Những trái tim của biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tháng 4, thời điểm bắt đầu cho những cơn gió Nam tràn về trên khắp vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Trong cái tất bật, vội vã của ngày mùa lao động sản xuất, những con tàu kiêu hãnh cắm trên mình lá cờ đỏ sao vàng tươm tất, cùng biển khơi hát lời ca ngàn năm trên sóng.
Vươn khơi mùa dịch
Hàng vạn con tàu dọc dài bờ biển Việt Nam vẫn ngày đêm vươn khơi khai thác hải sản ở những ngư trường truyền thống. Ngư dân ra khơi bám biển không chỉ mưu sinh mà còn làm những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
5 giờ sáng một ngày đầu tháng 3-2021, từ cảng cá Nam Du (xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) tàu của thuyền trưởng Lê Quang Ánh (Hai Ánh) nhổ neo vươn khơi, hướng thẳng ra ngư trường Cà Mau - Kiên Giang. Đây được xem là một trong những ngư trường lớn nhất nước ta do khu vực này có các dòng hải lưu mang theo nhiều sinh vật phù du, kéo theo đó là nguồn hải sản dồi dào, phong phú. Đồng thời, khu vực này cũng có thềm lục địa nông, nhiều cửa sông và bãi triều thuận lợi cho việc đánh bắt.

Thành quả của biển sau những tay lưới nhọc nhằn.
Thành quả của biển sau những tay lưới nhọc nhằn.
Chuyến đi này, tàu của ông Hai Ánh sử dụng lưới rê xù. Hình thức đánh bắt này ít làm xáo trộn tổn hại đến hệ quần thể sinh vật đáy. Sản phẩm khai thác là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá trích... Sau 3 giờ rẽ sóng vươn khơi, tàu đã đến được ngư trường truyền thống và bắt đầu thả trôi lưới. Thời gian chờ kéo mẻ cá đầu tiên phải mất từ 4-6 giờ. Thuyền trưởng Hai Ánh cùng các thủy thủ trên tàu tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi lấy sức cho cuộc kéo lưới về đêm.
Đi biển mùa Nam tương đối êm dịu, gió nhẹ nhàng nhưng dông lốc thì luôn bất thình lình. Bởi vậy, dù là biển “hiền lành” thì sự nguy hiểm là điều không ai lường trước được.
Gần 2 năm nay, dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng tiêu thụ và giá cả. Hải sản của tàu Hai Ánh chuyên cung cấp cho 3 nhà hàng lớn tại Phú Quốc. Ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch ít, nhà hàng làm ăn ế ẩm nên ép giá xuống rất thấp. Có chuyến biển trở về, chào giá chạm đáy mà nhà hàng vẫn không tiêu thụ hết, số còn lại Hai Ánh phải mang đi đổ mối cho công ty sản xuất nước mắm với giá "chợ chiều".
Cao thủ "nghe cá"
Nguyễn Xuân Thắng (Tư Thắng, 45 tuổi) làm ngư phủ từ thời tóc còn để chỏm, tính đến nay cũng trên 30 năm. Ông Thắng là tay "nghe cá" cừ khôi mà bất cứ tàu nào cũng mong muốn kéo ông đi bạn. Sau chuyến biển dài hơn 20 ngày từ tàu Hai Ánh, ông Tư Thắng chỉ kịp trở về nhà quăng cho lũ nhỏ mớ cá tươi của biển, lấy thêm vài bộ quần áo nữa rồi tức tốc ra bến để lên tàu giã cào của thuyền trưởng Năm Hát. Tàu giã cào ra khơi lần này dự tính sẽ ở biển 30 ngày mới quay vào bờ, thủy thủ trên tàu gồm 8 người. Đi lưới cào quân số như vậy là quá ít, lẽ ra tàu có thêm 3 ngư dân ưu tú nữa nhưng họ đang mắc kẹt ở ngư trường Trường Sa vùng biển Khánh Hòa.

Khâu lưới, xếp lưới chuẩn bị cho một đêm kiếm cá.
Khâu lưới, xếp lưới chuẩn bị cho một đêm kiếm cá.
Giã cào (còn gọi là lưới kéo) là một phương thức đánh bắt chủ lực của nghề cá. Sản lượng thủy sản đánh bắt bằng nghề lưới kéo ước chiếm trên 50% tổng sản lượng. Nghề lưới kéo đánh bắt thủy sản sinh sống ở tầng đáy, nền đáy biển tương đối bằng phẳng, độ sâu thường từ 20-100m. Công đoạn quan trọng nhất của giã cào phụ thuộc vào khả năng đoán trúng luồng cá. Việc này dựa hoàn toàn vào cao thủ "nghe cá" như Tư Thắng.
