Nỗi nhớ cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ngắm nhìn chiếc máy ảnh-quà tặng trước lúc chia tay cao nguyên của người bạn, ký ức như cuốn phim quay chậm chợt trở về cùng nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Cao nguyên là mảnh đất đã nuôi dưỡng cả tuổi thanh xuân của tôi với bao khát vọng, mảnh đất đã cho tôi những tình cảm chân thành, đẹp đẽ, ngọt ngào trong hơn 20 năm gắn bó.
Còn nhớ lần đầu tiên tôi chạm đất cao nguyên vào một ngày mùa mưa. Đèo Mang Yang xanh mướt từng cơn sóng cỏ mê hoặc lòng người. Con đường băng qua rừng cao su, qua những hàng thông đâu đó trên quốc lộ 19 thật tuyệt diệu, điều mà ở đồng bằng chưa bao giờ tôi có cơ hội để ngắm và cảm nhận.
Mùa mưa, những rặng muồng xen lẫn giữa lô cà phê nở rộ, từ trên cao nhìn xuống như những ô bàn cờ vàng rực chia cắt màu xanh mát của cà phê. Nhưng không phải vô tình mà người trồng cà phê chọn muồng, một loài cây thân gỗ để trồng xen vào giữa vườn cà phê. Muồng là loài cây chắn gió để giúp cà phê không bị rụng hoa, quả khi còn nhỏ. Nếu ở cao nguyên vào những ngày mưa dầm hay giữa mùa khô thì ta sẽ cảm nhận được điều đó dễ dàng hơn.
Khi những cơn mưa ngớt dần cũng là lúc mùa khô bắt đầu. Trong nỗi nhớ về mùa khô cao nguyên của tôi không thể vắng những con đường bụi đỏ. Màu đỏ của đất bazan cuồn cuộn theo từng cơn gió vậy mà ám ảnh tôi đến nao lòng. Những con đường bụi đỏ gắn với bao nẻo đường công tác, những ngày lặn lội đến nhà học trò từ xã này qua xã khác, từ sáng đến tối để thăm hỏi những học sinh khó khăn hay động viên các em trở lại trường.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa khô cao nguyên cũng là mùa của rực rỡ sắc hoa. Chớm mùa khô là sắc vàng của dã quỳ, loài hoa đã đi vào biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật. Tôi mê cái mùi ngai ngái của loài hoa dại này biết bao nhiêu. Dã quỳ mọc khắp nơi, nhưng ở Gia Lai của tôi, mọi người biết đến nhiều với Hàm Rồng, Chư Đang Ya, núi Đá... và những con đường trong TP. Pleiku cũng nhiều vô kể.
Với tôi, có một loài cây gắn bó như là duyên nợ, loài cây đặc trưng của miền cao nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, đó là cà phê. Những ngày trước Tết, sau vụ thu hái là lúc bà con chăm sóc, tưới nước và chỉ cần vậy thôi là cây cà phê căng tràn nhựa sống. Buổi sáng thức giấc, nghe thoảng trong gió hương thơm dịu nhẹ, đó là lúc cà phê chớm nụ. Càng về trưa, khi cái nắng ấm áp xua tan không khí lạnh của mùa khô thì hương hoa cà phê nồng nàn hơn, quyến rũ hơn.
Tôi gắn bó với bao mùa hoa cà phê rồi không nhớ nữa. Chỉ thấy trong máy tính chỗ nào cũng ăm ắp album hoa cà phê từng mùa. Say đắm biết bao nhiêu. Những ngày xuân đi đến vùng chuyên canh cà phê, chạy xe giữa bạt ngàn hoa trắng xóa thấy bình yên vô cùng. Để rồi mỗi lần nhâm nhi ly cà phê lại thấy ngon hơn, đậm đà hơn vì có những tình yêu kết tinh, lắng đọng trong đó.
Và cứ thế, những loài hoa nối tiếp nhau nở khiến cho những ai yêu mảnh đất này tha hồ thưởng ngoạn. Đam mê chụp ảnh nên mùa khô là lúc tôi dành thời gian nhiều hơn cho bản thân mình. Sau một ngày lang thang đâu đó, tôi có không chỉ là những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên mà có khi còn thêm những dòng chữ ngọt ngào.
Chiều nay, tôi nhận được cuộc gọi của một học trò cũ, trong câu chuyện trò bảo: “Em nhớ những giờ văn của cô quá đi!”. Đây có lẽ là những mùa hoa đẹp nhất mà tôi đã trồng, chăm sóc ở Trường Dân tộc Nội trú Ia Grai thân yêu! Những mùa hoa ấy vẫn đang âm thầm nở trên những nẻo đường cao nguyên yêu dấu!
NGUYỄN THỊ BÉ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.