'Ông Lữ' thời hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao đời, người Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn ngân nga câu hát ru trẻ thơ: 'Ầu ơ... Chiều chiều ông Lữ đi câu/Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò'. Từ đó, dân gian gọi cánh mày râu đi câu cá là 'ông Lữ'.

Cần thủ buông câu giữa hoàng hôn. Ảnh: TRANG THY
Cần thủ buông câu giữa hoàng hôn. Ảnh: TRANG THY
Giờ, nhiều người tham gia câu lạc bộ, hội, nhóm câu cá, tìm sự thảnh thơi sau những giờ lao động mệt nhọc.
Nghẹt thở bởi dính cá lớn
Một chiều cuối tháng 3, anh Huỳnh Văn Đạt, ở P.Phổ Văn cùng bạn câu mang cần đến cửa biển Mỹ Á, P.Phổ Quang (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) khi những tia nắng cuối ngày tắt lịm trên đỉnh núi phía tây.
Các anh đứng trên những khối bê tông chân đê chắn sóng rồi vung cần, mồi câu giả cùng chì nặng bay ra xa trước khi chìm vào làn nước. Tay cầm cần và quay ròng rọc kéo dây câu lôi mồi hướng vào bờ. Mồi giả tựa cá nhỏ lao trong làn nước đánh thức bản năng săn mồi của những loài cá dữ. Hoàng hôn dần bao phủ làng chài Hải Tân. Những cần thủ mải mê vung cần rồi thu dây câu. Chốc lát, các anh ngưng tay, dõi mắt theo những con tàu đang buông, kéo lưới nhấp nhô trên sóng nước.
Chợt cần câu của anh Đạt bị kéo cong, anh vội buông dây, chiếc ròng rọc gắn với cần xoay tròn như chong chóng gặp gió lớn. Nghe tiếng la lớn, bạn câu vội buông cần đến giúp sức. Đầu dây bên kia kéo khá mạnh, dây lao vun vút ra biển. Ai đó la lớn: “Dính cá lớn rồi. Coi chừng đứt dây câu!”. Anh và bạn câu hồi hộp đến nghẹt thở. Sợi dây căng rồi lại chùng.
Chừng hơn giờ đồng hồ, con cá thu khá lớn bị kéo vào gần chân đê. Các anh vội nhảy xuống nước. Sóng bổ mạnh phủ qua đầu. Mặc, các anh cùng nhau đánh vật với cá và khiêng lên bờ trong tiếng hò reo vui sướng. Con cá cân nặng 49 kg được cột trên xe gắn máy chở về nhà, giữa những tiếng trầm trồ khen ngợi.

Anh Đạt bên con cá thu “khủng” vừa câu tại cửa biển
Anh Đạt bên con cá thu “khủng” vừa câu tại cửa biển
Nhiều người khẳng định đây là con cá thu lớn nhất từ trước đến nay giăng câu, thả lưới bắt được trên vùng biển này. “Trước giờ nhóm của tôi hơn 20 người câu nhưng chưa bao giờ được con cá lớn như thế này. Phải may mắn lắm mới được con cá lớn như thế”, anh Lê Đỗ Hoàng Châu cho biết.
Nghe tin anh Đạt câu được cá lớn, tiểu thương tìm đến trả giá 12 triệu đồng, món tiền khá lớn đối với mức thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, anh nhất quyết không bán và bấm điện thoại gọi thêm bạn câu trong nhóm đến xẻ thịt cá chia nhau. Phần còn lại, mọi người cùng nhau liên hoan, cười nói hả hê.
“Lúc đó tôi vung cần ném mồi ra xa chừng 30 m rồi kéo. Cách bờ chừng 10 m chợt căng dây, cá kéo chạy ngược ra khơi. Tôi phải nới lỏng dây rồi lại kéo vào. Có lúc phải thả hết cuộn dây 150 m luôn. Cứ rê dắt như thế rồi cũng kéo được cá vào bờ. Khiêng lên khỏi mặt nước thấy cá to sướng rơn người luôn. Câu được cá lớn như thế là may mắn lắm. Vậy nên tôi và anh em xẻ thịt chia nhau chứ không nghĩ đến buôn bán gì cả”, anh Đạt tâm sự.