Tố chất đầu tiên của người "nghe cá" là phải bơi giỏi và lặn sâu như cá. Hai khả năng này, Tư Thắng đã là "thủ khoa" từ năm 20 tuổi. Chuyến ra khơi này, tàu của Tư Thắng ưu tiên đánh bắt cá mú và mực. Cá mú được biết đến là loài hải sản quý hiếm, có giá thành cao. Để săn được luồng cá mú, đầu tiên Tư Thắng phải lặn xuống biển, tìm đến những rạn san hô và các hang hốc đá thăm dò. Cá mú là loài hung dữ và rất tinh khôn, nên thật khó để con người có thể tiếp cận dù chỉ là đứng từ xa nhìn vào.
Thay vì nhìn trực diện luồng cá, Tư Thắng sẽ kiểm tra xác thức ăn của cá bỏ lại dưới đáy biển và mức độ trơn láng của các hốc đá. Nơi nào rạn san hô đục, có nhiều xác thực vật và động vật nhỏ thì nơi đó có cá mú. Sau đó, thợ lặn áp sát tai vào các hốc đá để nghe dòng nước phát ra xung quanh. Nếu nước có tiếng ục ục thì xung quanh chắc hẳn có đàn cá mú.
Những dấu hiệu này, chỉ có thợ nghe cá dày dạn kinh nghiệm như Tư Thắng mới cảm được. Sau khi xác định chính xác luồng cá, lưới cào sẽ bủa vây, càn quét. Những con cá mú dù tinh ranh, khôn ngoan đến mấy vẫn bị "nanh vuốt" của giã cào khoanh vùng tóm gọn.

Ông Tư chuẩn bị cho pha lặn biển tìm cá.
Ông Tư chuẩn bị cho pha lặn biển tìm cá.
Sau mỗi mẻ cá mú, lưới cào thường bị rách rất nhiều do răng sắc nhọn và vây của cá đâm chọc. Việc khâu vá lưới mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại. Khi màn đêm buông xuống, toàn bộ thủy thủ trên tàu lại bắt đầu cho cuộc cào mực ống tầng đáy. Cứ thế, họ lao động cho đến bình minh ngày hôm sau.
Nửa tháng một lần, tàu hàng sẽ ra tận ngư trường thu mua hải sản. Việc buôn bán trên biển không giống bất cứ một phiên chợ nào, bởi lẽ, cả người bán và lái buôn đều là những ngư phủ một đời bám biển, đã quá hiểu về biển. Họ không trả giá, bên này hô giá bao nhiêu thì bên bán chỉ việc cười rồi vui vẻ chuyển cá sang tàu. Những chuyến hàng cá đầy khoang, tàu bán sẵn sàng biếu tặng anh em thu mua mỗi người vài ký, ngược lại, lần nào thất bát, tàu mua vui vẻ "tip" thêm tiền trà nước.
Sau mỗi cuộc giao dịch, thủy thủ trên tàu được chia tiền công ngay. Công của họ được tính theo sản lượng theo hình thức "được thì cùng ăn, thua cùng chịu". Họ có thể gửi tiền nhờ tàu mua mang về gia đình hoặc giữ lại bên mình, có dịp tàu ghé đảo nạp nhiên liệu hoặc trú tránh bão sẽ dùng tiền đó lên bờ chi tiêu.  
Biển vẫn hát bài ca trên sóng
Mấy năm nay, ngư trường Kiên Giang - Cà Mau đang "nghèo" dần hải sản mà tàu đánh bắt thì nhiều nên có sự cạnh tranh luồng lạch, bãi cá. Thu nhập của anh em thủy thủ giảm dần nên họ đã đi tìm kiếm vùng đất mới. Một phần là cuộc sống nhưng phần nhiều là muốn thỏa sức vẫy vùng trên khắp vùng biển trời bao la của Tổ quốc.
Trường Sa, từ bao giờ đã trở thành tiếng gọi thân thương siết chặt vào trái tim mỗi ngư phủ. Ông Tư Thắng cho biết, đầu năm 2021 này, ông cũng có một chuyến biển Trường Sa cùng anh em đồng nghiệp ở làng chài Bích Đầm (Khánh Hòa). 
