Những người trẻ đam mê... đồ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Kẻ dở hơi” là cách mà nhiều người vẫn hay gọi họ. Đơn giản vì họ có sở thích, đam mê với những món đồ xưa cũ mà theo cách nghĩ của số đông là chúng không có nhiều giá trị về vật chất. Vậy nhưng, bao năm qua, mặc cho những người xung quanh nói gì, một số người tại Phố núi Pleiku vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê ấy.
Những kẻ dở hơi
“Kẻ dở hơi” đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc tới là anh Nguyễn Thế Phiệt (tổ 9, phường Ia Kring). Sở dĩ anh có biệt danh này là vì anh có thể sẵn sàng tháo chiếc đồng hồ đang đeo trên tay hoặc dùng số tiền bán đất của gia đình để mua hoặc đổi lấy món đồ xưa cũ nào đó mà mình yêu thích. Nói về niềm đam mê đồ cũ, anh Phiệt chia sẻ: “Tôi phát hiện ra mình mê những vật dụng sinh hoạt, lao động của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ năm học lớp 10. Ngày ấy, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường tới nhà anh rể ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) chơi, tại đây tôi thấy người Giẻ Triêng sử dụng các loại gùi cũ nhưng có hoa văn rất đẹp. Càng tìm hiểu, tôi càng bị thu hút bởi đằng sau mỗi chiếc gùi hay hoa văn trên đó đều chứa đựng ý nghĩa riêng. Tôi bắt đầu sưu tầm từ đó”.
Anh Nguyễn Thế Phiệt bên bộ sưu tập các dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: A.H
Anh Nguyễn Thế Phiệt bên bộ sưu tập các dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: A.H
Thời gian đầu, vì chưa có tiền nên anh Phiệt sưu tầm những vật dụng yêu thích bằng cách lấy đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đem đổi. Về sau, khi đã tốt nghiệp đại học, đi làm và có thu nhập ổn định, mỗi tháng anh đều dành một khoản tiền nhất định để sưu tầm một vài đồ vật yêu thích với phương châm “tích tiểu thành đại”. Nhiều năm gom góp, anh Phiệt hiện đang sở hữu hơn 300 món đồ thuộc 20 bộ sản phẩm, trong đó nhiều vật dụng có tuổi đời từ 20 đến hơn 100 năm, như: đồ gốm, chiếc trống bằng da trâu của người Ê Đê, gùi, cồng chiêng... Và hẳn nhiên, số tiền anh bỏ ra để sưu tập cũng không hề nhỏ, lên đến hàng trăm triệu đồng. 
Cũng bị sức hút “vô hình” từ đồ cũ, đặc biệt là các loại ghè nên ngay từ khi mới học lớp 9, anh Hoàng Phương (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Vận tải Niềm Vui Việt, 54 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring) đã bắt đầu sưu tầm. “Ngày trước, mẹ mình buôn bán trong các làng của người Bahnar, Jrai và thỉnh thoảng mình cũng theo mẹ về làng. Rồi chẳng biết từ khi nào, những chiếc ghè cũ kỹ, ngả màu theo thời gian lại cuốn hút mình đến thế”-anh Phương chia sẻ. Tuy nhiên việc sưu tầm lúc đó của anh Phương lại phụ thuộc vào... thành tích học tập, nếu anh học giỏi, phần thưởng cuối năm cha mẹ khen tặng sẽ là một món đồ bất kỳ mà anh thích.
 Anh Hoàng Phương giới thiệu chiếc bàn cán bông do mình sưu tầm. Ảnh: A.H
Anh Hoàng Phương giới thiệu chiếc bàn cán bông do mình sưu tầm. Ảnh: A.H
Trao đổi cùng chúng tôi về những nét hoa văn trên chiếc ghè Trăng Tlá-chiếc ghè cỡ trung của người Jrai có màu xanh lam rất đẹp, anh Phương bộc bạch: “Chiếc ghè này mình mua từ rất nhiều năm trước với giá 500.000 đồng. Nước men xanh của chiếc ghè đã mê hoặc mình ngay từ lần đầu nhìn thấy, nhưng khi đó 500.000 đồng là số tiền lớn, với lại người dân chưa có nhu cầu bán nên phải 3-4 năm sau, mình mới mua được”. Tiếp tục chia sẻ về những chiếc ghè nhỏ để trên kệ tường, anh Phương cho hay, có những chiếc nhìn qua thì thấy không có gì đặc biệt song phải mất gần 10 năm anh mới sở hữu được, đơn cử như chiếc ghè dùng để cúng Yàng mà anh sưu tầm ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). Trong suốt 10 năm ròng rã ấy, tháng nào anh cũng dành thời gian về làng, vừa để ngắm nhìn chiếc ghè, vừa để chắc chắn rằng nó vẫn ở đó chứ chưa bị bán mất. Việc điều hành một công ty du lịch giúp anh có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người cùng chung sở thích cũng đã tạo thêm điều kiện để anh nuôi dưỡng đam mê. Hiện tại, ngoài sưu tầm ghè, anh còn quan tâm nhiều đến các món đồ xưa cũ gắn liền với đời sống của người dân Tây Nguyên, như: bầu nước, thổ cẩm, đàn goong, bàn cán bông, tù và... “Có những món đồ đã có người đề nghị mua với giá cao gấp 10 lần số tiền mình bỏ ra ban đầu nhưng mình không bán, vì với mình sưu tầm là sở thích chứ không tính đến chuyện kinh doanh”-anh Phương cho hay.
