Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Rah Lan H'Nir (SN 1969, trú tại buôn Ia Rniu, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) cho biết: Từ nhỏ, bà đã được nghe những bài hát ru ngọt ngào của mẹ, nghe tiếng đàn goong da diết của cha. Mỗi lần đi làm đổi công hay chăn bò, bà được nghe người lớn tuổi trong làng hát các bài dân ca. Mỗi lần nghe, bà đều bắt chước và hát nhẩm theo.

Bà Rah Lan H’Nir có chất giọng mềm mại và say mê với dân ca Jrai. Ảnh: R.H

Bà Rah Lan H’Nir có chất giọng mềm mại và say mê với dân ca Jrai. Ảnh: R.H

Thấy bà H'Nir có chất giọng mềm mại và say mê với dân ca, mẹ bà đã tận tình hướng dẫn cách hát, cách lấy hơi sao cho nhuần nhuyễn. Đồng thời, giải thích tường tận về ý nghĩa sâu xa của những bài dân ca cho bà hiểu rõ. Nhờ sở hữu giọng ca ngọt ngào và thuộc nhiều bài dân ca của dân tộc mình, chẳng mấy chốc, bà H'Nir đã có tên trong Đội văn hóa văn nghệ của địa phương. Từ đó, tình yêu với dân ca Jrai của bà lớn lên theo năm tháng.

Theo bà H'Nir, các bài dân ca Jrai thường có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất. Nhiều bài còn có nội dung phê phán thói hư, tật xấu trong đời sống. “Gia đình tôi có truyền thống hát dân ca. Trong đó, mẹ tôi là người hát có tiếng trong vùng. Hiện nay, tôi thuộc hơn 10 bài dân ca Jrai với các thể loại như: ru con, đối đáp, giao duyên. Tôi thường hát vào các dịp lễ hội, đám cưới, tân gia, khách quý đến nhà hoặc khi gặp gỡ bạn bè.

Ngoài ra, khi đi làm rẫy hay đi gùi nước, tôi cũng hát cho quên sự mệt nhọc, cho tâm trí thoải mái. Với tôi, các bài hát dân ca cũng chính là cách bày tỏ niềm vui hay nỗi buồn để mọi người có được sự đồng cảm, chia sẻ”-bà H'Nir bộc bạch.

Bà Kpă H'Nhing (SN 1975, cùng trú tại buôn Ia Rniu) cũng thuộc nhiều bài dân ca Jrai. Theo bà HNhing, các bài dân ca Jrai lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, hình thành từ trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất và mang hơi thở cuộc sống. Trong đó, bà thích nhất một số bài như: Pé trông loai (hái cà chín), Ayong Thanh Long (chàng Thanh Long), Ayong Chuôn (chàng Chuôn), Pơ pă ama kâo nao ami? (Bố của con đi đâu vậy mẹ?). Nội dung các bài hát này nói về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu nam nữ.

Bà Kpă H'Nhing (bìa trái) là người thuộc nhiều bài hát dân ca Jrai ở xã Ia Broắi, huyện Ia Pa. Ảnh: R.H

Bà Kpă H'Nhing (bìa trái) là người thuộc nhiều bài hát dân ca Jrai ở xã Ia Broắi, huyện Ia Pa. Ảnh: R.H

Bà H'Nhing chia sẻ: “Các bài dân ca Jrai rất mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần sâu sắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hát hay được. Với mình, ngoài kết hợp với đàn goong, trong quá trình hát, mình có thể thêm lời mới nhằm giúp bài hát phù hợp với cuộc sống hiện tại. Mình luôn nhắc nhở con cháu trong làng phải yêu bản sắc truyền thống cũng như dân ca của dân tộc. Mình mong các cấp, các ngành có sự chung tay để cùng gìn giữ văn hóa nghệ thuật của người Jrai”.

Theo anh Rmah Máy-Tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 người hát tốt và biết nhiều bài dân ca Jrai. “Chúng tôi hay gọi họ là cao thủ trong việc hát dân ca dân tộc mình”-anh Máy nói.

Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa-cho biết: Để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, huyện Ia Pa tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số 2 năm/lần. Trong ngày hội có hoạt động trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm và hát dân ca.

Ngoài ra, thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết kế văn hóa cơ sở vững mạnh giai đoạn 2013-2020, hàng năm, huyện phân bổ kinh phí khoảng 450 triệu đồng để thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống như: truyền dạy cồng chiêng, tổ chức các lớp dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ dân gian và tổ chức hoạt động văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.