó làm đường về của người tha hương như ngắn lại, nỗi vất vả dần vơi.
Trên hành trình đó, mấy ngày qua, tỉnh ta cũng đã dồn lực làm nhiệm vụ chốt chặn, sàng lọc, phân luồng, giải quyết nhu cầu người về và ngang qua địa phương. Cầu 110 trên quốc lộ 14, đường Trường Sơn Đông, tỉnh lộ 668 nối liền thị xã Ayun Pa với huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak), lực lượng chức năng đã phải vất vả làm việc xuyên đêm để giải quyết hàng ngàn trường hợp về lại địa phương hay đi qua địa bàn tỉnh. Để chủ động ứng phó với tình hình, ngày 4-10, UBND tỉnh có Công điện số 23/CĐ-UBND về việc khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 đối với công dân ở các tỉnh từ vùng dịch tự phát về địa phương. Trước đó, Công điện số 354/CĐ-UBND ngày 3-10-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 đối với công dân ở các tỉnh vùng dịch tự phát đi về địa phương và công dân các tỉnh, thành phố về quê đi ngang qua địa bàn Gia Lai.
Lực lượng chức năng trao các suất ăn, nước uống cho công dân tại chốt cầu 110 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Phạm Quý
Lực lượng chức năng trao các suất ăn, nước uống cho công dân tại chốt cầu 110 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh). Ảnh: Phạm Quý
Những ngày tới, dự báo người về từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sẽ còn nhiều. Vì vậy, tình hình chưa hết phức tạp, sẽ gây ra không ít áp lực cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiếp tế nhu yếu phẩm, đảm bảo sức khỏe người dân và an toàn phòng dịch. Thậm chí, một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ dừng cho người dân rời nơi đang cư trú để về quê. Lý do là bởi lo sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh, quá tải trong kiểm soát, phân luồng, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly, chữa trị... chưa kể những ảnh hưởng khác đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vấn đề đặt ra lúc này là các địa phương cần có kế hoạch sát sao, chặt chẽ, cụ thể. Đặc biệt là sự phối hợp thật tốt để giải quyết, tránh tắc nghẽn, sự cố như đã xảy ra. Không thể để người dân “tự bơi”, tự phát về quê bằng chân trần, xe máy hay bằng bất cứ phương tiện gì có được trong hành trình hàng trăm, hàng ngàn cây số vạ vật, đêm hôm, mưa nắng, thiếu thốn. Các địa phương cần đáp ứng yêu cầu tổ chức đón công dân của mình một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Vì sao mấy lần trước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương có kế hoạch phối hợp giải quyết vấn đề tiếp nhận người dân trở về khá tốt, nhất là trong việc rà soát, chốt lập danh sách đối tượng, tiếp tế nhu yếu phẩm, bố trí phương tiện nhưng lần này lại bị động và lúng túng? Cho nên cần xác định đây là trách nhiệm đầu tiên của các địa phương, của những người đứng đầu theo sát chỉ đạo của Chính phủ. Giờ đây, khi dịch đã cơ bản được kiểm soát, trên hết, trước hết, hồi hương là nhu cầu chính đáng với bất kỳ ai. Hãy tạo điều kiện để bà con được thỏa nguyện vọng về quê. Có thể trong họ hãy còn tâm lý lo sợ dịch bệnh, lo sợ mất việc, mất thu nhập, xui rủi... nhưng dẫu có như vậy, cũng là nhu cầu tất yếu và chính đáng!
Cùng với giải quyết bài toán người về, để sống an toàn và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ còn đặt ra nhiều vấn đề. Chúng ta chưa thể sống chung với dịch khi an toàn vắc xin và các khuyến cáo quan trọng khác chưa được triển khai và thực hiện rốt ráo. Chắc chắn sau dịch, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước sẽ khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Giữ chân người lao động rõ ràng là bài toán khó trong lúc này. Nhưng không phải không thể, khi một số doanh nghiệp trong thời gian đối phó với dịch vẫn sẵn sàng chi trả lương đúng, đủ hay một phần để đảm bảo cuộc sống, giữ chân công nhân chờ phục hồi sản xuất kinh doanh. Một số địa phương cũng sẵn sàng kế hoạch cho doanh nghiệp chủ động nơi ăn ở, sinh hoạt, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, tránh thảm cảnh nhà trọ tạm bợ, vá víu, mất an toàn. Tất nhiên, chính sách kịp thời dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ và các địa phương nghiên cứu đáp ứng. Những địa phương có đông người “hồi hương” thì đối mặt với không ít thách thức cả trong hiện tại lẫn tương lai, trong đó có Gia Lai với bài toán đặt lên hàng đầu là giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.