Anh Lê Hữu Tú (16 Phan Đình Giót, phường Hoa Lư) hiện cũng đang sở hữu gần 200 món đồ khác nhau, từ chén, đĩa, đồng hồ, xe đạp đến cối xay, bi đông... Số tiền anh bỏ ra sưu tầm hiện đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Tú trải lòng: “Bật lửa cũ là thứ đầu tiên tôi thích, dù lúc đó tôi không biết hút thuốc. Hàng ngày, tôi tìm đến các cửa hàng đồ cổ, đồ cũ hoặc lên các trang Facebook để tìm mua. Dần dần tôi phát hiện ra nhiều vật dụng khác cũng rất hay và bắt đầu mở rộng phạm vi sưu tầm”. Theo anh Tú, dù việc kinh doanh thời điểm này khá khó khăn nhưng mỗi tháng anh vẫn cố gắng bổ sung 1-2 món đồ vào bộ sưu tập. “Mình may mắn vì được vợ ủng hộ sở thích, thậm chí mỗi khi về quê hay đi đâu đó bắt gặp các món đồ cũ vợ mình còn mua về giúp”-anh Tú phấn khởi.
Gợi nhớ miền ký ức
Mỗi đồ vật cũ đều chứa đựng những câu chuyện riêng và gợi nhớ về một miền ký ức nào đó, vì vậy mà có thể nó không mấy giá trị với người này nhưng lại là vô giá với người khác. Điều đó cũng lý giải vì sao nhiều món đồ xưa cũ khi vào tay những “kẻ dở hơi” thì lại trở nên độc đáo.
Trong không gian khiêm tốn của quán cà phê đồng thời cũng là trụ sở đặt công ty, anh Phương sắp xếp, bài trí các đồ vật do mình sưu tầm nhìn rất bắt mắt. Ngoài những vật dụng đặc trưng của đồng bào các dân tộc bản địa, anh còn trưng bày thêm nhiều đồ vật khác như: radio, đèn bão, la bàn, quạt con cóc, bàn ủi con gà, chén gốm, cân đòn sắt, gầu sòng... Tất cả những đồ vật ấy đều đã ngả màu thời gian. Theo chia sẻ của chủ nhân, chỉ có 3 bộ bàn ghế salon cũ là được mua với giá trên 10 triệu đồng/bộ, các vật dụng còn lại chỉ dao động ở mức vài trăm ngàn đồng đến 2-3 triệu đồng/món. “Thật ra, với giá tiền ấy, mình hoàn toàn có thể mua mới hoặc đóng một bộ bàn ghế tương tự nhưng nó sẽ không có giá trị về mặt thời gian”-anh Phương trải lòng. Với anh Phương, không gian này không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ ký ức, sống trọn đam mê mà còn là nơi để anh có thể giới thiệu về văn hóa của người dân bản địa với du khách thập phương.
Anh Phiệt còn sưu tầm nhiều khung cửi dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu sA.Hố. Ảnh:
Anh Phiệt còn sưu tầm nhiều khung cửi dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: A.H
Trong khi đó, để được sống trọn vẹn với đam mê đồ cũ, anh Phiệt cũng dành nguyên không gian tầng trệt của ngôi nhà 2 tầng để trưng bày, lưu giữ các đồ vật đã sưu tầm trong nhiều năm qua. Nơi đó chẳng khác nào một bảo tàng thu nhỏ được chủ nhân khéo léo sắp xếp, bố trí khoa học và có từng chủ đề riêng. Anh Phiệt cho rằng, mỗi đồ vật đều gắn với một thời kỳ lịch sử khác nhau, khắc họa một nét đẹp văn hóa hay tín ngưỡng riêng. Do vậy, ngoài tìm hiểu thông tin từ những người bán hoặc tặng, anh còn tìm hiểu qua các chuyên gia, những người bạn công tác trong ngành văn hóa và cả những người trong giới chơi hoặc buôn bán đồ cổ, đồ cũ. “Thực tế, tuổi đời của các hiện vật này theo cách tính của tôi vẫn chưa khớp với tuổi thật của chúng. Bởi có nhiều sản phẩm đã được các gia đình lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng tôi chỉ căn cứ vào đời cha, ông gần nhất để lại cho người bán/tặng hiện vật. Dù vậy, chúng cũng đã có giá trị vô cùng! Lý do là bởi hiện nay, những người già có thể làm ra chúng thì không còn đủ sức khỏe lẫn sự tinh tế, trong khi lớp trẻ lại không mặn mà”-anh Phiệt nói. Cũng chính vì vậy mà dù có người trả giá 350 triệu đồng để mua lại bộ sưu tập của anh nhưng anh đều lắc đầu từ chối. Đồng quan điểm, anh Tú bày tỏ: “Với nhiều người, đồ cũ không có giá trị nhưng với riêng tôi, chúng là những món quà vô giá giúp cho đời sống tinh thần của mình thêm ý nghĩa. Do đó, sau này có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm và sẽ mở một quán cà phê để trưng bày chúng”.
...Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, những món đồ xưa cũ dường như đang dần bị lãng quên. Nhưng với đam mê tìm về những ký ức xưa cũ của người trẻ hiện nay, chúng sẽ không còn lạc lõng.
ANH HUY-HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.