Những công trình lãng phí nguồn lực-Kỳ 2: "Đất vàng" để trống, công trình nước sạch "chết yểu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm ở vị trí “vàng” của TP. Pleiku, song vì nhiều lý do mà khu đất tại số 89 đường Hùng Vương (Khách sạn Sê San cũ) và thửa đất liền kề số 02 đường Trần Hưng Đạo (trụ sở Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai trước đây) đang bỏ hoang trở nên khá nhếch nhác. Còn tại một số địa phương trong tỉnh, dù được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng nhiều công trình nước sạch nông thôn chưa phát huy hiệu quả, sớm “chết yểu”.
“Đất vàng” để trống
Vị trí đất tại số 89 Hùng Vương trước đây là Nhà khách của tỉnh, có diện tích đất 1.142 m2. Năm 1994, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mượn để làm nhà ở cho các chuyên gia công tác tại Gia Lai. Đến năm 2008, Tập đoàn mới làm thủ tục thuê đất và được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê. Ngày 26-6-2019, Bộ Tài chính có Quyết định số 1095/QĐ-BTC sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nêu: “Chuyển giao nguyên trạng cơ sở nhà, đất tại số 89 Hùng Vương gồm diện tích đất 1.142 m2 và diện tích sàn 4.375 m2 của Công ty Phát triển thủy điện Sê San thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang UBND tỉnh Gia Lai quản lý, xử lý theo quy định. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, do một số vướng mắc bồi hoàn tài sản, cuối năm 2020, EVN mới bàn giao cơ sở trên về cho tỉnh. Từ đó đến nay cơ sở này hoang hóa, xuống cấp. 
Đối với vị trí đất tại số 02 đường Trần Hưng Đạo liền kề với số 89 Hùng Vương, ngày 29-1-2018, UBND tỉnh có Quyết định số 06/QĐ-UBND về việc gia hạn cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai thuê đất để sử dụng vào mục đích nhà hành chính quản lý với diện tích 2.330 m2, thời hạn thuê 6 tháng. Quyết định nêu: “Đây là vị trí đất kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP. Pleiku, vì vậy, khi có nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án tại vị trí này, UBND tỉnh sẽ thông báo trước 3 tháng để tiến hành thu hồi và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai có trách nhiệm bàn giao lại vị trí đất nói trên”. Từ cuối năm 2018, Công ty Cấp thoát nước đã bàn giao lại trụ sở này cho tỉnh quản lý.
Vị trí đất tại số 89 Hùng Vương đang được giao cho TP. Pleiku quản lý để kêu gọi đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Vị trí đất tại số 89 Hùng Vương đang được giao cho TP. Pleiku quản lý để kêu gọi đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Ngày 19-5-2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 47/QĐ-UBND chuyển giao cơ sở nhà, đất tại số 89 Hùng Vương cho UBND thành phố quản lý. Còn đối với vị trí tại số 02 đường Trần Hưng Đạo, sau khi hết thời hạn hợp đồng thuê đất, UBND tỉnh đã có Quyết định số 107/QĐ-UBND về việc thu hồi đất được Nhà nước cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai, sau đó cũng giao cho UBND TP. Pleiku quản lý để thực hiện dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh”.
Còn ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì thông tin: Ngày 29-8-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung Danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2019-2021. Theo đó, dự án kêu gọi đầu tư làm khu khách sạn, trung tâm mua sắm phức hợp với quy mô dự kiến là 3.392 m2 (trong đó, diện tích đất của Công ty Phát triển thủy điện Sê San tại số 89 Hùng Vương là 1.142 m2; đất tại trụ sở làm việc của Công ty cổ phần Cấp thoát nước, đường Trần Hưng Đạo là 2.250 m2); hình thức đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vì mục đích sử dụng đất của 2 vị trí này là đất xây dựng trụ sở cơ quan, chưa phù hợp để kêu gọi đầu tư, cần phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch thành phố. Ngoài 2 diện tích trên, trên địa bàn TP. Pleiku vẫn còn một số địa điểm có địa thế đẹp, nằm trên những cung đường trung tâm nhưng để không trong thời gian khá dài như: Trường Cao đẳng Nghề (cũ) tại số 731C đường Phạm Văn Đồng; Chi cục Thuế TP. Pleiku (cũ) tại số 59 Tăng Bạt Hổ...
Vị trí đất số 02 Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) nhiều năm bỏ không. Ảnh: Hà Duy
Vị trí đất số 02 Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) nhiều năm bỏ không. Ảnh: Hà Duy
Được biết, Trường Cao đẳng Nghề (cũ) hiện đã được Trường THPT Hoàng Hoa Thám làm cơ sở 2, song mới chỉ bố trí dạy môn thể dục và giáo dục quốc phòng. Còn Chi cục Thuế TP. Pleiku (cũ), mặc dù đã treo biển trụ sở làm việc của Đội Thanh tra Giao thông số 2, 3, song vẫn đang đóng cửa, chưa thấy hoạt động.