Chuyến đi mùa cá lên (các loài cá di cư vùng biển phía Nam theo dòng nước bắt đầu di chuyển ra Bắc) tuy vất vả và rủi ro cao nhưng lại khiến ông Tư Thắng háo hức hơn cả. Bởi lẽ, thuyền trưởng của tàu chính là ân nhân đã cứu mạng ông cách đây 11 năm ở Trường Sa, khi tàu của ông gặp nạn trên biển. Nhớ lại cái đêm ấy, ông Thắng vẫn còn xúc động đến nghẹn ngào. Ngày ấy, tàu đi lưới đăng, công cụ đánh bắt còn thô sơ chứ chưa được cải tiến hiện đại như bây giờ. Biển tháng 6 tương đối bình yên, trên đất liền đang vào mùa hè oi nồng nên không ai nghĩ biển đêm lại nổi dông gió, lốc xoáy kinh hoàng đến như vậy.

Con tàu nhỏ bé vẫn hiên ngang trước sóng gió đại dương.
Con tàu nhỏ bé vẫn hiên ngang trước sóng gió đại dương.
Tàu bị cơn lốc vòi rồng quét trực tiếp, trong tích tắc boong tàu vỡ tung nhiều mảng, đèn măng-sông rớt xuống biển, mạn tàu bung ra, nước tràn vào khoang. Chỉ khoảng 5 phút, con tàu tròng trành rồi lật úp. 6 thủy thủ ôm can nhựa, lốp xe lao xuống biển đêm đen thẫm một màu. Tiếng kêu cứu nhỏ dần, yếu dần rồi chỉ còn lại tiếng thở rất nhẹ của những con người đã kiệt sức. Tư Thắng may mắn ôm được lốp xe, rồi mệt quá nằm gọn vào vòng tròn nhỏ, cố gắng dùng chân và tay níu giữ. Mấy anh em khác, ôm can nhựa không chống chịu nổi sức gió quật đành buông tay, rồi chìm dần xuồng lòng biển cả.
Sau 8 tiếng nổi bồng bềnh bất định giữa biển, vào lúc bình minh của ngày hôm sau, ông Thắng lúc này đã sức tàn lực kiệt, chợt cảm nhận một bàn tay mạnh mẽ nắm chặt lấy thân thể. Tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong tấm chăn ấm trên một khoang tàu khô ráo, ngoái đầu sang bên cạnh lại thấy một đồng nghiệp thân quen trên tàu cũ. Ông Thắng ôm chầm lấy bạn, khóc rống lên.
Vậy là chỉ có 2 người được cứu sống trong chuyến đi định mệnh ấy. Trở về bờ, Tư Thắng được gia đình thuyền trưởng Lê Tấn Cương chăm sóc chu đáo cho tới ngày ông khỏe hẳn.
Tư Thắng muốn nhận thuyền trưởng Cương làm anh kết nghĩa nhưng ông Cương chỉ cười, bảo rằng ngư dân Việt Nam từ bao đời nay bốn biển đều là anh em, cần chi kết nghĩa. Ông Cương dặn Tư Thắng, đừng quá câu nệ với chuyện đã qua mà hãy một lòng bám biển, yêu biển và sẵn sàng cứu giúp bất cứ ai gặp nạn trên biển. Chính vì lời chỉ giáo ấy mà tình yêu biển trong lòng Tư Thắng luôn thẳm sâu, trong gian khổ vẫn vẹn nguyên.  
Vì nghĩa nặng tình sâu, mà chỉ cần thuyền trưởng Cương gọi một tiếng, ông Thắng đều sẵn sàng lên đường, ra đi không một phút giây do dự. Một năm, ông Thắng đi biển Trường Sa ít nhất là 1 chuyến, năm nào nhiều nhất là 5 chuyến. Thời gian còn lại, ông trở về quê nhà ở Kiên Giang, theo tàu bạn nay đây mai đó rong ruổi ngoài khơi xa.
Dân đi biển sống bằng sự hào sảng và trượng nghĩa của đấng trượng phu. Tình người trên biển là chuyện không cần bàn cãi nữa. Chính vì điều đó, mà nhiều ngư dân nặng nợ không thể rời xa biển. Thuyền trưởng Năm Hát, dù đã bước sang tuổi 60 với ngót 50 năm chinh chiến đại dương vẫn vững vàng vô lăng trước bao mùa biển động. Cả cuộc đời mình, ông Năm Hát đã đi khắp các vùng biển từ Hoàng Sa, Trường Sa cho tới Tây Nam. Biết bao lần sự sống mỏng manh trước mũi tàu, do thiên tai và cả nhân tai nhưng ông chưa bao giờ nao núng. Với ông, nếu phải chết trên biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, ông vẫn hiên ngang mà chấp nhận.
Ngọc Hoa - Cát Tường (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.