Dựa vào những cứ liệu để lại thông qua các bức ảnh tư liệu về tháp Yang Mum (thị xã Ayun Pa) hoặc bản vẽ của nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier về tháp cùng thông tin của linh mục Nguyễn Hoàng Sơn (Tòa Giám mục Kon Tum) cung cấp cho thấy khả năng cao bộ chóp tháp là chi tiết của kết cấu kiến trúc di tích Yang Mum. Đây là một trong những bằng chứng xác thực về sự tồn tại của văn hóa Champa trên vùng đất này.
![Bộ chóp tháp vùng Ayun Pa lưu giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum. Ảnh: X.T nhung-dieu-it-biet-ve-bo-chop-thap-vung-ayun-pa.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/18a0651672861ca66357657ae76bf436288afa24916d8f641a2e0eb4fd9a9ad545a44b59777036905bc5cc33c7bfa9fc595e5cb6a83f6fef7f1f4f45b37ccb0425892a714aa9d1bfdc508671d3d864ecc32d6b02bfd4df78e2efd34890ccb797/nhung-dieu-it-biet-ve-bo-chop-thap-vung-ayun-pa.jpg)
Thung lũng Ayun Pa (bao gồm thị xã Ayun Pa và các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ gồm loại hình kiến trúc đền tháp, văn bia… với nhiều đặc điểm tương tự thuộc văn hóa Champa ở duyên hải miền Trung. Nằm trong không gian văn hóa đó, nhiều dấu tích, di vật được phát hiện như: Bang Keng-Krông Pa (khai quật năm 2010); cụm đền tháp Yang Mum, Drang Lai, Koai Kinh ở Ayun Pa và nhiều di vật được phát hiện, lưu giữ tại một số nơi trong và ngoài nước.
Trong đó, phù điêu Phật Champa Tây Nguyên được công nhận là bảo vật quốc gia, đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu những thông tin ban đầu về bộ chóp tháp-di vật được phát hiện ở vùng Ayun Pa, hiện lưu giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum.
Năm 2023, trong quá trình khảo sát phục vụ cho việc nghiên cứu, khai quật di tích Champa An Phú, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với linh mục Nguyễn Hoàng Sơn để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến văn hóa Champa trên cao nguyên. Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Sau năm 1975, khi về công tác tại Giáo xứ Phú Bổn (thị xã Ayun Pa), ông luôn để tâm tìm hiểu các dấu tích, di vật liên quan đến văn hóa Champa trong địa phận phụ trách và đã sưu tầm được nhiều di vật, trong đó có bộ chóp tháp. Đến năm 2000, bộ chóp tháp này được đưa về lưu giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum.
Bộ chóp tháp làm bằng sa thạch, gồm 2 phần: chóp tháp và bệ chóp tháp. Chóp tháp có dạng hình trụ, thể khối vuông, 4 cạnh đều nhau, thon nhọn thu dần về phía đỉnh. Chiều ngang mỗi cạnh rộng 32 cm; chân chóp tháp cao 10 cm, điêu khắc 2 lần giật cấp, chỗ giật cấp lớn nhất rộng 36 cm tạo nền cho thân chóp; chiều cao từ chân đến đỉnh của chóp tháp là 75 cm. Phần chân đế tạo hình chốt vuông để cắm vào bệ chóp tháp. Bệ chóp tháp là một khối vuông, cao 30 cm, cạnh trên rộng 46 cm, cạnh dưới rộng 56 cm.
Điêu khắc trên mỗi cạnh chia làm 2 phần đối xứng, thắt eo ở giữa có chạm khắc 11 biểu tượng bầu vú tiếp nối trên một đường thẳng, đối xứng trên và dưới mỗi bên có 2 lần giật cấp ngược chiều nhau. Mặt tiếp giáp với chóp tháp có khoét 1 lỗ vuông để cắm chốt của chóp tháp, đồng thời có xẻ 4 rãnh ra 4 hướng, mỗi rãnh rộng khoảng 3,5 cm kéo dài từ lỗ vuông đến gần rìa cạnh. Trên mỗi rãnh có đục 1 lỗ nhỏ đường kính khoảng 2 cm xuyên xuống giật cấp thứ 2 bệ chóp tháp tính từ trên xuống.
Dựa vào những cứ liệu để lại thông qua các bức ảnh tư liệu về tháp Yang Mum hoặc bản vẽ của nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier về tháp Yang Mum cùng thông tin của linh mục Nguyễn Hoàng Sơn cung cấp cho thấy khả năng cao bộ chóp tháp này là chi tiết của kết cấu kiến trúc di tích Yang Mum ở vùng Ayun Pa trong thời kỳ tồn tại của vương triều Virabhadravarmadeva (thế kỷ XV). Đây là vương triều hưng thịnh cuối cùng của Champa, đóng đô tại vùng Vijayapura, tỉnh Bình Định ngày nay.
Nằm trong không gian văn hóa Champa ở Ayun Pa giai đoạn vương triều Virabhadravarmadeva có thể kể đến một di tích quan trọng đó là đền tháp Yang Mum. Từ bức ảnh được chụp năm 1948 cho thấy di tích này còn tương đối nguyên vẹn, hiện nay chỉ còn lại dấu tích mờ nhạt. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật, đặc biệt là các bức tượng thần Shiva.
Đến thời điểm hiện tại ít nhất có 4 bức tượng thần Shiva được biết đến gồm: 1 bức tượng Shiva bằng gốm (tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh), 1 bức tượng Shiva bằng sa thạch (tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng), 1 bức tượng Shiva (sưu tập của Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp) và 1 bức tượng Shiva cưỡi bò thần Nandin (sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Boston, Mỹ).
Virabhadravarmadeva là vị vua đã thống nhất các miền của vương quốc và tôn xưng là “vua của các vua”, là vương triều đã cho tạc nhiều tượng Shiva trong hình dạng đạo sư (Sivacarya) để cổ súy tín ngưỡng Shiva trong khắp vương quốc (theo “Di tích Champa ở thung lũng An Khê nhìn từ lịch sử và khảo cổ học cảnh quan” của tác giả Trần Kỳ Phương).
Ngày nay, các di tích Champa ở vùng Ayun Pa dù chỉ còn là phế tích hoặc dấu tích mờ nhạt, nhưng những thông tin về các di vật nói trên có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút nhiều người quan tâm, là bằng chứng xác thực về sự tồn tại của văn hóa Champa trên vùng đất này; qua đó góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Champa nói chung, văn hóa Champa ở Gia Lai nói riêng.