Anh Châu vừa câu được cá
Anh Châu vừa câu được cá
Câu trên biển đêm
Chiều nọ, tôi cùng anh Châu và 6 cần thủ lên tàu cá của ngư dân Bùi Thiên (ở P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) rời bến cá Sa Huỳnh hướng ra biển. Tầm hơn mươi phút, tàu ra khỏi cửa biển Sa Huỳnh.
Anh Thiên đánh tay lái điều khiển tàu neo đậu song song với bờ cát vàng. Khoảng giữa là bãi rạn với nhiều tảng đá lớn và những khối bê tông chìm sâu trong nước nhằm giảm áp lực sóng vỗ vào thân đê nơi cửa biển. Anh Châu và bạn câu cẩn thận lắp những ống thép mỏng thành cần câu, gắn ròng rọc và buộc dây nhợ, mồi câu. Hoàng hôn dần bao phủ trên mặt biển. Ngoài khơi, nhiều tàu cá nhấp nhô trên sóng nước. “Hầu hết tàu cá của bà con ở Sa Huỳnh đánh bắt trên các vùng biển xa. Những tàu đó công suất nhỏ hành nghề gần bờ, chỉ vài chục mã lực nên không dám ra khơi bám biển dài ngày”, anh Thiên cho biết.

Anh Sỹ cùng con cá vừa câu
Anh Sỹ cùng con cá vừa câu
Các anh dàn hàng ngang trên boong tàu, mặt hướng về phía bãi rạn. Đấy là nơi trú ngụ của cá dữ: hồng, mú, nhồng, vược, hố... Những loài này chuyên rượt đuổi, săn bắt cá nhỏ bất kể đêm ngày. Tôi giơ máy ảnh lên chờ đợi. Những cú vung cần vun vút như tiếng roi quất vào gió. Chợt anh Phan Văn Đại đứng cạnh kéo vai tôi ngồi thụp xuống sàn tàu và thét to: “Khoan đã!”. Ai nấy đều giật mình. Anh vừa trông thấy mồi giả cùng thỏi chì nhỏ và những lưỡi câu sắc lẹm lướt qua đầu tôi rồi lao nhanh trên không trước khi rơi tõm xuống nước. “Chú nên ngồi sát ca bin, tốt nhất là nằm để nhìn. Những lưỡi câu đó cứng và bén lắm, xé rách da thịt như chơi”, anh khuyên.
Tôi đến ngồi cạnh anh Thiên phía đuôi tàu, hướng máy ảnh về nơi những cần thủ đưa cần ra sau rồi vung về phía trước. Những tiếng “vút” tiếp nối, ròng rọc kêu rè rè vì bị dây câu kéo quay tròn. Mồi câu xé gió lao ra xa rồi được thu về bởi những động tác khá thuần thục.
Chiều trôi qua nhanh, bóng tối dần bao phủ xung quanh. Xa xa, tàu cá dập dềnh trên sóng nước lung linh ánh đèn vàng tựa khung cảnh phố thị về đêm. Thỉnh thoảng có tiếng xuýt xoa tiếc rẻ khi lưỡi câu mắc vào bãi rạn phải giật đứt dây, mất mồi giả có giá trên dưới 200.000 đồng. “Mồi giả đắt gấp nhiều lần so với mồi thật nhưng khi kéo rê tạo tiếng động kích thích cá săn mồi. Chúng nghe tiếng động và thấy mồi chạy trong nước lầm tưởng mồi thật nên lao tới đớp. Xui rủi lắm mới mất mồi chứ bị hoài thì tiền đâu chịu nổi”, anh Châu tâm sự.
Con cá thu khá lớn được đưa về nhà ẢNH: NVCC
Con cá thu khá lớn được đưa về nhà. ẢNH: NVCC
Chuyện trò chốc lát, anh Đại và bạn câu móc mồi thật là những con lươn lớn cỡ ngón tay và dài tầm hai tấc. Đàn cá nhỏ phóng lên cao rồi rơi xuống nước. Chúng tìm cách thoát thân khi bị cá lớn truy đuổi.
Những cần thủ lão luyện hào hứng vung cần, thu dây câu trên biển đêm lộng gió. Chợt có tiếng reo “dính rồi” khiến cả tàu hồ hởi, tinh thần phấn chấn. Anh Nguyễn Tấn Bảo thu dây, kéo con cá hồng khá lớn đang giãy giụa lên khỏi mặt nước giữa tiếng cười nói rộn ràng. Anh Châu nhắc khẽ: “Cá đang ăn, đừng rọi pin xuống nước”. Anh Võ Duy Sỹ hể hả: “Dính rồi. Chắc cá lớn nên kéo nặng tay”. Có tiếng nhắc nhở: “Lỏng tay chứ đứt dây giữa chừng thì tiếc lắm!”. Bóng người bước vội đến phía cuối tàu lấy vợt lưới vớt con cá hồng khá lớn lên khỏi mặt nước. “Như vầy là gặp may rồi. Nhiều bữa câu cả buổi nhưng đành về tay không”, anh Sỹ cười tươi.
Tàu quay mũi về bờ khi đêm đã khuya. Tôi hỏi anh Đại ngồi bên: “Câu chẳng được cá có buồn không?”. Anh mỉm cười: “Biển giã mà. Buồn chi đâu chú! Chúng tôi không đặt nặng được cá hay không, chủ yếu là đi cho vui để ngày mai làm việc hiệu quả hơn thôi”.
Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.