Chạm vào vẻ đẹp dân ca Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vốn tài hoa, người Jrai khi vui hay buồn đều cất tiếng hát đúng với tâm trạng, cảm xúc chân thật, giản dị của con người mình. Lời ca tự sự về cuộc sống, về tình người, tiếp biến qua các thế hệ để lại di sản âm nhạc dân gian mảng màu đặc sắc. Nhiều nghệ nhân ở vùng đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai) hiện vẫn còn lưu giữ di sản âm nhạc cổ truyền như mạch chảy âm thầm tưới mát cho đời sống tinh thần.

Lớn lên trong tiếng hát ru

Nghệ nhân Rơ Ô H'Ôm (buôn Blang, xã Chư Ngọc) hắng giọng hát một đoạn dân ca bằng tiếng mẹ đẻ. Không gian khoáng đạt, tiếng hát của bà thảnh thơi như gió. Dẫu không hiểu nội dung, nhưng âm thanh giai điệu khiến cảm xúc con người trở nên an tĩnh trong buổi sáng gió lùa. Nghệ nhân cho biết đó là một đoạn trong bài hát ru, được nhiều người thuộc: “Ru ơ… ru con ơi đừng khóc nào. Ru ơ… ru con ơi ngủ ngoan nào. Cho mẹ cha vào rừng làm nương ơ… làm rẫy ơ... Rẫy ngô đang trổ bông. Cây mía chưa chặt. Đừng khóc nữa con ngoan. Để mẹ cha làm nương rẫy”. Theo nghệ nhân, điểm chung của dân ca Jrai là diễn tả trạng thái tình cảm con người khi vui cũng như khi buồn, khi lao động hay lúc nghỉ ngơi, “tức cảnh sinh tình” người ta đều sáng tạo và cất tiếng hát. Lời ca mộc mạc, chân chất đúng với suy nghĩ, cảm xúc diễn ra trong lòng người.

 Lúc nông nhàn, nghệ nhân Rahlan Klil (bìa phải) thường cùng dân làng hát dân ca. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lúc nông nhàn, nghệ nhân Rahlan Klil (bìa phải) thường cùng dân làng hát dân ca. Ảnh: Hoàng Ngọc


Thầy Kpă Pual hiện là giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa) có nhiều năm nghiên cứu chữ viết và văn hóa của người Jrai. Thầy còn dịch một số bài dân ca Jrai do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sưu tầm. Thầy Pual cho biết: “Cách hát dân ca của người Jrai khác với người Kinh. Nếu người Kinh ghi chép lại lời bài dân ca và lưu truyền qua các thế hệ thì người Jrai lại vừa sáng tác vừa hát rất ngẫu hứng. Ví dụ như đang hát nhưng chợt nghĩ ra một câu nào đó, người hát ngẫu hứng sáng tạo thêm phần lời khiến nội dung các bài hát rất phong phú. Cứ như vậy, trên nền thang âm, điệu thức, họ sáng tạo không giới hạn phần lời. Bởi vậy, dân ca Jrai mang nhiều màu sắc, phản ánh đời sống tinh thần vô cùng phong phú của chủ nhân những sáng tác dân gian”.

Các nghệ nhân ở vùng đất Krông Pa thuộc và hát được rất nhiều làn điệu dân ca. Nghệ nhân Rahlan Klil (buôn Mlah, xã Phú Cần) cho biết: Người Jrai thường mượn lời hát để bày tỏ tình cảm, nỗi lòng mình với người khác. Đó có thể là tình cảm sâu nặng của người cha, người mẹ dành cho con, là tâm trạng phấn chấn khi được mùa, là niềm tin đối với Đảng và Nhà nước khi cuộc sống ngày càng no ấm. Ông đãi khách bằng một số bài dân ca thân thuộc. Giọng hát lên bổng xuống trầm, chuyển đổi âm điệu tự nhiên khiến người nghe dù không hiểu nội dung vẫn cảm nhận sự thay đổi sắc thái tình cảm rất tinh tế của người hát. Cả người nghe và người hát dân ca đều giao hòa, hạnh phúc.

