V.T.H. (32 tuổi) - người trở về từ vùng dịch Daegu - Hàn Quốc, đến Cần Thơ ngày 25.2. Sau đó, bà H đã thuê xe về nhà mẹ ruột là bà U tại ấp Tân Thành, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Khi Trung tâm Y tế huyện vận động bà H đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Cà Mau, bà H không đồng ý.
Tệ hơn, khi đoàn công tác đến vận động đưa bà H đi cách ly tập trung thì những người nhậu cùng kích động nên người phụ nữ trên không chấp hành, thậm chí còn có thái độ coi thường đoàn công tác. Đến sáng 28.2, gia đình bà H cho hay bà đã về đến Hàn Quốc.
Với tinh thần cả nước “chống dịch như chống giặc”, thì những người như bà V.T.H là một loại giặc trong dịch đây. Cũng như trường hợp cô gái từ Hàn Quốc về Bình Dương, trốn cách ly và khoe mình “có não”.
Đến từ vùng dịch mà trốn cách ly là mầm họa đối với cộng đồng. Họ không biết điều đó, và người nhà, bạn bè, bạn nhậu của họ cũng không biết. Thay vì khuyên họ nên cách ly để bảo vệ chính mình và an toàn cho cộng đồng thì lại tỏ thái độ chống đối.
Không ai trong những người trở về từ vùng dịch nhận thức được rằng, nếu họ bị nhiễm bệnh thì cha mẹ, người thân, bạn bè của họ sẽ là nạn nhân tiếp theo. Và những người thân trong gia đình cũng không hề nghĩ rằng họ đang bị nguy hiểm khi tiếp xúc với người về từ vùng dịch, con “COVID-19” không dòng họ bà con gì với ai, không chừa ai.
Chính quyền đã cho họ biết rằng, cách ly là biện pháp bảo vệ cho mỗi người và cho cộng đồng. 17 người từng tiếp xúc với bà V.T.H đã được cách ly tại gia đình, họ đã có cơ hội để nhận thức đầy đủ hơn về việc chấp hành các quy định và khuyến cáo về phòng dịch.
Những người về từ vùng dịch phải chủ động xin được cách ly, đó mới là hiểu biết. Người thân của người về từ vùng dịch phải có lời khuyên cho con cái, anh em của họ cách ly tập trung trước khi về nhà để bảo vệ cho gia đình, đó mới là hiểu biết.
Và trong thời điểm cả nước tập trung phòng chống dịch, thì mỗi công dân phải chủ động tham gia. Ngoài thực hiện các quy định phòng dịch, phải nắm thông tin từ các cơ quan hữu trách, không bấn loạn theo những lời đồn thất thiệt. Những tin đồn ác ý, gây hoang mang sợ hãi cho người dân cũng là một loại giặc. Nó cũng như con virus nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.
http://https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-dep-cac-mam-hoa-di-theo-giac-covid-19-787914.ldo
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)