Là một người dân sống lâu năm tại TP. Pleiku, ông Lê Viết Hải (tổ 4, phường Hội Thương) chia sẻ: “2 mảnh đất tại số 89 Hùng Vương và số 02 Trần Hưng Đạo nằm ngay trung tâm thành phố-trước Bưu điện tỉnh. Ngày trước, Khách sạn Sê San cũng là điểm thu hút sự chú ý của rất đông người dân Phố núi và du khách. Đây là khu vực mà lúc nào cũng đông người qua lại, nhưng để trống khá lâu, không sử dụng nên cỏ mọc, rêu bám, nhìn rất phản cảm. Điều 54 Hiến pháp năm 2013 xác định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Tôi mong các vị trí đất hiện đang để không, nhanh chóng có dự án triển khai để bộ mặt đô thị hoàn thiện hơn, ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu, tránh gây lãng phí tài sản công”.
Lãng phí công trình cấp nước tiền tỷ
Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình “Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn tại thôn Bình An (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Tháng 10-2020, công trình được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã ngừng hoạt động, khiến 288 hộ đã đăng ký không có nước sử dụng. Ông Hoàng Trọng Nam (thôn Bình An) bức xúc: Người dân kỳ vọng công trình sẽ giải quyết được vấn đề cấp thiết về nước sạch và thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng. Thế nhưng, chỉ sử dụng nước được hơn 1 tháng thì công trình này ngưng hoạt động cho đến nay. Mỗi khi vận hành, đường ống dẫn nước bị bể liên tục, sử dụng được vài hôm lại phải ngưng để đào đường ống lên sửa chữa. “Rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, khắc phục đường ống dẫn nước hay làm thế nào đó để vận hành, khắc phục tình trạng thiếu nước trầm trọng”-ông Nam đề nghị. Còn theo ông Huỳnh Ngọc Phước (cùng thôn), công trình hoạt động được 2-3 ngày thì lại ngưng vì đường ống nước bị hư hỏng. “Không hiểu lý do gì xã ký nhận bàn giao trong khi công trình không đảm bảo, đến giờ người dân không có nước dùng”-ông Phước nói.
Ông Huỳnh Ngọc Phước (thôn Bình An) bức xúc vì công trình chỉ cấp nước trong thời gian ngắn thì dừng hoạt động, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Ảnh: Minh Triều
Ông Huỳnh Ngọc Phước (thôn Bình An) bức xúc vì công trình chỉ cấp nước trong thời gian ngắn thì dừng hoạt động, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Ảnh: Minh Triều
Tương tự, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân 4 xã thuộc huyện Chư Sê gồm: Dun, Kông Htok, Hbông và Ia Pal do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư đã không phát huy hiệu quả khi chỉ có 247/1.200 hộ sử dụng nước. Chị Siu Bel (làng Greo Pết, xã Dun) cho biết: Gia đình chị có giếng đào nhưng vào mùa khô thường bị thiếu nước và mùa mưa thì nước đục nên không yên tâm về chất lượng nguồn nước. Vì vậy, khi công trình cấp nước sinh hoạt được tỉnh đầu tư, gia đình chị mừng lắm. “Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, đường ống liên tục bị bục. Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ trong làng cũng bị như vậy sau mỗi lần bơm. Đơn vị thi công đã về sửa chữa nhưng lại tiếp tục bị hỏng. Tiền nước cao do thất thoát nhiều, người dân không đủ khả năng trả nên Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê đã ngừng cấp nước hơn 5 tháng nay”-chị Bel than thở.
Công trình cấp nước tập trung nông thôn tại thôn Bình An (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) bị bỏ hoang nhiều năm khiến người dân không có nước sử dụng. Ảnh: Minh Triều
Công trình cấp nước tập trung nông thôn tại thôn Bình An (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) bị bỏ hoang nhiều năm khiến người dân không có nước sử dụng. Ảnh: Minh Triều
Anh Rơ Lan Thuế (cùng làng) thì bộc bạch: “Bên cạnh việc cấp nước không liên tục cộng với giá 4.320 đồng/m3 vẫn cao so với mức thu nhập của người dân. Vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước quan tâm giảm giá nước; đồng thời, sớm sửa chữa các hư hỏng liên quan tới đường ống dẫn nước để đưa công trình hoạt động trở lại nhằm giúp người dân chúng tôi có nguồn nước sạch sử dụng”.
Bên cạnh đó, sau 1 năm công trình đi vào hoạt động nhưng đến nay 218 hộ dân ở xã Kông Htok vẫn chưa đăng ký sử dụng nguồn nước sạch này. Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thanh cho biết, sau 1 tháng dùng nước miễn phí, người dân chưa thống nhất ký hợp đồng trả tiền nước với Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê. Vì vậy, xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích của nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đối với sức khỏe.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.