"Non Tây áo vải cờ đào"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng như vùng căn cứ địa hiểm trở Chí Linh Sơn-Bù Rinh của Lê Lợi (1418-1423), vùng Tây Sơn Thượng đạo (ấp Tây Sơn, phía Tây Bình Định ngày nay) thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn thời chúa Nguyễn Đàng Trong là vùng rừng núi do các bộ tộc: Bahnar, Jrai, Xê Đăng cư ngụ, ngăn cách với đồng bằng bởi đèo Mang (còn gọi là đèo Vĩnh Viễn hay đèo An Khê), nơi có địa thế vững như bàn thạch, giàu sản vật, bốn bề có thể tiến thoái thuận lợi, được nhà Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong buổi đầu dựng nghiệp.

 Tượng Vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: internet
Tượng Vua Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: internet

Phần đất ấp Tây Sơn thời Trịnh-Nguyễn phân tranh là nơi ngụ cư đầu tiên tổ 4 đời của Tây Sơn Tam kiệt, nguyên họ Hồ ở Đàng Ngoài bị bắt đưa lên khai phá vùng đất mới. “Ấp Tây Sơn thuộc địa phận xứ Quảng Nam… Khoảng năm Thịnh Đức (1653-1657), quân nhà Nguyễn đánh ra Nghệ An chiếm được 7 huyện phía Nam sông Cả, rồi bắt tất cả dân cư đưa về Nam cho sống ở vùng Tây Sơn. Tổ 4 đời của Nguyễn Văn Nhạc chuyến ấy cũng bị bắt trong số đó” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sau này, đến thời Nhạc thì ấp Tây Sơn đã chia thành 2 ấp: Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì (nay là An Lũy và Cửu An thuộc thị xã An Khê).

Vào nửa sau thế kỷ XVIII, tình hình xã hội ở Đàng Trong có nhiều biến động, nhân dân vô cùng khốn khổ. Bấy giờ, 3 anh em Tây Sơn là học trò của thầy Trương Văn Hiến ở vùng An Thái (An Nhơn) đã lĩnh hội được đức tài của người thầy có tầm nhìn xa trông rộng. Khi cha qua đời, Nguyễn Nhạc nối nghiệp buôn trầu và lập bến Trường Trầu tại Kiên Mỹ sát sông Côn để buôn bán với nậu nguồn. Công việc làm ăn thuận lợi, anh em Nguyễn Nhạc có điều kiện giao du rộng rãi với nhiều thành phần trong xã hội và được nhiều người mến mộ.

Là người uy tín trong vùng, Nguyễn Nhạc được quan địa phương giao cho chức biện lại chuyên coi việc thu thuế ở vùng Tây Sơn. Từ đây, Nguyễn Nhạc rộng đường cùng với 2 em: Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và một số bạn bè, thuộc hạ thân tín thâm nhập sâu về phía Tây Sơn Thượng đạo nhằm khảo sát địa bàn, tìm hiểu, kết thân với các bộ tộc miền sơn cước để tính kế lâu dài. Vốn nuôi chí hướng kinh bang tế thế, được thầy chỉ đường, mọi người ủng hộ, anh em Tây Sơn đã chọn vùng Tây Sơn Thượng đạo với hình sông thế núi thuận lợi để xây dựng căn cứ địa và chọn ấp Tây Sơn làm đại bản doanh, đắp lũy đào hào, vận động sự giúp đỡ cả nhân tài, vật lực của đồng bào miền Thượng nhằm gây nghiệp lớn.

 Lễ tưởng niệm 228 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung tại thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh
Lễ tưởng niệm 228 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung tại thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh


Có thể nói, công tác dân vận của anh em nhà Tây Sơn lúc bấy giờ đã đạt đến sự thành công mỹ mãn, làm bài học lớn về đoàn kết dân tộc cho các thế hệ sau trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Sách nhà Tây Sơn của Quách Tấn-Quách Giao có ghi: “Nguyễn Nhạc dùng phần lớn thì giờ để cùng Nguyễn Lữ đi chiêu dụ các sắc dân miền Kon Tum, Pleiku. Hai anh em đi đến đâu thì người Thượng hoan nghênh đến đó. Cho nên, tất cả người Thượng vùng cao nguyên đều quy thuận Tây Sơn Vương”. Do vậy, ngoài biệt danh ông Hai Trầu, ở các bộ tộc vùng sơn cước này còn gọi Nguyễn Nhạc là bok Nhạc, “Vua Trời” với sự ngưỡng mộ và kính trọng.

Nhờ địa thế thuận lợi ở vùng Tây Sơn Thượng đạo, chỉ sau một thời gian ngắn, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc cùng với 2 người em đã tập hợp được nhiều nhân tài, vật lực, xây đắp được đồn lũy kiên cố, có cơ sở sản xuất lương thực, cây trái (cánh đồng Cô Hầu, vườn mít, vườn cam…), được các bộ tộc ủng hộ voi, ngựa và cho trai tráng trong các buôn làng trực tiếp tham gia nghĩa quân. Có được thực lực trong tay, trên dưới đồng lòng, năm Tân Mão 1771, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, tại Tây Sơn Thượng đạo, Tây Sơn Tam kiệt, đứng đầu là Nguyễn Nhạc đã dựng cờ khởi nghĩa.

 Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: internet
Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: Internet


Khi giữ vai trò thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, Nguyễn Nhạc luôn căn dặn quân sĩ giữ vững nhân tâm, không phân biệt, chia rẽ, sẵn sàng thu nạp bất cứ ai có lòng ủng hộ, theo về dưới cờ nghĩa quân Tây Sơn. Nhờ vậy, sau khi dựng cờ khởi nghĩa một thời gian ngắn, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc đã thu nạp được nhiều bậc anh hùng hào kiệt như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú…; các thổ hào, phú thương ở vùng đồng bằng hay tin cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn cũng chung tay đóng góp của cải, vận động nhiều người theo về với nghĩa quân.

Năm 1773, từ Tây Sơn Thượng đạo, đại quân Tây Sơn tiến về đồng bằng như thác lũ, lấy phủ thành Quy Nhơn, giải phóng Phù Ly, Bồng Sơn rồi tiến quân về Bắc Quảng Nam, đánh lấy thành Phú Yên. Những năm sau đó, quân Tây Sơn lớn mạnh như vũ bão chinh Nam phạt Bắc, đánh đổ chúa Trịnh Đàng Ngoài, dẹp loạn chúa Nguyễn Đàng Trong; đánh tan 5 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm-Xoài Mút (năm 1785) và đại thắng 29 vạn quân Thanh với trận Ngọc Hồi-Đống Đa (năm 1789) lẫy lừng, mở ra một chương mới trong lịch sử cho nhà Tây Sơn với triều đại của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ; từ đó xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước hàng trăm năm, khởi sự cho việc thống nhất giang sơn.

Ngày nay, người Việt vẫn luôn truyền tụng câu ca dao: “Non Tây áo vải cờ đào/Giúp dân dựng nước xiết bao công trình” để nhớ đến Tây Sơn Tam kiệt và mảnh đất “địa linh” Tây Sơn Thượng đạo-nơi khởi thủy đặt nền móng cho nhà Tây Sơn.

 

BÙI QUANG VINH
 

Có thể bạn quan tâm

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.