Nông dân bán tháo trụ hồ tiêu với giá rẻ như bèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại các vùng chuyên canh cây hồ tiêu, nông dân ồ ạt nhổ bỏ trụ hồ tiêu để bán làm củi, làm trụ hàng rào, thậm chí rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ như bèo.
Mua đắt, bán rẻ
Những ngày này, có mặt tại các vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của tỉnh như: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân ồ ạt nhổ trụ hồ tiêu đem bán. Ông Văn Viết Sỹ (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) nói: “Tôi trồng gần 4.000 trụ hồ tiêu, giờ chết không còn trụ nào. Để chuyển đổi sang trồng cà phê và hoa màu, tôi phải nhổ bỏ trụ. Trước đó, năm 2012, tôi mua 4.000 trụ hồ tiêu bằng gỗ với giá 170-250 ngàn đồng/trụ, chi phí gần 800 triệu đồng. Hiện giá trụ hồ tiêu rất thấp, tôi rao bán 60 ngàn đồng/trụ nhưng không ai mua”.
Còn anh Nguyễn Văn Long (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) cho biết: “Năm 2013, giá hồ tiêu khoảng 200 ngàn đồng/kg. Lúc đó, gia đình tôi mua 1.000 trụ hồ tiêu bê tông xi măng, giá 130 ngàn đồng/trụ và 2.000 dây hồ tiêu giống về trồng, tổng chi phí hết gần 200 triệu đồng. Hiện nay, vườn hồ tiêu bị chết gần hết, chỉ còn lại chưa đầy 100 trụ. Giờ trụ hồ tiêu nằm rải rác khắp vườn gây khó khăn cho việc chuyển đổi cây trồng, thương lái chỉ trả 30 ngàn đồng/trụ nếu gia đình tự nhổ, còn họ nhổ thì giảm còn 20 ngàn đồng/trụ. Do đó, tôi không bán mà giữ lại để làm hàng rào”.
Thương lái mua trụ hồ tiêu của người dân huyện Chư Sê về cưa làm củi bán. Ảnh: H.P
Thương lái mua trụ hồ tiêu của người dân huyện Chư Sê về cưa làm củi bán. Ảnh: Hà Phương
Tại huyện Chư Sê, nông dân cũng đua nhau nhổ bỏ trụ hồ tiêu. Đi dọc các tuyến đường từ trung tâm thị trấn Chư Sê đến các xã Dun, Kông Htok, Al Bá, Bờ Ngoong, trụ cây hồ tiêu được người dân nhổ lên xếp thành đống dọc ven đường.
Anh Phạm Văn Hoán-một thương lái chuyên thu mua trụ hồ tiêu-cho biết: “Ngày nào tôi cũng nhận được hàng chục cuộc gọi đến vườn để thu mua trụ hồ tiêu, cả trụ gỗ lẫn trụ xi măng.  Nhưng vườn nào có trụ gỗ tốt, không hư hỏng thì tôi mua với giá 60 ngàn đồng/trụ, còn trụ xi măng tôi chỉ mua 20-30 ngàn đồng/trụ. Mỗi ngày, tôi có gần 20 nhân công đi thu mua khoảng vài ngàn trụ hồ tiêu”.
Nhổ bán trụ hồ tiêu để chuyển đổi cây trồng
Mua trụ hồ tiêu với giá cao nhưng khi bán thì giá quá thấp, bị lỗ nặng, thậm chí có hộ còn cho không thương lái để dọn vườn chuyển đổi cây trồng khác. Anh Phạm Văn Hoánh (làng Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê) buồn bã nói: “Hiện gia đình tôi còn hơn 2 ha rẫy ngổn ngang trụ xi măng, trụ cây sống và trụ gỗ. Hơn một tháng nay, tôi thuê người dọn vườn để chuyển đổi sang trồng cà phê, cây ăn quả. Khi gọi thương lái đến bán trụ hồ tiêu, họ lựa mua trụ đẹp, còn trụ xi măng thì không mua. Vì vậy, tôi thuê nhân công đến nhổ xếp đống tại vườn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-xác nhận: “Hiện nay đang vào vụ gieo trồng nên người dân nhổ trụ hồ tiêu ở những vườn đã bị chết để chuyển đổi sang cây trồng khác. Huyện không thống kê được người dân đã nhổ bao nhiêu trụ hồ tiêu”. 
Giá trụ cây hồ tiêu được đúc bằng xi măng bán rẻ mạt nên anh Nguyễn Văn Long (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) dùng làm hàng rào. Ảnh: H.P
Giá trụ hồ tiêu được đúc bằng xi măng bán rẻ mạt nên anh Nguyễn Văn Long (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) dùng làm hàng rào. Ảnh: Hà Phương
Còn ông Hoàng Phước Bính-Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho hay: Hiện nay, đời sống của các hộ trồng hồ tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá trụ hồ tiêu cũng theo quy luật cung-cầu, lúc giá hồ tiêu cao kéo theo giá trụ, dây hồ tiêu cùng các chi phí đều tăng và ngược lại. “Theo tôi, người dân nhiều khi làm theo phong trào, bất chấp khuyến cáo. Bây giờ, giá hồ tiêu xuống thấp tận đáy thì nhổ bỏ, khi giá đảo chiều thì rất có thể nông dân quay lại trồng hồ tiêu, lúc đó trụ hồ tiêu lại khan hiếm”-ông Bình nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Từ năm 2015 trở về trước, giá hồ tiêu ở mức cao, có thời điểm lên đến hơn 200 ngàn đồng/kg, người dân ở các huyện Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh ồ ạt trồng, trong đó, có một số diện tích phát triển ngoài quy hoạch. Thời gian gần đây, do giá hồ tiêu giảm mạnh, nhiều diện tích bị ngập úng, dịch bệnh gây hại nên nhiều người dân đã nhổ bỏ trụ hồ tiêu để chuyển đổi cây trồng”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng khuyến cáo người dân đừng nên vội nhổ bỏ trụ hồ tiêu mà nên giữ lại và tính toán thật kỹ trên diện tích đất phù hợp để trồng những cây trồng khác như: chanh dây, dược liệu và cây chuối... vì trụ hồ tiêu sẽ giúp bà con dùng để làm giàn cho cây chanh dây, che bóng cho cây dược liệu và làm trụ đỡ cho cây chuối.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.