Gìn giữ dân ca

Người Jrai chiếm gần 69% dân số huyện Krông Pa. Trải qua nhiều thế hệ, kho tàng dân ca Jrai nơi này ngày càng phong phú. Theo thầy Kpă Pual, trong tiếng Jrai, dân ca được gọi là tơlơi adôh hoặc pơtưh. Dân ca Jrai được chia thành các thể loại như: hát ru-người Jrai gọi là pơ ngui; hát đồng dao-gọi là hơ yu, dành cho trẻ em vừa chơi vừa hát; hát giao duyên-gọi là alư hoặc nhik, là những bài hát thể hiện tình cảm của các chàng trai, cô gái; hát sinh hoạt-gọi là adôh, nói về cuộc sống thường ngày của người Jrai; hát kể trường ca hay hát kể sử thi-gọi là hri, ca ngợi các vị anh hùng có chiến công kỳ vĩ, bảo vệ bình yên cho dân làng. Các thể loại ấy đã làm nên mảng màu đặc sắc cho âm nhạc dân gian của người bản địa ở vùng hạ lưu sông Ba. Song tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ một phần di sản âm nhạc dân gian này của người Tây Nguyên.


Thầy Kpă Pual cho biết: “Người Jrai thường hát tùy theo hoàn cảnh, sáng tạo và ứng biến linh hoạt. Đôi khi ngồi uống rượu với nhau, người ta cũng hát đối đáp rất ngẫu hứng. Tùy vào hoàn cảnh, họ còn sử dụng thêm nhạc cụ. Trong quá trình lao động, vừa làm vừa hát thì không sử dụng nhạc cụ, còn hát trong những lễ hội thì kèm theo đàn goong, kní để tăng tính nhạc và sự hòa điệu trong bài hát, thể hiện được nhiều cung bậc hơn”.

Ông Kpă Bum là nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân gian tài hoa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ông Kpă Bum (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) là nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân gian tài hoa. Ảnh: Hoàng Ngọc


Nghệ nhân Kpă Bum (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) không chỉ thuộc nhiều bài nhạc dân ca mà còn chế tác đàn goong. Nghệ nhân cho hay: “Đàn goong thường dùng để đánh đệm khi hát các bài dân ca của người Jrai. Khó nhất khi làm đàn goong là chỉnh âm. Âm thanh phải đúng, chuẩn, trong thì khi đánh lên người nghe mới cảm nhận được hết cái hay của tiếng đàn và bài hát cũng được chắp cánh thêm”. Nghệ nhân cho biết, mặc dù dân ca Jrai không còn phổ biến như xưa nhưng vẫn được rất nhiều người thuộc hát, nhất là trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan cồng chiêng xã, huyện, dân ca vẫn vang lên trên sân khấu, cho thấy sức sống bền lâu của âm nhạc dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân sở tại.

Nghệ nhân Kpă Bum tâm sự: “Mình đã gần 70 mùa rẫy rồi, sức khỏe không còn như xưa, hơi không còn dài để hát nhiều bài, nhiều thể loại. Mình muốn truyền dạy để cho con cháu biết hát, hiểu về âm nhạc dân gian của người Jrai, cùng với những phong tục, sinh hoạt gắn với dân ca. Lời hát có thể sáng tạo này khác nhưng cái gốc âm nhạc cổ truyền thì cần phải giữ, để văn hóa của người Jrai còn mãi và phát huy qua các thế hệ. Mình cũng muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ cách làm và chơi đàn goong cũng như các nhạc cụ khác”.

Nghệ nhân ôm chiếc đàn goong mộc mạc do mình chế tác, buông những nhịp đàn chầm chậm rồi cất lên làn điệu dân ca thăm thẳm, nồng nàn. Tiếng hát, tiếng đàn hòa vào không gian núi đồi, làng buôn, tạo vật như suối mát, như mạch sống cội nguồn, kết nối tự nhiên giữa quá khứ tưởng như vô hình lại thật bền chặt với hiện tại.

 

 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Giữa cái nắng oi ả của tháng 4, chúng tôi từ TP. Pleiku vượt hơn 70 km về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), quê hương của Anh hùng Núp. Nơi đây có nhà lưu niệm mang dấu ấn lịch sử-văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Di sản Hán Nôm: Khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

Di sản Hán Nôm khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

(GLO)- Có những trầm tích văn hóa nằm im lìm trong những đạo sắc phong cũ kỹ, tờ khế ước ruộng đất phủ bụi thời gian hay văn tế cổ xưa xướng lên nơi đình làng. Tại Gia Lai, kho báu di sản Hán Nôm ấy đang dần được đánh thức, góp phần khai mở lịch sử văn hóa của vùng đất cao nguyên.

Làng Mông trên cao nguyên

Làng người Mông trên cao nguyên

(GLO)- Tính đến thời điểm này, những hộ gia đình người Mông đã sinh sống được 42 năm trên cao nguyên Gia Lai. Vùng đất mà họ chọn là xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Theo thời gian, dấu ấn người Mông ngày càng in đậm trên mảnh đất này.

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.