Phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi không biết phải nói về phố của tôi bằng những hồi ức xa vời hay bằng cái mong đợi ngày mai của một người yêu phố. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu thực là tình yêu thì mọi lời đều vô nghĩa.
Tuổi trẻ đã không cho tôi biết điều gì chắc chắn về thời gian, hạnh phúc và tình yêu, dù tất cả mọi điều mà cuộc sống muốn phô bày đều được nhìn qua lăng kính phố. Những ngày nhớ phố mà không làm gì được, tôi hay mường tượng ra cái cảnh trí lúc mình được sống giữa phố, như cái cách mà tôi đã sống giữa một cuốn sách đời mình. Phố có ánh sáng riêng, cả khi mặt trời chưa thức dậy. Những tán cây lưa thưa vệt màu sương lạnh, vài vũng nước đọng trên mặt đường sau cơn mưa đêm, dăm ba mái nhà vắng gió và cái nhấn chuông cửa… như là tĩnh vật, cứ đứng yên thế mà không tài nào nắm bắt được. Có phải vì lẽ đó mà phố hấp dẫn được những tâm hồn đa mang?
Tôi là người dễ bị xâm chiếm bởi những nỗi buồn nay có mai không, cái buồn chưa bao giờ được lưu dấu nhưng hễ có dịp thì lại rào rạt quay về. Thêm một cái cớ để tôi tìm phố, rồi ngỡ ngàng nhìn phố. Phố thường cho chúng ta kỷ kiệm. Và kỷ niệm ấy làm ta run rẩy. Phố là nơi tôi từng bị kéo đi bởi vạn tiếng ồn và cũng là nơi tôi biết dừng lại để lắng nghe. Phố che đậy cái yếu đuối bên trong của mỗi người. Ở ngoài phố, ai cũng vờ như đang thong dong. Tôi thích ngồi yên giữa phố như hưởng một đặc ân của cuộc đời. Khó lắm con người ta mới được tồn tại ở trạng thái rỗng không, chẳng biết và cũng chẳng cần bám víu vào đâu ngoài những khoảng trống quanh mình. Phố và những gì thuộc về phố thường lắng sâu, chỉ có con người mới hay náo nhiệt. Mà náo nhiệt hoài thì làm sao hiểu về nhau?
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Người đi ngoài phố hay có cái vẻ lơ đãng và đăm chiêu. Có thể nào họ cũng đang tìm nhau trong thinh lặng? Còn tôi cảm giác như mình đã đánh mất một điều gì đó ở phố. Biết rõ là ở phố nhưng sẽ không bao giờ tìm lại được. Dẫu vậy, tôi vẫn yêu phố bằng một tình yêu bình thường và vô tư nhất. Chính phố đã thêm cho tôi chút tình thương, bớt cho tôi chút giận hờn, trách móc. Bởi ai cũng đã khổ nhọc với những câu chuyện riêng mình. Yêu phố, tôi biết vin vào những bao dung mà sống tiếp; biết giữ mình trong náo nhiệt và nhận ra chính tôi trong điều bé nhỏ.
Tuổi mình, tôi bắt đầu để ý hơn tới những sự thay đổi bên ngoài. Phố xê dịch. Phố đổi thay. Nhưng phố mãi chân tình! Với tôi, đó là một niềm an ủi. Tôi thật tâm yêu phố, nhưng không phải lúc nào trong đầu cũng đầy ắp ngôn từ để bày tỏ. Thì cứ yêu thôi. Đêm ở ngoại ô nhiều khi trống vắng, tôi thèm một tiếng mưa rơi nhẹ vào cửa sổ để ấm chiếc gối kê đầu, nhưng chỉ biết nằm im nghe tiếng côn trùng cầu an ở phía trăng không sáng tới và nhớ phố đến vô cùng. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đi giữa phố, xoay lưng về phía những vòm lá đợi chờ trong một chiều mưa bụi.
Từng mái phố tựa như những khúc quanh của đời người đi qua điều được-mất. Phố gần đó mà xa đó, vui đó mà buồn đó. Tôi và phố cứ dìu nhau mà bước…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.