Phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu là điều bắt buộc trong quá trình chuyển đổi số.

Theo đó, Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dịch vụ chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở tỉnh Gia Lai chính là nguồn “nguyên liệu” mới để phát triển kinh tế số, hỗ trợ người dân giám sát, quản lý hiệu quả công tác của cơ quan nhà nước và là cơ sở để xây dựng chính quyền số.

Việc tích hợp, kết nối, khai thác liên thông dữ liệu giữa các cấp, ngành sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Bính

Việc tích hợp, kết nối, khai thác liên thông dữ liệu giữa các cấp, ngành sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Bá Bính

Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và bắt đầu phát triển các cơ sở dữ liệu mở của các ngành.

Ông Phan Đình Hiếu-Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) nhận định: “Dữ liệu số được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức. Đây được xem là loại tài nguyên mới mà giá trị không tiêu hao, càng dùng càng nhiều lên, càng dùng càng tạo ra giá trị cao hơn”.

Mới đây, ngày 9-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ký ban hành Quyết định số 1004/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dịch vụ chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở tỉnh.

Theo đó, danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh có 28 cơ sở dữ liệu; 11 dịch vụ chia sẻ dữ liệu; 53 tệp dữ liệu của 12 chủ đề dữ liệu mở.

Trong danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh có nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng và được người dân rất quan tâm như: quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; bản đồ dự án đầu tư tích hợp; thông tin về cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; thông tin về bản đồ 3 loại rừng; thông tin về các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh; danh sách các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; giá; quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; quy hoạch sử dụng đất; tài nguyên nước; môi trường; quan trắc...

Danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu cũng có những nội dung quan trọng, phục vụ nhu cầu của nhiều người như: cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai; khai thác tài liệu lưu trữ lịch sử; tự chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; cung cấp thông tin quy hoạch; công tác dân tộc; thông tin bản đồ nền dùng chung; bản đồ nền cho các bản đồ chuyên đề; thông tin danh mục kiểu dữ liệu; thông tin danh mục loại tư liệu; thông tin danh mục loại đất; thông tin danh mục nhóm khoáng sản; mục đích sử dụng nước.

Còn danh mục dữ liệu mở với 53 tệp dữ liệu của 12 chủ đề gồm: giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; khoa học; kinh tế; nông nghiệp; tài chính; văn hóa du lịch; xã hội; xây dựng; y tế, sức khỏe và các chủ đề khác.

Ông Hoàng Anh Tú (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Không chỉ bản thân tôi mà nhiều người khác đều có những vấn đề cần tra cứu mỗi ngày. Ví dụ, khi có nhu cầu mua đất đai, ai cũng muốn tìm hiểu xem mảnh đất mình muốn mua có nằm trong quy hoạch không, có vướng mắc gì không. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các thông tin này đều phải hỏi dò qua nhiều người chứ không biết tra cứu ở đâu”.

Cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp nông dân tra cứu thông tin về các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp nông dân tra cứu thông tin về các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Còn ông Lê Tấn Tài (tổ 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) thì cho hay: “Tôi là nông dân nên thường xuyên mua phân bón, thuốc trừ sâu. Nhưng khi mua, tôi cũng chỉ phó thác niềm tin vào các cơ sở lớn hoặc những cơ sở kinh doanh lâu năm được nhiều người biết đến, còn việc có chứng nhận đủ điều kiện hay không thì không thể xác định được. Bởi vậy, tôi cho rằng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh rất hữu ích, góp phần đem đến nhiều thuận lợi cho người dân trong cuộc sống”.

Để phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tích hợp, khai thác, xây dựng, quản lý kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở của tỉnh theo quy định; thường xuyên rà soát, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung khi có thay đổi trong quá trình sử dụng.

Các đơn vị có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dịch vụ chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dữ liệu về hệ thống dữ liệu của tỉnh theo quy định; quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm việc tiếp cận, trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu được thông suốt, kịp thời.

Có thể nói, dữ liệu dùng chung chính là nguồn “nguyên liệu” mới để phát triển kinh tế số, hỗ trợ người dân giám sát, quản lý hiệu quả công tác của cơ quan nhà nước, là cơ sở để xây dựng chính quyền số và có vai trò thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Có thể bạn quan tâm

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến ở Gia Lai”

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến ở Gia Lai”

(GLO)- Ngày 25-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến.