Loại đá phát hiện tại một khu vực ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc có tính chất tương tự như đá được trên các áo giáp trong lăng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng của nước Tần.
Khai quật tại một hố mai táng phía tây bắc thành phố Tây An, nơi có một đội quân bằng đất nung canh giữ lăng mộ vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng. (Nguồn: CCTVNews) |
Các nhà khảo cổ Trung Quốc mới đây phát hiện tại tỉnh Thiểm Tây có một khu vực được cho là cơ sở chế tác ra những tấm áo giáp được ghép từ những mảnh đá tương tự như áo giáp trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Ngày 4/12, Viện Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây cho biết khu vực trên rộng 100m2, được phát hiện nằm trong khu bảo tồn tại quận Tần Đô, thuộc thành phố Hàm Dương.
Loại đá tại đây có tính chất tương tự như đá được trên các áo giáp trong lăng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng của nước Tần (221-207 trước Công nguyên).
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều vật liệu để chế tác áo giáp như đá, vật liệu đang gia công, phế phẩm và các công cụ như dao, dùi và khoan sắt...
Năm 1998, các nhà khảo cổ đã phát hiện một khu vực chôn áo giáp ghép từ các mảnh đá của lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Năm 2001, các chuyên gia tìm thấy một khu vực được cho là một trong những cơ sở chế tác áo giáp từ đá nằm cách khu lăng mộ 4,5km về phía Bắc.
Tháng Bảy vừa qua, các nhà nghiên cứu lại phát hiện những tàn tích tương tự tại địa điểm cách lăng 40km.
Khu vực mới phát hiện đã làm phong phú hơn những phát hiện trong lăng mộ vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa và góp thêm tư liệu mới cho quá trình nghiên cứu các chức năng của khu vực phía Bắc lăng mộ.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)