Nỗ lực của Việt Nam về phòng, chống tội phạm mua bán người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo thời cơ, thuận lợi để các quốc gia phát triển kinh tế, văn hóa... Tuy nhiên, mặt trái của nó đã nảy sinh nhiều thách thức, trong đó, có vấn đề tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phức tạp.

Bên cạnh các loại tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người (MBN) cũng không ngừng gia tăng. Ở Việt Nam, loại tội phạm MBN, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em; trong đó, mua bán qua Trung Quốc chiếm 65%, Cam-pu-chia chiếm 11%, Lào chiếm 6,5%; số còn lại mua bán trong nội địa và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như: Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Ðài Loan, Hồng Công, Ma Cao (Trung Quốc)...

Hội thảo xây dựng đề án tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người.
Hội thảo xây dựng đề án tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Trước tình trạng MBN diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm MBN đang đặt ra không chỉ đối với riêng một quốc gia mà đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các nước, nhất là các nước trong khu vực. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và luôn mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này. Trong quan hệ đa phương, Việt Nam đã ký kết nhiều văn bản quốc tế như: phê chuẩn Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC); Công ước về quyền trẻ em và một số công ước có liên quan như: Công ước chống bạo lực đối với phụ nữ, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW); Công ước nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Việt Nam đã ký các hiệp định  tương trợ tư pháp và pháp lý với 12 nước, trong đó có Lào, Trung Quốc và Cam-pu-chia. Ngoài ra, đã tham gia các thỏa thuận và tuyên bố quốc tế về phòng, chống MBN, đồng thời là thành viên tích cực của các diễn đàn đa phương như tiến trình tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiến trình Ba-li về phòng, chống MBN và tội phạm xuyên quốc gia, Tuyên bố chung ASEAN về phòng, chống MBN...

Trong khu vực, với sáng kiến của Chính phủ: Việt Nam, Trung Quốc, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma, tháng 10-2004, đại diện Chính phủ sáu nước đã ký biên bản ghi nhớ và thông qua Kế hoạch hành động Tiểu vùng sông Mê Công về phòng, chống MBN giai đoạn I (2004-2006); tháng 12-2007, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Chính phủ sáu nước ký Tuyên bố chung và thông qua kế hoạch hành động giai đoạn II (2008-2010). Việt Nam là thành viên tích cực tham gia các hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống MBN các nước tiểu vùng sông Mê Công (COMMIT). Hằng năm, Chính phủ Việt Nam đều xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động COMMIT và hiện đang cùng Chính phủ các nước xây dựng Kế hoạch COMMIT giai đoạn III (2012-2013). Trong lĩnh vực hợp tác song phương, Chính phủ Việt Nam đã ký kết, triển khai nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng về phòng, chống MBN như:

Ký Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Cam-pu-chia (năm 2005), Việt Nam-Thái-lan (năm 2008), Việt Nam-Trung Quốc (năm 2010), Việt Nam-Lào (năm 2010) về phòng, chống MBN và bảo vệ nạn nhân; Bản thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Cam-pu-chia về quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị buôn bán. Ðồng thời, thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc ký Biên bản ghi nhớ lần 2 về hợp tác phòng, chống MBN. Hiện nay, đang xúc tiến xây dựng và ký kết Hiệp định với Ma-lai-xi-a; Thỏa thuận với vùng lãnh thổ Ðài Loan (Trung Quốc); khẩn trương xây dựng, hoàn thiện tiêu chí xác định nạn nhân, quy trình chuẩn trong hồi hương nạn nhân bị mua bán trở về giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Thái-lan và Việt Nam-Lào. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNIAP, IOM, ILO, Tầm nhìn thế giới, Quỹ Châu Á, Tổ chức cứu trợ trẻ em... triển khai các dự án hỗ trợ về đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nạn nhân, đấu tranh trấn áp tội phạm, xây dựng chính sách pháp luật...

Trong nước, ngày 14-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/CP phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN (gọi tắt là Chương trình 130/CP). Qua bảy năm chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành ở Trung ương và UBND các địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội... đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch tổ chức triển khai khá quyết liệt, đồng bộ với những hình thức, biện pháp phong phú và đạt được những kết quả quan trọng:

Về công tác chỉ đạo: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 130/CP năm 2004, Ban chỉ đạo quốc gia gồm 15 bộ, ngành thành viên (gọi tắt là Ban chỉ đạo 130/CP) đã được thành lập. Tại các địa phương thành lập Ban chỉ đạo, thành phần tương tự như ở cấp trung ương. Trong từng năm, Ban chỉ đạo 130/CP đều đã tham mưu cho Chính phủ, ra chương trình, kế hoạch chỉ đạo cụ thể; ra Chỉ thị số 16/TTg về tăng cường thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống MBN, với năm đề án và giao cho các bộ, ngành: Công an, Biên phòng, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Phụ nữ và Viện Kiểm sát chủ trì thực hiện.

Về chính sách pháp luật: Ðã hoàn thành việc rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Qua đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung 16 văn bản và xây dựng mới 11 văn bản; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát và hội thảo kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6, ngày 19-6-2009, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó sửa đổi Ðiều 119 "Tội mua bán phụ nữ" thành "Tội MBN".

Ðặc biệt, ngày 29-3-2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống MBN và có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống MBN; các quy định của Chính phủ về việc xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán, chế độ hỗ trợ và người thân thích của họ... đang được xây dựng. Ðồng thời, nhiều lĩnh vực mà loại tội phạm thường lợi dụng kẽ hở đưa nạn nhân ra nước ngoài bán như: Luật Nuôi con nuôi, Luật Người Việt Nam lao động ở nước ngoài, Luật Hôn nhân và gia đình... được rà soát để bổ sung, sửa đổi cho chặt chẽ.

