Nơi dòng Sê San chia đôi…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi vừa có chuyến “xuất hành” đầu năm mới về hướng biên giới Việt-Campuchia, gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, nơi cột mốc số 30 và Quốc môn mới hoàn thành. Sắc xuân Kỷ Hợi vẫn còn đọng lại trên những cành mai đầy lộc biếc trước hiên nhà của người dân trên suốt chiều dài đường lên biên giới Đức Cơ, khiến cho không khí mùa khô Tây Nguyên ở vùng biên cương cũng bớt đi ít nhiều nắng nóng.
Hướng dẫn anh em văn nghệ sĩ tham quan con đường vành đai phía Tây Bắc huyện Đức Cơ là anh Võ Văn Sung, một cựu sĩ quan quân đội, người lính Quân tình nguyện Việt Nam từng “nằm gai nếm mật” ở chiến trường Campuchia trong những năm ác liệt nhất. Từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, chúng tôi đi về phía sát đường biên, rẽ ngang gặp Suối Đôi, rồi giáp mặt với dòng Sê San rộng lớn và dừng chân ở chốt biên phòng phía Bắc.
Nơi đây, mùa khô đang trong giai đoạn gay gắt, chuẩn bị cho thời kỳ chuyển mùa. 2 bên đường vành đai biên giới với hơn 30 km qua địa bàn huyện Đức Cơ, những cánh rừng trơ trọi cùng đám le teo tóp, cháy sém, thi thoảng dấu vết hoang dại còn sót lại là đôi cây kơ nia, bằng lăng cổ thụ đứng như người lính canh đất trời biên cương. Người dân địa phương cho biết, nơi này trước đây là những cánh rừng già với nhiều động, thực vật quý hiếm. Còn bây giờ, có đi cả ngày đường cũng khó nghe được tiếng chim kêu, vượn hú. Rừng đã nhường chỗ cho đám cỏ dại và cây bụi cùng nương rẫy, có nơi trồng điều, mì-loài cây đặc trưng xứ nóng nhưng khó làm giàu cho người nông dân nơi tuyến đầu.
 Anh em văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng du khách bên sông Sê San. Ảnh: B.Q.V
Anh em văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng du khách bên sông Sê San. Ảnh: B.Q.V
Chốt biên phòng phía Tây Bắc thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chỉ là căn nhà tôn vách ván tuềnh toàng nằm sát bến sông Sê San, bên kia sông là đất thuộc Vương quốc Campuchia với cánh rừng thưa ngả màu khô khốc. Đôi bờ sông chỉ cách nhau hơn trăm mét, dòng nước chia đôi Việt-Cam mùa này hiền hòa vẫn rì rào tuôn chảy. Ngồi trong lán sát vực sông dưới tán cổ thụ còn sót lại hưởng được chút không khí mát mẻ, trong lành, tôi nhìn dòng nước trôi lững lờ ngược về Tây mà thương con sông Sê San huyền thoại, phát nguyên từ dãy núi Ngọc Linh cao vời vợi từ phía Bắc Kon Tum chảy theo triền phía Tây như dải lụa rồi hòa nhập vào dòng Mê Kông. Nhìn trên bản đồ biên giới thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, chúng tôi đang ở phần hạ nguồn cách Thủy điện Sê San 4 khoảng 20 km đường rừng và cách nơi tiếp giáp con sông Sêrêpốk-Sê San gần 20 km.
Trung úy Lục, người trực chiến chốt biên phòng, thân tình tâm sự cùng anh em văn nghệ là tình hình biên giới khá bình yên từ trước và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Các chiến sĩ biên phòng ở chốt tuy xa các cụm dân cư nhưng vẫn hưởng được không khí Tết cổ truyền dân tộc vui tươi, đầm ấm; giữ được mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với phía bạn Campuchia. Anh cho biết, được ở bên dòng sông hiền hòa này cũng có nhiều thuận lợi, không khí mùa khô bớt bức bối, anh em có điều kiện chăn nuôi, bắt cá sông để cải thiện đời sống… Nhưng hễ đến mùa mưa lũ thì lo lắng vì có năm nước ập về bất thình lình, tàn phá hoa màu, nhà cửa dọc theo 2 bên bờ sông, cả chốt biên phòng này cũng đã từng bị cuốn trôi. Anh em ở chốt rút kinh nghiệm nên đến mùa mưa thì chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với lũ, vừa bảo vệ an toàn cho mình vừa giúp dân tránh thiệt hại về người và tài sản. Chốt biên phòng hiện nay chưa có điện lưới quốc gia nên tận dụng năng lượng mặt trời đủ để thắp sáng, bơm nước và sinh hoạt… Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây giải quyết được phần nào những khó khăn khách quan.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Sê San vào thời điểm này, anh Võ Văn Sung muốn giới thiệu về một dự án du lịch mà mình đang thai nghén ở Đức Cơ, đặc biệt là du lịch sinh thái bên bờ sông Sê San. Khi chúng tôi có mặt, dọc theo bờ sông còn hoang sơ, mùa này có nhiều xe con của du khách đưa gia đình và người thân đến thưởng ngoạn, tắm mát bên sông. Nếu có sự đầu tư và bàn tay con người khai phá thì trên dòng sông hữu nghị này sẽ có nhiều địa điểm rất thích hợp cho du khách dừng chân. Ủng hộ ý tưởng của người lính vừa “giã từ vũ khí” nơi tuyến đầu, chúng tôi đề nghị anh cần lập dự án khả khi để tiến hành mở một tour mới mà ít người có điều kiện thực hiện.
Sau khi dùng bữa trưa muộn trên chốt tiền tiêu, nhạc sĩ Ngọc Tường cảm hứng ôm guitar hát đôi bài tình ca gửi theo dòng sông thương nhớ mang về cuối nẻo biên thùy. Anh bỗng nhớ lại, cách nay đã nhiều năm, cũng tại nơi đây trong một lần đi thực tế, Nguyễn Tiến Lập đã viết bài thơ tặng chiến sĩ chốt biên phòng và anh làm nên nhạc phẩm “Biên giới chiều bình yên”: “Lên chốt cùng anh em nhé!/Đường biên xưa không còn gập ghềnh/Em hãy tựa vào vai anh/Xuôi thuyền đến nơi dòng nước chia đôi/Lên chốt cùng anh em nhé!/Chiều biên cương sông hát lời bình yên…”.
Chiều. Trên đường trở về, chúng tôi dừng chân nơi ngôi đền ở sát biên giới Đức Cơ mới vừa xây dựng trước dịp Tết, còn các hạng mục phụ chưa hoàn chỉnh, vào thắp hương viếng các liệt sĩ Biên phòng 649 đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam năm 1978.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.