Phạt vạ bằng… thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên là vô cùng phong phú, trong đó có nhiều điều ta ngỡ như đã biết nhưng hóa ra vẫn chưa hiểu rõ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe đến tục phạt vạ bằng… trang phục thổ cẩm của bà con Bahnar xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang.

Phạt vạ là lệ tục của làng từ bao đời nay khi có một cá nhân vi phạm quy ước và luật tục. Kể cả khi pháp luật đã được phổ biến sâu rộng thì tại nhiều vùng ở Gia Lai, tục phạt vạ vẫn duy trì, tăng tính nghiêm minh của “lệ làng”, đảm bảo trật tự xã hội.

Trong chuyến công tác đến xã Kông Lơng Khơng mới đây, chúng tôi lần đầu nghe chuyện phạt vạ “lạ đời” kể trên khi trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Lăm (làng Kgiang) về nghề dệt thổ cẩm. Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Lăm tự hào cho hay, chị em phụ nữ trong làng vẫn duy trì nghề truyền thống này trong tất cả các khâu, từ việc tự trồng bông đến xe sợi, nhuộm màu từ vỏ cây rừng, dệt. Có tháng bà thu nhập thêm 6-7 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm. Nguồn tiêu thụ không chỉ là du khách đến tham quan làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp mà còn là người dân trong xã. Tuy khó khăn nhưng nhiều gia đình sẵn lòng bỏ tiền để đặt mua trang phục thổ cẩm mặc trong các lễ hội truyền thống. Ngoài ra còn vì làng vẫn duy trì tục phạt vạ bằng... thổ cẩm.

Nghệ nhân Đinh Thị Lăm, người được tín nhiệm đặt hàng dệt thổ cẩm ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Đinh Thị Lăm, người được tín nhiệm đặt hàng dệt thổ cẩm ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Lăm kể lại: Mới đây, bà nhận dệt 1 bộ trang phục thổ cẩm nữ dùng để nộp phạt. Số là, ở làng bên có ông chồng sau khi bị vợ bắt quả tang ngoại tình nên phải chịu phạt vạ theo luật tục. Cụ thể, người này phải đền cho làng 1 con heo; đền cho con cái 1 con gà, 1 ghè rượu. Riêng với người vợ bị “phụ rẫy”, ông phải chịu phạt 1 con heo và một bộ váy áo thổ cẩm truyền thống. Chưa kể, theo yêu cầu của người vợ, bộ trang phục thổ cẩm này phải do chính tay nghệ nhân Đinh Thị Lăm dệt.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi về lệ tục thú vị này, nghệ nhân Đinh Thị Lăm khẳng định: Phạt vạ bằng thổ cẩm là chuyện phổ biến ở xã cũng như của bà con Bahnar vùng Kbang. Không chỉ bà mà một số nghệ nhân khác cũng từng nhận dệt thổ cẩm từ những tình huống phạt vạ “oái ăm” tương tự. Rơi vào tình huống này, các ông chồng phải thực hiện đầy đủ yêu cầu dù giá mỗi bộ váy áo thổ cẩm truyền thống khá cao, khoảng 4-5 triệu đồng/bộ. Sau sự cố “đình đám” này, có cặp vợ chồng tiếp tục chung sống, có cặp đường ai nấy đi.

Lâu nay, khi đến các làng, xã trong tỉnh, không lạ khi nghe kể các vụ phạt vạ mang màu sắc “vật chất” như trâu bò, heo gà, rượu ghè… Tại một số nơi, có gia đình còn lợi dụng luật tục để tới nhà người bị phạt vạ kéo trâu, kéo bò, gây ra những mâu thuẫn, xung đột không đáng có. Tuy nhiên, phạt bằng thổ cẩm thì quả là ngoại lệ đặc biệt. Có thể xem đây là “hành lang pháp lý” riêng, đầy văn minh của làng, cho thấy ngụ ý sâu xa của người đi trước: Ngoài tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, lệ tục này còn góp phần duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.

Trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-người thông thuộc hầu khắp các vùng trong tỉnh qua nhiều đợt điền dã để làm công tác nghiên cứu khoa học-cũng cho biết đây là lần đầu bà nghe đến lệ tục độc đáo này.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân chia sẻ quan điểm: “Cứ tưởng đã biết hết phong tục, văn hóa các dân tộc thiểu số nhưng thực ra còn nhiều điều thú vị mà chúng ta chưa rõ. Đây có thể là nét văn hóa của bà con Bahnar vùng Kbang, qua đó chứng tỏ họ rất quý trọng các giá trị truyền thống. Nhiều lần về huyện Kbang tham dự các lễ hội, tôi thấy bà con mặc trang phục thổ cẩm rất đẹp và phổ biến. Điều này thực sự đáng trân trọng trong điều kiện bản sắc văn hóa ở một số nơi đang dần mờ nhạt”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.