Đàn bò tót 11 con ở Vườn quốc gia Phước Bình bị bỏ đói trơ xương là chuyện có thật, nhưng những người có trách nhiệm cứ tìm cách biện minh, trốn trách nhiệm.
"Trong thời gian này, nếu có con bò lai F1 nào đó chết, chúng tôi là người chịu trách nhiệm. Trước khi bàn giao cho đơn vị mới, chúng tôi bảo đảm đàn bò phải khỏe mạnh".
Nghe những lời quả quyết của ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, về tình trạng của đàn bò tót lai, không ít bạn đọc tỏ ra tức giận vì sự mạnh mẽ này được bày tỏ vào lúc sự đã rồi.
Ông Chương nói nghe rất hay, nhưng với tư cách là đơn vị chủ trì dự án "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Khánh Hòa", đàn bò tót lai do đơn vị này quản lý lại gầy trơ xương, nhiều con suy dinh dưỡng nặng và bệnh tật.
Đàn bò tót lai gồm 10 con thuộc thế hệ F1 và 1 con thế hệ F2 là kết quả giao phối của bò tót rừng với bò nhà của người dân ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận vào những năm 2008 - 2014. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua lại từ người dân và giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng nuôi, nghiên cứu và bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Trung tâm thuê ông Nguyễn Đình Tích (ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình), chăm sóc đàn bò. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, ông Tích chỉ cho bò ăn rơm khô, dẫn đến bò bị đói, gầy trơ xương.
Theo ông Chương, dù dự án kết thúc vào tháng 6-2019 nhưng trung tâm vẫn tiếp tục chi 300 triệu đồng để mua cỏ cho đàn bò, cử cán bộ thú ý đến theo dõi, tiêm phòng. "Đàn bò vẫn đủ thức ăn chứ không thiếu đói như dư luận phản ánh. Mỗi ngày, mỗi con bò ăn 30-40 kg thức ăn là bảo đảm dinh dưỡng" (?!). Cũng ông Chương lý giải rằng do vài con bò lớn nhảy sang chuồng bò nhỏ giành thức ăn nên bò nhỏ không đủ thức ăn, dẫn đến thể trạng gầy yếu (?!).
Thưa ông Chương, dù ông có biện minh kiểu gì thì thực trạng cũng đã phơi bày. Không có báo chí, dư luận, chưa biết tương lai đàn bò lai sẽ đi về đâu khi nhiệm vụ "nuôi, nghiên cứu và bảo tồn nguồn gien quý hiếm" lại ra sự thể như vậy.
Để cứu đàn bò, từ ngày 5-10, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã bàn giao cho Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) tiếp nhận, quản lý đàn bò. Lãnh đạo Vườn quốc gia này cho biết sẽ xây hàng rào và trồng cỏ dưới tán cây rừng trên diện tích 5 ha theo kiểu bán tự nhiên để tạo bóng mát và cung cấp thức ăn thường xuyên cho đàn bò. Tuy vậy, việc này nhanh nhất cũng phải đến đầu năm 2021. Trước mắt vẫn phải thuê mướn người chăm đàn bò, bổ sung thức ăn và cử nhân viên túc trực cùng với người chăm sóc để cứu đàn bò khỏi chết đói.
Trên cả nước từng có rất nhiều dự án triển khai, kết thúc trong lặng lẽ, mà người đời thường gọi là "rình rang khai trương, âm thầm khai tử".
Nghiên cứu khoa học chấp nhận có sai số, hiệu suất đầu tư từng dự án không giống nhau nhưng bày ra dự án kiểu vẽ vời hay làm dự án hời hợt, không quan tâm kết quả, xong thời hiệu dự án là phủi tay thì đất nước khó phát triển khoa học công nghệ.
Xót xa nhất là lãng phí nguồn ngân sách trong khi người dân nơi có dự án không được thụ hưởng.
Phải chi, đàn bò mà biết nói tiếng người, chúng sẽ kể về số tiền nhiều tỉ chảy đi đâu? khẩu phần ăn của chúng có bị cắt xén? không chừng chúng còn chỉ ra luôn địa chỉ trách nhiệm…
Còn bây giờ, nhìn đàn bò tót lai mà không khỏi rớt nước mắt. Trong khi trách nhiệm thì là của trời, của đất chứ đâu phải của ông!
Câu chuyện về những con bò tót nhưng con người phải nên tự vấn lương tâm!
Bài: NGUYỄN HOÀNG; ảnh: Nguyên Lâm
(Dẫn nguồn NLĐO)