Ông Trump cấm WeChat, công ty Mỹ tại Trung Quốc lại lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thanh toán di động chiếm tới 83% trong hoạt động thanh toán ở Trung Quốc vào năm 2018 và con số này phần nào cho thấy việc cấm WeChat, một kênh thanh toán phổ biến, sẽ gây nhiều khó khăn cho các công ty Mỹ làm ăn ở đất nước tỉ dân.
 
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân tại Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat - Ảnh chụp màn hình
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân tại Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat - Ảnh chụp màn hình
Với việc Công ty Bytedance của Trung Quốc đang sắp hết thời gian để bán lại các hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok hoặc phải "dẹp tiệm" TikTok, các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc đang tập trung vào một lệnh cấm có ảnh hưởng nguy hại lớn hơn: cấm WeChat.
WeChat vốn là một ứng dụng đa năng của Trung Quốc, vừa là mạng xã hội, vừa giúp thanh toán điện tử. Kênh Fox Business ngày 12-9 đã có bài viết: "Lệnh cấm WeChat của ông Trump gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc".
"Hãy nghĩ xã hội nước Mỹ sẽ ra sao nếu bạn đột ngột loại bỏ thẻ tín dụng" - ông Viktor Shvets, giám đốc điều hành tại Macquarie Securities ở Hong Kong, đưa ra so sánh.
Thực tế, kiểu thanh toán di động (mobile payment) ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc lấn át cả thẻ tín dụng. Ước tính 83% hoạt động thanh toán ở Trung Quốc trong năm 2018 được thực hiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động. WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba đang thống trị thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc.
Hơn chục công ty Mỹ gồm Apple, Walmart và Walt Disney tháng trước đã bày tỏ với chính quyền Tổng thống Donald Trump về những lo ngại của họ liên quan tới sắc lệnh hành pháp cấm các giao dịch với Tencent, dự kiến có hiệu lực vào ngày 20-9. Đây cũng là hạn chót để ByteDance đáp ứng yêu cầu bán lại TikTok tại Mỹ trước khi bị đóng cửa.
Tổng thống Trump lo ngại cả WeChat và TikTok nắm nhiều thông tin của người dùng tại Mỹ và các dữ liệu cá nhân sẽ bị chuyển cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đối với bất kỳ công ty nào hoạt động ở Trung Quốc, các ứng dụng thanh toán di động như WeChat là "huyết mạch" của họ.
"Đơn giản việc Mỹ cấm WeChat sẽ mang tính phá hủy. Thật khó để biết một số công ty Mỹ có thể tồn tại ra sao ở thị trường Trung Quốc nếu không thể sử dụng các khoản thanh toán bằng WeChat" - ông Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (Trung Quốc), bình luận với kênh Fox Business.
Chẳng hạn, tác động dễ thấy sẽ là doanh số bị mất đi đối với các công ty như Nike khi khách hàng chuyển hướng sang các đối thủ như Adidas (Đức) khi họ không thể sử dụng phương thức thanh toán quen thuộc của mình.
BÌNH AN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.