Nuôi hươu lấy nhung-hướng đi mới ở Văn Lem

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
So với nhiều vật nuôi khác, nuôi hươu sao tuy vốn đầu tư lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, không phải quá lo lắng về đầu ra sản phẩm. Nhận thấy những điều này, một số hộ dân ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, Kon Tum đã lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế.

Sau thời gian tìm hiểu về nghề nuôi hươu sao lấy nhung, đầu năm 2021, anh Quách Văn Hà (sinh năm 1987) ở thôn Tê Rông, xã Văn Lem, quyết định vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh Đoàn thanh niên xã để xây chuồng trại và mua 3 con hươu sao về nuôi.

Anh Hà chia sẻ: Tôi từng xem được 1 clip khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Qua đoạn clip đó, tôi tiếp tục tìm hiểu thì thấy mô hình này rất hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại rất phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Tôi đã quyết định nuôi thử nghiệm. Qua thời gian nuôi, tôi thấy hươu sao là loài vật có sức đề kháng tốt, ăn tạp, dễ nuôi, nên tôi càng quyết tâm phát triển đến bây giờ.

Anh Quách Văn Hà đang chăm sóc đàn hươu của gia đình. Ảnh: Y.Đ

Anh Quách Văn Hà đang chăm sóc đàn hươu của gia đình. Ảnh: Y.Đ

Theo anh Hà, nuôi hươu sao tuy phải đầu tư vốn lớn nhưng rất dễ nuôi, vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, nguồn thức ăn đa dạng có thể trồng cỏ hoặc tận dụng nguồn cây cỏ, trái cây có sẵn trong vườn. Tuy nhiên, vì hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ thì hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.

Một con hươu đực nuôi từ 9-10 tháng tuổi sẽ bắt đầu cho ra nhung, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu khai thác; hươu cái sau 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Hươu đực trưởng thành cho 0,7 - 1kg nhung mỗi năm và tuổi thọ trung bình của một con hươu là 20 năm.

Nhờ áp dụng tốt các kiến thức, kỹ thuật tìm hiểu được từ các tài liệu, sách báo và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế, đàn hươu của gia đình anh Hà sinh trưởng tốt, đến nay đã có 7 con, với 3 con đực, 4 con cái sinh sản.

Hiện tại, đàn hươu của gia đình anh Hà có 2 con hươu đực đang khai thác nhung và khai thác được 2 năm, mỗi năm thu được 1,5kg nhung với giá bán 2 triệu đồng/100g nhung tươi, thu về 30 triệu đồng/năm. Gần đây, gia đình anh cũng mới bán được 2 con hươu giống, thu về được 48 triệu đồng.

“Do mô hình nuôi hươu sao rất mới và sản phẩm từ hươu sao luôn khan hiếm, nên tôi không phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Người dân thường đến đặt trước 1-2 tháng trước thu hoạch nhung. Thậm chí là tôi không có đủ nhung hươu để cung cấp cho khách, phải hẹn đợt sau” – anh Hà chia sẻ.

Từ thành công mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình anh Hà đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Xuân Xênh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Văn Lem chia sẻ: Chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình nuôi hươu sao của gia đình cháu Hà. Thấy có nhiều triển vọng, nên chúng tôi đã lựa chọn mô hình này để triển khai mô hình điểm về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động).

Hươu ăn cỏ cây, phế phụ phẩm nông nghiệp nên gần như không tốn tiền mua thức ăn. Ảnh: Y.Đ

Hươu ăn cỏ cây, phế phụ phẩm nông nghiệp nên gần như không tốn tiền mua thức ăn. Ảnh: Y.Đ

Theo đó, đầu năm 2024, Hội CCB xã đã thành lập Tổ hợp tác “Hội viên CCB DTTS nuôi hươu lấy nhung”, với 3 thành viên là hộ CCB người DTTS thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tê Pên. Mô hình được triển khai với kinh phí 80 triệu đồng do Hội CCB huyện hỗ trợ (từ nguồn vốn thực hiện Cuộc vận động), để xây dựng chuồng trại và mua 3 con hươu giống (1 con đực, 2 con cái).

Mô hình do ông Xênh trực tiếp theo dõi, quản lý và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Qua thời gian trực tiếp chăm sóc hươu sao, bà Y Riỗ - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Từ ngày hươu được đưa về cho tổ hợp tác chăm sóc, tôi được cán bộ hội hướng dẫn rất tận tình về kỹ thuật, cách cho ăn. Thức ăn cho hươu rất dễ kiếm, tôi tận dụng cây chuối, rau khoai, lá mít, cỏ voi có ở trong vườn. Tôi thấy nuôi hươu cũng rất dễ.

Ông Nguyễn Xuân Xênh chia sẻ, để việc chăn nuôi hươu được thuận lợi, ông cũng thường xuyên đến trao đổi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ anh Quách Văn Hà, rồi truyền đạt lại cho các thành viên trong tổ hợp tác.

“Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và các hộ CCB khó khăn trong trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi, hỗ trợ các thành viên của tổ hợp tác để chăm sóc tốt đàn hươu, từ đó gây đàn và mở rộng quy mô. Sau đó, có thể liên kết với gia đình cháu Hà để thương mại hóa sản phẩm” – ông Xênh cho biết.

Có thể nói, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình phù hợp, mở ra hướng đi mới để người dân xã Văn Lem chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Theo Y Đô (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.