Những nghệ sĩ núi rừng của tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi quen chị H’Ben khi chị làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai do anh Trịnh Kim Sanh (Trịnh Kim Sung)-Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum giới thiệu. Anh Trịnh Kim Sanh bảo tôi: “Cậu gặp H’Ben tha hồ mà nói mà hát mà khoe tiếng Bahnar với một nghệ sĩ người Bahnar thứ thiệt”.
Chị H’Ben ở trong căn phòng cấp 4 với 1 bộ bàn ghế mộc, 1 chiếc giường đơn và… 1 rổ bát đũa bên cạnh mấy cái xoong, thau, ấm. Chị bắt tay tôi và anh Sanh rất niềm nở. Chị bảo thông cảm vì nhà trường chưa có gì hết. Anh Sanh cười bảo: “Sao lại chưa có gì hết? Có nghệ sĩ H’Ben, có nghệ sĩ Y Brơm của Ty, có anh chị em của Đoàn Đam San hỗ trợ. Cần gì có Ty giúp”.
Tôi cũng thấy ái ngại cho chị nhưng chị bước ra cửa, hú một tiếng, có 3-4 cô cậu học viên ôm guitar, ôm đàn goong xúm đến. Thế là họ ngồi chật giường chật nhà hát và hát. Họ hát say sưa những bài hát tiếng Bahnar, tiếng Jrai và cả bài tiếng Việt. Chị H’Ben bảo tôi: “Em về đây thì chị chỉ có hát và múa chiêu đãi em thôi”.
Nghệ nhân Ưu tú H’Ben lúc sinh thời. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nghệ nhân Ưu tú H’Ben lúc sinh thời. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Và thế là rộn rã. Không còn phân biệt chủ khách mà tất cả cùng hòa đồng. Anh Sanh giới thiệu tôi cho mọi người rồi yêu cầu tôi hát 1 bài tiếng Bahnar, 1 bài tiếng Jrai. Tôi hồi ấy còn khá trẻ, khá khỏe và khá cả tiếng Bahnar, tiếng Jrai nên tất nhiên là sau một vài cang rượu, tôi hát ngay. Hát những bài hát “tủ” của mình và được tán thưởng nhiệt tình khiến tôi càng phấn khích xoang luôn bài xoang “uống rượu cần vui tươi”. Tôi được một học viên đẹp trai tự giới thiệu là người Xơ Đăng ở Kon Tum nhưng cũng hát tiếng Bahnar, tiếng Jrai cùng tôi được, đó là A Đôi. A Đôi múa hát với tôi với các bạn suốt hôm ấy và chơi thân với tôi đến tận bây giờ.
Tôi được anh Sanh giới thiệu trước và đã nói về tôi cho chị biết khá kỹ. Hồi ấy, Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai chưa được xây dựng nền nếp, chưa quy củ, giáo viên và học viên ăn chung ở chung. Giáo viên được điều động từ Hà Nội vào có, từ các sở, ban, ngành có. Học viên đa số là anh chị em người dân tộc Bahnar, Jrai được tuyển từ làng xã lên. Tóm lại là Hiệu trưởng không có gì khác biệt với mọi người, có khác chăng là chị lớn tuổi hơn và chuyên môn hát múa thì nhất định là số 1.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các văn nghệ sĩ trong một chuyến đi thực tế tại Gia Lai. Ảnh: Văn Công Hùng
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các văn nghệ sĩ trong một chuyến đi thực tế tại Gia Lai. Ảnh: Văn Công Hùng
Thời chị làm Hiệu trưởng thì anh Thịnh (chồng chị) làm Giám đốc Nhà Văn hóa hay Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Tôi vào Gia Lai thì đều qua thăm anh chị. Anh chị nuôi cậu con trai riêng của chị là Kiên, con với bok Núp hồi trước năm 1975.
Kiên bị bệnh bẩm sinh, mọi sinh hoạt đều khó khăn. Nhưng Kiên nhận biết hết mọi chuyện, nhất là tình cảm. Lần nào đến thăm chơi với anh chị, Kiên cũng nhận ra tôi ngay và nói những điều cậu muốn nói mà chỉ có anh chị mới dịch được.
Cậu con trai chung của anh chị tên là Thăng. Thăng đẹp trai, thông minh hơn người, học Nhạc viện Hà Nội về, chơi violin, guitar, organ, piano đều thành thạo, hát được cả tiếng Bahnar lẫn tiếng Jrai. Thế rồi cậu lấy vợ, có con, rồi khi anh chị về làng thì cậu cũng về theo… Nhưng cuối cùng cậu bị “ma men” bắt làm tù binh, không giải cứu được.
Anh Thịnh bị tai biến, một mình chị H’Ben phải chăm sóc 3 người đàn ông ốm yếu, dị tật. Nhưng chị tuyệt nhiên không một lời kêu than, không một lời trách móc oán thán ai. Gặp chị lúc nào cũng vui vẻ, cũng phải uống cái gì đó, ăn cái gì đó, hát cái gì đó cho vui. Lần nào chị cũng níu kéo: “Em phải ở đây với chị vài hôm chớ!”.
Cố họa sĩ Xu Man (bìa trái) và tác giả. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Cố họa sĩ Xu Man (bìa trái) và tác giả. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Những năm gần đây, khi vào Gia Lai, tôi đều đi cùng Nguyễn Quang Tuệ và anh chị em nhà văn, nhà báo. Tết nào chúng tôi cũng điện thoại chúc mừng năm mới cho nhau. Nhưng rồi, các bạn già của tôi ở Gia Lai lần lượt ra đi: nghệ sĩ Y Zơn, họa sĩ Xu Man, nghệ sĩ Y Brơm, nhà nghiên cứu văn hóa Rơ Mah Tenl và cả anh nữa-Trịnh Kim Sanh-người anh nâng đỡ và giúp sức cho các nghệ sĩ, nghệ nhân bản địa trưởng thành không thua kém bất kỳ địa phương nào…
Nhiều lúc tự dưng tôi sững người nhớ lại từng người. Nhớ cái dáng lúc nào cũng khổ sở của anh Rơ Mah Tenl. Nhớ cái dáng cao lênh khênh ấm áp của anh Trịnh Kim Sanh. Nhớ lối sống tỉ mẩn, lọ mọ và hóm hỉnh của anh Xu Man. Nhớ cái kiểu đi như chạy lùn lùn nhanh nhẹn và tháo vát, hát dân ca Jrai rất hay và uống rượu cần sôi nổi của anh Y Zơn mỗi lần theo anh về làng. Anh dạy tôi hát bài “Em nhớ Cheo Reo” của nhạc sĩ Kpa Pui. Nhớ anh Y Brơm đang dạy múa cho các em các cháu đẹp đến nao lòng.
Cuộc sống vẫn cứ trôi đi theo ông già thời gian, mọi người rồi cũng sẽ đến lượt mình. Các bạn già nghệ sĩ của tôi ở Gia Lai bây giờ còn anh Nay Pha-người đem đàn t’rưng ra giới thiệu cho bạn bè khắp thế gian nay cũng đã ngoài 80 rồi. Nghệ sĩ Ưu tú ngành múa tài hoa Xuân La đã nghỉ hưu. Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang-con chim sơn ca của núi rừng Tây Nguyên bây giờ cũng còn dang đôi cánh lên với những bài ca tuyệt đẹp về xứ sở quê hương mình.
TRUNG TRUNG ĐỈNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.