Vụ việc một phụ nữ ở Long An liên tục chửi mắng, đánh đập, xé quần áo mẹ ruột..., thay vì phẫn nộ, chửi rủa thì hãy lý giải căn nguyên của nó.
Một phụ nữ tên H. hành hạ mẹ già là cụ Nguyễn Thị Đường 82 tuổi. Vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nhiều người có chung tâm trạng nặng trĩu, không đủ can đảm nghe nhìn hết cảnh ngoài sức tưởng tượng.
Facebook đã sử dụng kỹ thuật cảnh báo "Video này thể hiện nội dung bạo lực, phản cảm. Chúng tôi đã che Video này đi để bạn có thể quyết định có muốn xem hay không".
Cũng rất nhanh sau khi đoạn clip được chia sẻ, chính quyền địa phương lập tức chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc. Theo điều tra ban đầu, đoạn clip do con của bà H. ghi lại từ tháng 11-2019. Sau khi cụ Đường qua đời vào ngày 2-9, thì người này gửi clip cho người thân trong gia đình và sau đó xuất hiện trên mạng xã hội.
Chưa bàn đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự với tình tiết tăng nặng, chỉ xét ở khía cạnh đạo đức, việc con cái bạo hành cha mẹ già yếu, mắng chửi thô tục, bạo lực dã man đã chạm vào những giá trị thiêng liêng trong mỗi con người. Việc điều tra xác minh, truy tố, xét xử bà H. khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng theo luật định. Cùng với bản án pháp luật, người này còn phải gánh thêm bản án lương tâm đeo đẳng suốt đời!
Người bị hại bất hạnh đã qua đời như một sự giải thoát, nhưng vấn đề là của người còn sống. Đằng sau thái độ phẫn nộ, chửi rủa của cộng đồng, thì cần lý giải căn nguyên và quan trọng hơn là ngăn chặn những hành vi vô nhân tính tương tự tiếp tục xảy ra.
Và hãy bắt đầu từ những câu hỏi.
Tại sao đoạn clip đã có gần 1 năm trước, người thân trong gia đình không thể không biết cụ Đường bị hành hạ. Tại sao họ không thể ngăn chặn, giải thoát cụ khi còn sống?
Những người hàng xóm của cụ Đường phải chăng "không nghe, không thấy, không biết" tình cảnh này? Chúng ta có đủ các hội đoàn thể: Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, chính quyền địa phương, họ ở đâu khi bà cụ bị hành hạ?
Trả lời những câu hỏi về trường hợp cụ thể này không khó, nhưng quan trọng hơn là không để những câu hỏi tương tự lặp lại!
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách. Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đặt gia đình vào vị trí trang trọng, đề ra mục tiêu và giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Trong tâm trạng phẫn uất của cộng đồng mạng có những dòng trạng thái "chuyện xảy ra ngay ở một vùng nông thôn miền Tây Nam Bộ đó" như một sự ca thán, cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức ở một vùng đất và người được cho là "sống thực bụng, hiền lành, chơn chất". Trẻ con chào người lớn luôn vòng tay lễ phép, xưng hô với người cao tuổi hơn, dù không họ hàng, vai vế vẫn một điều con, hai điều con, chứ không có thói quen xưng tôi.
Trong cơn lốc của thị trường, gia đình nông thôn miền Tây Nam Bộ đang mang trong nó nhiều thay đổi tích cực, nhưng rất đáng lo ngại với nhiều tiêu cực. Những thách thức về kinh tế và áp lực xã hội mạnh mẽ, đe dọa những giá trị truyền thống gia đình. Nạn bạo hành, ngược đãi, ly hôn, trẻ em hư ngày càng tăng. Sự vô cảm "đèn nhà ai nấy sáng" tưởng đâu chỉ có ở phố chợ, nay bắt gặp nhiều hơn ở làng quê mà vụ con gái bạo hành mẹ ruột xảy ra ở Cần Đước, Long An chỉ là một thí dụ.
Ở góc độ xã hội, vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình trở nên "cá nhân hóa" hơn. Trước những vấn đề lớn, dường như các thành viên trong gia đình ít ai chịu ai. Những tác động từ bên ngoài của kiểu sống thực dụng, mặt trái của truyền thông, internet... đang len vào từng gia đình nông thôn, đe dọa những giá trị truyền thống. Người lớn, trẻ con, đặc biệt là cô cậu bước sang tuổi trưởng thành trong nhiều gia đình nông thôn hiện nay dường như đang xa dần những "gốc rễ" bền chặt của truyền thống gia đình xưa nay.
Thực trạng xuống cấp của một bộ phận gia đình, thái độ ứng xử ngang ngược, bất hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ không chỉ là câu chuyện đạo dức chung chung hay xử lý theo pháp luật, mà nó đang đặt ra nhiều "đầu bài" cho các các nhà kinh tế, xã hội học, nhà hoạch định chính sách tìm lời giải.
Phải nhanh tay cứu rỗi những hành vi đạo đức đang xuống cấp đáng báo động!
Theo TRẦN HIỆP THỦY (NLĐO, ảnh: A.Thanh)