Chào mừng Đại hội Đại biểu hội nông dân tỉnh lần thứ IX

Phát huy vai trò nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Hôm nay (30-8), Đại hội đại biểu Hội Nông dân (HND) tỉnh Gia Lai lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra với chủ đề: “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát huy vai trò của các cấp Hội và hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Trước thềm Đại hội, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy nhằm đánh giá những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, nhận định thời cơ, thách thức và xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong nhiệm kỳ 2023-2028.

* P.V: Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động Hội, đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Nông dân trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng HND các cấp trong tỉnh đã bám sát định hướng của Trung ương Hội và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; thể hiện rõ nét ở những hoạt động, kết quả nổi bật sau:

Đã chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt 10/13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ VIII. Tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, hội viên và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ tại các chi hội, HND cấp xã được triển khai kịp thời, đảm bảo theo quy định; chất lượng hoạt động của cơ sở Hội được nâng lên, 95% số cơ sở Hội hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kết nạp 30.608 hội viên (đạt 102% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng đại biểu bên lề phiên trù bị Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028). Ảnh: Đ.T

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng đại biểu bên lề phiên trù bị Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028). Ảnh: Đ.T

Các cấp Hội chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy, thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã. Toàn tỉnh đã xây dựng được 77 chi hội nông dân nghề nghiệp, 966 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 87 chi, tổ hội nghề nghiệp trong hợp tác xã; phối hợp tổ chức được 564 lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động nông thôn.

Chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực thu hút đông đảo hội viên tham gia như: các phiên chợ nông sản an toàn, phiên chợ nông sản vùng đồng bào DTTS; hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, “Nhà nông đua tài”; đưa các sản phẩm của hội viên nông dân tham gia các hội nghị, hội chợ triển lãm, festival trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Các hoạt động này đã góp phần cổ vũ, động viên nông dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng; quảng bá, giới thiệu, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh đến các địa phương trong nước và một số nước trên thế giới.

* P.V: Theo đồng chí, đâu là dấu ấn nổi bật của HND các cấp trong nhiệm kỳ 2018-2023?

- Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Một trong những điểm nhấn, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là cán bộ, hội viên nông dân đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, thay đổi về tư duy trong sản xuất, từng bước đáp ứng xu thế kinh tế số. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc hội viên nông dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hàng năm, toàn tỉnh có 66.485 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 132% chỉ tiêu Nghị quyết). Nhiều hội viên nông dân đã được Trung ương HND Việt Nam bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Nhiều hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành sáng lập viên hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 137 nông hội, 516 tổ hợp tác, 311 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 22 hợp tác xã do Hội trực tiếp hướng dẫn thành lập với 733 thành viên.

Từ việc thay đổi tư duy, nhận thức và các phong trào, hoạt động thiết thực, các cấp Hội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tham gia thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhiều Hội cơ sở đã chủ động đăng ký với cấp ủy, chính quyền tham gia đảm nhận thực hiện một số nội dung, phần việc cụ thể, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM, đô thị văn minh ở địa phương.

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp 246,159 tỷ đồng, hiến trên 568.459 m2 đất; xóa 2.806 nhà tạm (trong đó, trực tiếp xóa được 297 nhà); vận động tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 35 ngàn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên trên 57 ngàn tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết); 100% HND cấp huyện và cấp cơ sở có Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, có nhãn hiệu, có mã vùng, mã vạch, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP...

Ngoài ra, các cấp Hội còn triển khai có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội; vận động hội viên nông dân ủng hộ kinh phí, vật chất để tham gia phòng-chống dịch Covid-19; thực hiện tốt công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong nội bộ kịp thời, đúng quy định pháp luật ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.D

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: P.D

* P.V: Theo đồng chí, trong nhiệm kỳ tới, các cấp HND trong tỉnh cần làm gì để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào cuộc sống?

- Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Tỉnh luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển tỉnh nhà; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, là một lợi thế của tỉnh và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Bước vào nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, các cấp Hội cần đoàn kết, nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế và đề ra các giải pháp phù hợp để từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt quan điểm nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh. Làm cho mỗi cán bộ, hội viên nông dân nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể, trung tâm, vừa là lực lượng thực hiện, vừa là người được thụ hưởng thành quả để từ đó phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng NTM.

Thứ hai, tiếp tục duy trì hiệu quả phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở” nhằm lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng của nông dân để kịp thời hỗ trợ, định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bà con. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị...

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm đóng gói chanh dây để xuất khẩu. Ảnh: P.D

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm đóng gói chanh dây để xuất khẩu. Ảnh: P.D

Thứ ba, chú trọng phát huy vai trò cầu nối của HND các cấp trong liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và tăng thu nhập. Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu đối với các sản phẩm nông sản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, nhất là đồng bào DTTS; trang bị cho nông dân các kỹ năng sản xuất, trao đổi hàng hóa, đảm bảo vừa phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của từng dân tộc, từng bước đáp ứng xu thế phát triển mới.

Thứ tư, với trách nhiệm là “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM”, HND tỉnh cần quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức Hội, chú trọng xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân. Nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tôi tin tưởng rằng, với vai trò và lực lượng to lớn của mình, các cấp Hội và hội viên nông dân tỉnh nhà sẽ “Đoàn kết-Trách nhiệm-Hội nhập-Phát triển”, quyết tâm cùng với Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.