Núi sông đồng ruộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tôi mở album và ngắm nhìn những tấm hình chụp cảnh núi sông đồng ruộng, những nơi tôi đã từng ngang qua. Đất nước mình, nơi nào cũng đẹp quá! Tôi đã từng thốt lên với các bạn tôi như vậy, khi có dịp kể về những nơi mình đã từng được đặt chân đến.

Nhiều năm, tôi đã ở mãi trên một cao nguyên. Thật lạ là nơi ấy chưa từng rời xa tôi lấy một ngày, dù tôi có nhiều năm tháng học hành, rồi lập nghiệp, tôi vẫn ở trên đất ấy. Có xa xứ núi, cũng chỉ là thảng hoặc một đôi ngày, tôi lang thang rong ruổi vui chơi đâu đó, rồi lại hối hả quay về. Lẽ ra, với khoảng thời gian lâu như vậy, hoặc là tôi sẽ thân thuộc đến nằm lòng, hoặc là sinh ra nhàm chán. Nhưng không, gần như mỗi ngày, tôi đều có thể cảm được những mới mẻ nhẹ len vào với cũ xưa tưởng chừng đã quen thân quá đỗi.

Cao nguyên bazan nắng lắm, mưa nhiều, dốc đồi xuống lên đổ vào lòng những dan díu mến thương. Nơi này vừa có núi có sông có đồng có ruộng, có cả đại ngàn thâm u huyền hoặc với những con thác đẹp như giấc mơ dang dở.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Sự sống đầu tiên của loài người xuất hiện là ở trong những hang động nằm sâu trong lòng núi. Rồi sau này, con người mới tiến dần về đồng bằng. Sự kiến tạo tuyệt vời từ đôi tay khéo léo, họ đã làm nên nhà cửa, làm nên đời sống. Con người ở đâu, thì nhất định ở đó phải có nguồn nước và ruộng đồng. Ruộng đồng đã góp mặt vào những yếu tố làm nên nền văn minh lúa nước rực rỡ trên đất nước ta. Ruộng đồng hình thành cho con người lối sống định canh định cư, xuôi theo dòng thời gian, xuôi theo dòng chảy của lịch sử, xuôi theo địa hình, nơi con người dừng chân đã tạo thành làng, thành xã. Đi đến bất cứ vùng miền nào cũng bắt gặp núi sông đồng ruộng và những buôn làng nằm yên bình lẫn vào màu xanh của cây lá.

Tôi đã rong ruổi từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Khi men theo sườn núi, lúc băng qua ruộng đồng, có lúc lại thơ thới trên một dòng sông nào đó. Tôi thích những buổi chiều, khi mặt trời treo lơ lửng khuôn mặt đỏ suộm của mình trên một rặng núi, rồi ngày chìm dần vào đêm, cảnh vật chìm trong bóng chiều nhập nhoạng. Tôi sẽ ngồi thật yên lặng nhìn theo những sợi khói rất mảnh thở lên từ những mái bếp, thấy lòng thốt nhen lên cảm giác ấm áp lạ kỳ.

Một chớm đông xưa, khi tôi chào đời trong một khoảnh khắc chưa rõ ngày, ruộng đồng đã ấp iu tôi cùng phù sa bờ bãi. Tôi đi đến đâu cũng có cảm giác lặng đi cùng những buổi chiều, khi trời đất giao hòa giữa ngày và đêm, khi chim chóc mải miết trở về tổ, khi tiếng gà túc túc gọi con về chuồng. Tôi vẫn như mường tượng được mẹ tôi tất tả những bước chân từ đồng xa trở về, đôi vai và tấm lưng mẹ oằn xuống cùng quang gánh. Bóng mẹ in vào chiều, in trên nền dòng sông nhỏ nâu sậm phù sa ngay ngõ nhà tôi. Trước khi vào nhà, mẹ rẽ xuống mấy bậc tam cấp, lội xuống sông, lấy tay khoát nước phả lên mặt. Nước sông khẽ chao lên trong bóng chiều suộm đỏ…

Mẹ tôi, có lẽ cũng giống như hàng triệu bà mẹ tảo tần lam lũ quanh năm lấm láp với ruộng đồng, rồi trở thành nỗi nhớ bám neo mãi vào lòng những đứa con như tôi.

Một chiều nọ, chúng tôi đã gần như reo lên, nhìn theo những thửa ruộng miên mải gối nhau hết lớp này đến lớp khác. Không biết xa xưa, ai là người đã nghĩ được cách tạo ra những thửa ruộng lên xuống uốn lượn theo những triền núi như kia, để rồi giữ chân người ở lại với những buôn làng. Khối óc và đôi bàn tay khéo léo đã tạo ra những tuyệt tác, như những nét chạm khắc nổi lên giữa núi đồi. Giữa chốn trùng điệp non cao, những thửa ruộng chẳng khác gì bức tranh lấp lánh sắc màu của ấm no, tràn đầy sinh khí. Và nước, từ một khe núi nào đó, con người dẫn được nước về, đổ vào đồng ruộng theo ý muốn của mình. Tuần tự từ cao xuống thấp, nước mang đến sự sống, tươi tốt và mát lành.

Tôi đã từng đẫm mình trong một giọt nước mát lạnh, giữa một ngôi làng Jrai trong một chiều nào đó, và nghe người già kể chuyện ruộng đồng mãi chẳng chán. Tôi nghe, và như vỡ ra nhiều điều lắm. Cũng là ruộng đồng đó, canh tác một loại cây tự ngàn đời đó, nhưng nơi này lại khác nơi kia, tùy vào đặc điểm khí hậu, địa hình…

Có chăng, nét giống nhau mà tôi nhận thấy, đó chính là văn hóa làng xã được sản sinh từ nền nông nghiệp lúa nước. Đó là lễ xuống đồng để bắt đầu một mùa vụ mới, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó là bát cơm mừng lúa mới được dâng lên trời đất, ông bà tổ tiên để cảm tạ sau một mùa ấm no. Đó còn là tình làng nghĩa xóm hiển hiện ngay trong đời sống thường nhật, tắt lửa tối đèn có nhau, giúp nhau đấu gạo mùa giáp hạt… Biết bao nhiêu những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp đời này qua đời khác gắn bó với ruộng đồng.

Trở lại với cao nguyên của tôi. Những con sông vẫn ngày đêm lặng lẽ vượt bao thác ghềnh để xuôi về với biển. Chúng lưu dấu ở nơi mình đi qua bằng ruộng đồng xanh tươi nằm bình lặng bên những buôn làng. Có lẽ chẳng nơi nào có nét riêng biệt đậm sâu như miền núi. Núi chồng lên núi, nhưng rồi giữa những lòng thung, các con sông vẫn uốn lượn quanh co, ruộng đồng vẫn gối lên núi, gối lên nhau thanh thản xanh lên giấc mơ cho người gieo trồng đời đời bám vào non cao mà ăn đời ở kiếp.

Tôi đi đâu rồi cũng chững lại rất lâu trước núi sông đồng ruộng. Tôi biết, đó là nơi tôi thuộc về.

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa trâm chín

Mùa trâm chín

(GLO)- Thấy cô bạn chia sẻ hình ảnh những quả trâm chín đựng trong chiếc nón lá với dòng status “Tuổi thơ dữ dội”, lòng tôi trào dâng bao hoài niệm. Những quả trâm chín tím mọng kia chính là một phần của tuổi thơ tôi.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.