Về công tác đấu tranh, xử lý tội phạm: Các mặt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được đẩy mạnh, các địa bàn trọng điểm, các tuyến biên giới cửa khẩu được chú trọng. Trong sáu năm lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá  hơn 2.200 vụ, bắt gần 3.600 đối tượng; Tòa án nhân dân các cấp xét xử, gồm 1.120 vụ, với gần 2.200 bị cáo và áp dụng các hình phạt, trong đó, có gần 90 bị cáo bị phạt tù chung thân hoặc hơn 20 năm; gần 150 bị cáo phạt tù từ 15 đến 20 năm, gần 650 bị cáo phạt tù từ bảy đến 15 năm, hơn 1.200 bị cáo phạt tù dưới bảy năm...

Về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng: Chính phủ đã ban hành quyết định về Quy chế tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về; hướng dẫn chế độ, chính sách cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; tổ chức và hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân... Qua sáu năm thực hiện Chương trình 130/CP, lực lượng Công an, Biên phòng các địa phương đã giải cứu gần 2.000 nạn nhân trong các vụ án và tiếp nhận gần 5.000 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, 80% được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ, 30% nhận được kinh phí hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Về công tác truyền thông: Với phương châm "phòng ngừa là cơ bản, hướng về cơ sở, phát huy vai trò của chính quyền, đoàn thể xã hội ở xã, phường, thôn, bản", công tác truyền thông tại cộng đồng được đẩy mạnh, lồng ghép với cuộc vận động "xóa đói, giảm nghèo", "thanh niên lập nghiệp", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", trọng tâm là 104 xã chỉ đạo điểm thuộc 27 tỉnh, thành phố như: Xây dựng website của hội để đăng tải thông tin về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và phụ nữ lấy chồng người nước ngoài. Nhờ vậy, đã nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống MBN, xây dựng được mạng lưới báo cáo viên nòng cốt, có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền; xây dựng và nhân rộng được một số mô hình hiệu quả về phòng, chống MBN. Ðịa phương làm tốt công tác truyền thông là Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Quảng Nam...

Với tư cách là thành viên tích cực, có nhiều nỗ lực trong phòng, chống MBN, từ ngày 14 đến 16-2-2012, Việt Nam được Chính phủ sáu nước Tiểu vùng sông Mê Công ủy nhiệm đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao (SOM 8) và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 3 (IMM 3) về phối hợp hành động COMMIT tại Thủ đô Hà Nội. Với chủ đề: "Ðồng tâm, hiệp lực và bền vững", hội nghị sẽ kiểm điểm, đánh giá việc liên kết, phối hợp phòng, chống MBN trong tiến trình COMMIT giai đoạn 2008-2010; thống nhất kế hoạch  COMMIT giai đoạn 2011-2013 và bảo đảm tính bền vững sau năm 2013. Các Bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung, cam kết tiếp tục phối hợp, thúc đẩy hiệu quả, bền vững tiến trình COMMIT ở sáu nước Tiểu vùng và mong muốn sự phối hợp liên kết của các nước trong khu vực và toàn thế giới.

Thời gian tới, tình hình tội phạm MBN ở nước ta dự báo tiềm ẩn nhiều phức tạp, có xu hướng tăng. Với tư cách là thành viên tích cực trong tiến trình COMMIT, Việt Nam sẽ có những nỗ lực và tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa với các nước Tiểu vùng, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước khác ngoài châu lục và các tổ chức quốc tế, kiên quyết chặn đứng, từng bước đẩy lùi loại tội phạm này với nhiều giải pháp:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2011-2015 một cách sâu rộng, mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, làm chuyển biến cho được công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm MBN ở các địa bàn (xã, huyện, tỉnh) có nguy cơ cao và ở các tuyến biên giới đường bộ.

Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống MBN, nhất là ban hành các văn bản, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống MBN như: Quy định việc xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; quy định về cơ sở hỗ trợ; chế độ hỗ trợ và trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; sửa đổi, bổ sung quy định về MBN...

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm MBN theo đúng tinh thần Tuyên bố chung của Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 8 (SOM 8) và Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 về hợp tác phòng, chống MBN các nước Tiểu vùng sông Mê Công tại Hà Nội. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, các tổ chức quốc tế truyền thống như: UNIAP, UNICEF, IOM... Phối hợp, nghiên cứu và đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam - Ma-lai-xi-a về phòng, chống MBN.

Thứ tư, tổ chức tốt công tác cảnh báo, phòng ngừa và xử lý tội phạm MBN, trong đó, tập trung lực lượng điều tra, khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm MBN hoạt động xuyên quốc gia; phối hợp Công an nước bạn thực hiện cao điểm đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trên các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Cam-pu-chia, Việt Nam-Lào, triệt xóa các tụ điểm môi giới hôn nhân trái pháp luật, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.

Thứ năm, làm tốt công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân nhằm bảo đảm số nạn nhân bị mua bán trở về sớm được hỗ trợ ổn định cuộc sống; hoàn thiện và triển khai Bộ tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trên toàn quốc; nghiên cứu, xây dựng dự án: "Ðảm bảo cơ sở vật chất tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội" ở các địa phương có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm MBN trong toàn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng; lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm MBN với "Chương trình xóa đói, giảm nghèo", "Giải quyết việc làm", "Thanh niên lập nghiệp" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"... Xây dựng các mô hình truyền thông hiệu quả đến được các địa bàn vùng sâu, vùng xa và đối tượng có nguy cơ cao...

Theo nhandan

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

(GLO)-Ngày 13-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thanh Nghĩa (SN 1984, trú tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro) là kế toán trưởng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de để điều tra về hành vi tham ô tài sản.