Những người gác rừng nơi "cổng trời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngôi nhà của Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những rặng núi ở cách làng Đê Kôn (xã Hà Ra) chừng 1,3 km. Tuy nhiên, sự cô lẻ không làm các nhân viên gác rừng thoái chí mà tiếp thêm động lực để họ kiên tâm giữ gìn những cánh rừng già. Không những vậy, qua đôi bàn tay tài hoa của các anh, cảnh quan nơi đây ngày càng thêm đẹp.

Anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh-Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1-gửi tin nhắn qua messenger cho tôi: “Đường lên Đê Kôn đổ bê tông xong rồi. Chỉ còn 1,3 km đường đất đến trạm nhưng đã được san gạt phẳng phiu, bữa nào sắp xếp thời gian lên với bọn anh”. Đọc dòng tin của anh, tôi vội thu xếp công việc để trở lại Đê Kôn.

Không sóng điện thoại, sét đánh quanh năm

Từ TP. Pleiku, sau hơn 1 giờ 30 phút chạy xe ô tô, con dốc Đê Kôn lầy lội một thuở làm nhụt chí bao người muốn lên núi hiện ra trước mắt. Có điều, giờ đây, đường lên dốc đã được đổ bê tông phẳng lì. Chạy thêm 10 phút nữa thì “bản doanh” của Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 rõ mồn một. Từ dốc cao cuối làng Đê Kôn phóng tầm mắt ra xa, nhà gác rừng nằm đơn độc giữa đồng không mông quạnh. Sương sớm quấn quýt trên mái tôn, gió rừng lùa thổi rực đống lửa trước sân nhà. Cảnh sắc nơi đây làm tôi liên tưởng đến ngôi nhà trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Đẹp và man mác buồn.

Sau cái bắt tay vồn vã, chúng tôi rảo bước vào nhà gác rừng. Gió thổi qua khe ván thưng thưa, nghe buôn buốt. Đưa cho tôi ly nước còn bốc khói, anh Ảnh hồ hởi: “Nước lá vối đấy, vừa thơm vừa ấm bụng. Cây vối được anh em trong tổ trồng 2 năm trước, nay đã sum suê lá. Ở đây vẫn chưa có sóng điện thoại nhưng có wifi, anh em vẫn thường liên lạc bằng tin nhắn qua messenger”.

Anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh sửa lại hàng rào bồn hoa trước nhà gác rừng của tổ 1. Ảnh: Hoành Sơn

Anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh sửa lại hàng rào bồn hoa trước nhà gác rừng của tổ 1. Ảnh: Hoành Sơn

Anh Ảnh nhớ lại: “Hai năm trước, khi tổ mới chuyển lên đây, đúng là khó tứ bề. Công ty mua được mấy sào đất, san gạt sơ sơ rồi dựng cái nhà bé tin hin cho anh em ở tạm. Ban đêm, gió thông thốc thổi, tay chân tê cứng, chúng tôi phải dậy, đốt lửa sưởi cho ấm. Ăn uống, tắm giặt thì dùng nước giọt. Điện đóm tù mù, lúc có lúc không. Thức ăn chủ yếu là rau rừng, thi thoảng mới ra ngoài mua ít thịt heo về chế biến. Sóng điện thoại không có, phải ra làng Đê Kôn mới gọi được. Những hôm trời mưa liên tục, đường lầy, nước lên ngập cống, phải đi bộ cả cây số để tìm cách liên lạc báo cáo công việc. Có hôm trời tối, lọ mọ ra gọi điện xong đi về trạm, qua chỗ cống nước, lớ ngớ thế nào ngã sõng soài, người ướt như chuột lột, còn điện thoại bị trôi mất”.

Nghe chuyện, tổ viên Nguyễn Văn Giang tiếp lời: Bây giờ đỡ hơn trước nhiều nhưng vẫn chưa hết khó. Nơi này hiện vẫn chưa có sóng điện thoại, muốn gọi cho vợ con hoặc báo việc về Công ty thì ra làng Đê Kôn. Nhưng sợ nhất vẫn là sét đánh. Nhiều khi trời không mưa hoặc không có tia sét ở gần mà mấy thiết bị điện tử vẫn bốc khói um. Ti vi, tủ lạnh, điện thoại bị cháy mấy cái rồi. Còn chuyện anh em gọi nhau chạy ra ngoài đứng khi thấy da nổi gai gai, tóc dựng lên để tránh bị sét đánh là thường tình. Từ Tết Nguyên đán đến nay, anh em tự góp tiền mua thiết bị chống sét về gắn trong nhà nên cũng yên tâm hơn”.

Các thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thường xuyên tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: Hoành Sơn

Các thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thường xuyên tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: Hoành Sơn

Ngồi trên chiếc xe Win len lỏi qua mấy con đường mòn dốc đứng dẫn vào mấy cánh rừng tổ được giao quản lý, bảo vệ mới thấy hết khó khăn của người giữ rừng. Tổ có 3 người nhưng quản lý hơn 3.000 ha rừng tự nhiên. Tấp xe vào một bụi cây ven đường, đi bộ ngược núi, anh Ảnh tâm sự: “Phải thật khỏe thì mới làm nghề này được. Rừng ở trên núi cao, tiếp giáp với địa phận 2 huyện Mang Yang và Kông Chro, lại còn khu vực rẫy của người dân, chúng tôi thay phiên nhau đi tuần tra trọn tuần, trong khi ít người quá. Biên chế của tổ có 4 người nhưng nay mới điều đi 1, mọi công việc 3 anh em thay nhau gồng gánh. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì mắc võng ngủ rừng là thường xuyên. Khi đi tuần tra rừng, anh em chúng tôi mang theo võng màn, xoong nồi, gạo để nấu ăn trong đó. Nhiều hôm dựng lán ở trong đó luôn”.

Chỉ vào mấy vết xước do tre cứa trên cánh tay, anh Giang cười: “Đi tuần tra bị như này là thường xuyên. Hôm thì xước tay do cây cắt, khi thì bị vấp đá tóe máu chân. Hồi mới vào làm, em phải đi điều trị do đi tuần gặp cây gỗ sơn nên da bị ngứa, bong tróc từng mảng. Thế nhưng, làm miết rồi cũng quen. Giờ có bị vậy thì cũng cười xòa với nhau thôi”.

Vượt lên gian khó

Ánh chiều buông thõng xuống rừng già, chúng tôi cùng chuẩn bị bữa tối ở nhà gác rừng của tổ. Tôi đã ghé không ít trạm gác rừng trong tỉnh, nhưng chẳng có nơi nào để lại ấn tượng sâu đậm như ở Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 này. Tôi lăng xăng dạo quanh nhà gác ngắm nghía. Cảm nhận là sự gọn gàng, sạch sẽ, từ trong nhà đến ngoài sân. Chăn màn xếp gọn gàng trên mấy tấm phản. Phía sau là một chuồng nuôi khoảng chục con gà. Mấy khoảnh đất trống trong vườn được các anh tận dụng trồng rau xanh. Ấn tượng nhất là phía trước cổng có vạt đất trồng hoa cúc vàng tươi màu nắng. Một góc vườn, cây hoa giấy nở hoa đỏ rực rỡ. Mấy bụi chuối sau nhà rung rinh trong gió.

Trước nhà, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. “Để được như thế này, công sức anh em bỏ ra nhiều lắm. Thời điểm đầu mới chuyển về đây, căn nhà khá đơn sơ, ở mà cứ có cảm giác trơ trọi. Thế là chúng tôi bỏ sức cải tạo. Mọi người chung tay khiêng đất, san cho bốn bên bằng phẳng đều nhau. Có hôm làm đến tối mịt mới nghỉ. Hàng ngày đi tuần tra rừng, chặt thêm tre nứa về làm hàng rào, trồng giống cây rau thân dây leo như mồng tơi, thiên lý, sâm dây. Do đất nơi này cằn cỗi nên chúng tôi phải đi nơi xa chở đất về trồng rau xanh, đủ loại. Ngoài ra, anh em còn xin giống của nhiều loại hoa mang về trồng. Nhờ vậy, qua 2 năm, không chỉ tự túc được rau xanh mà cảnh quan nơi ở cũng trở nên sạch đẹp hơn. Mới đây, sau khi tuần tra rừng, Bí thư Huyện ủy Trần Đình Hiệp ghé thăm và động viên tổ tiếp tục cải tạo cho cảnh quan ngày càng đẹp hơn”-anh Ảnh hồ hởi nói.

Mở tủ lạnh lấy thức ăn tích trữ phía trong ra chế biến, anh Giang chia sẻ: “Tủ lạnh, ti vi, nồi niêu, chén bát là do anh Ảnh mang từ nhà lên. Còn mấy cái camera giám sát quanh nhà thì anh ấy bỏ tiền túi ra mua. Làm cùng với anh Ảnh, bọn em học được nhiều điều, nhất là tính chăm chỉ, cần cù. Khi có rau xanh được trồng ngoài vườn, gà được chăm nuôi trong chuồng, bữa cơm của anh em sẽ tươm tất và đủ chất”.

Toàn cảnh nhà gác rừng của Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 1. Ảnh: Hoành Sơn

Toàn cảnh nhà gác rừng của Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 1. Ảnh: Hoành Sơn

Ông Văn Hải Hội-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng: Hai năm qua, khu vực này không xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép và phá rừng làm rẫy. Cá nhân anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh được cơ quan xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Còn chế độ đãi ngộ là khó khăn chung của các công ty lâm nghiệp ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng đang tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi cũng đã động viên Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng có những nốt trầm trong câu chuyện với những người lặng thầm giữ bình yên cho núi rừng ở Mang Yang. Đó là mức lương trả chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Không ít người ngậm ngùi thôi việc để tìm kiếm công việc có đãi ngộ cao hơn, đủ chăm lo cho gia đình, vợ con.

“Lương tháng của em chỉ hơn 5 triệu đồng. Vợ em đang thất nghiệp. Để đủ tiền nuôi con, em phải phụ thêm vợ bán hàng trên mạng. Hôm nào nghỉ trực là phóng xe khoảng 50 km về Kông Chro đi giao hàng giúp cho vợ. Công việc ở đây nặng nề, đi rừng vất vả, trách nhiệm cao. Nhiều hôm đi tuần tra rừng về không hiểu vì sao mình có thể làm được công việc nặng nhọc như thế này. Mấy năm nay, cũng có một vài nhân viên bảo vệ rừng của Công ty nghỉ việc”-anh Giang tâm sự.

*

Bữa cơm tối với thực phẩm có xung quanh nhà gác mà các thành viên trong tổ chăm chút lâu nay mang lại nhiều dư vị. Những chiếc áo ấm được khoác thêm lên người. Bỗng mấy bóng điện lóe nháy rồi vụt tắt, anh Giang vội chạy ra cời than cho đống lửa trước sân. Giờ đây, tôi mới vỡ lẽ vì sao có điện mà các anh vẫn đốt thêm đống lửa. Và rồi, trong hơi ấm của lửa, trong hơi buốt của gió, câu chuyện của chúng tôi được nối dài thêm, đượm vị núi rừng.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.