Những chuyến tàu hoài cổ: Tàu cũ chở người hoài niệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một thời hoàng kim, khách muốn lên tàu phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí “nhờ cò”. Xưa người chờ tàu, nay tàu chờ người, lỗ nặng phải dừng hoạt động một thời gian. Đấy là thực tế những đoàn tàu chạy một số tuyến phía Bắc, hiện đang duy trì hoạt động với hy vọng thành tàu an sinh.
 
Hầu hết người đi tàu đã lớn tuổi. Ảnh chụp tàu Long Biên-Đồng Đăng
Trên những chuyến tàu này, hệ thống toa xe thuộc loại xưa nay hiếm, còn hành khách lớn tuổi luôn chiếm đa số - những người gần như cả đời chỉ đi tàu. Ấy vậy nhưng, những hành khách này cũng vơi dần, khiến tàu mỗi ngày lại vắng thêm.
Lướt đi với gió
Hơn 2 tiếng đồng hồ tàu lăn bánh rời bến, qua 5 ga, mỗi ga dừng lại 2 phút, nhưng tàu vẫn chưa đón được khách nào. Tới ga thứ 6 - trên tổng số 11 ga, đoàn tàu dừng đón trả khách, vị khách đầu tiên và duy nhất bước lên, chưa kể nhiều ga đã được bỏ qua vì không có khách. Thực tế đó đang diễn ra trên đoàn tàu Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh). Đây không phải đoàn tàu duy nhất rơi vào cảnh đìu hiu khi không cạnh tranh nổi với đường bộ. Ngoài tuyến trên, tuyến Long Biên (Hà Nội) - Quán Triều (Thái Nguyên) và tuyến Long Biên - Đồng Đăng (Lạng Sơn) cũng cùng cảnh ngộ. “Trên các đoàn tàu này, toa ghế cứng không điều hòa luôn đông khách hơn toa ghế mềm điều hòa. Có mời khách ngồi toa có điều hòa họ cũng từ chối”, trưởng tàu Long Biên - Quán Triều Phạm Văn Thảo nhận xét. Dù còn khá đẹp, nhưng toa ghế mềm của đoàn tàu này là toa cũ dùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam. 
Tổ phục vụ tàu, đoàn ít 5 người, đoàn nhiều 10 người, suốt cả chặng chủ yếu ngồi uống nước ngắm cỏ cây bên đường, những cảnh vật họ nhìn quen mỗi ngày. Có muốn phục vụ cũng không có khách để phục vụ. Từ ngày các địa phương có tàu đi qua, như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên đường bộ phát triển, đặc biệt với hệ thống đường bộ cao tốc, khách đi tàu cứ vơi dần. Nhà tàu lỗ nặng phải dừng khai thác 3 tuyến này từ đầu năm, từ ngày 2/9 tới nay mới khai thác lại.
Tại các ga đoàn tàu đi qua, dù biết trước không có khách, nhân viên phục vụ vẫn phải xuống tàu, đứng hết thời gian lại lên và tàu lăn bánh. Hành động đó lặp đi lặp lại ở đa số ga tàu qua. Chưa kể nhiều ga trên lộ trình đã bị cắt khỏi lịch tàu vì không có khách, và để rút ngắn thời gian chạy tàu. Một số ga có khách, nhân viên nhà tàu nhanh nhảu chào, hỏi thăm sức khỏe, rồi đỡ những người mắt đã mờ, chân đã chậm cẩn thận lên tàu. Khách và người nhà tàu như người thân của nhau, tổ tàu biết tên đa số khách, còn khách nhớ tên từng người chạy tàu. “Hầu hết khách lên tàu đi thăm con cháu, hoặc đi khám bệnh định kỳ ở Hà Nội, không đi được ô tô nên đi tàu. Giờ tàu vắng khách lắm”, trưởng tàu Phan Văn Thảo nói khi dẫn chúng tôi đi dọc đoàn tàu, với 3 toa vắng lặng. Khi tàu chạy, khách nằm dài ra ghế, vắt chân lên cửa sổ nghỉ ngơi, vậy nhưng ghế trống mênh mông, khó thể lấp đầy. 
Trên tuyến Yên Viên - Hạ Long, khi dự án tàu du lịch chạy trên khổ ray 1.435cm từ Hà Nội về đây phá sản, tuyến đường sắt này cũng trở lên lạc lõng với phần còn lại. Đoàn tàu có 1 toa khách, 2 toa hàng, được Trung Quốc sản xuất từ những năm 1957-1958, sau khi Trung Quốc dừng sử dụng được chuyển sang Việt Nam khai thác tới nay. Ga Hạ Long - một trong những ga đầu tư bài bản, hiện đại nhất hiện nay, với đường hầm cho khách đi bộ, nay cũng hoang tàn, thành bãi chứa tàu cũ, hỏng. Để giữ khách, một phần sân ga được dựng chợ tạm, để giao thương hàng hóa giữa khách đi tàu và các thương lái địa phương. Nhờ đó, từ bao năm, đoàn tàu này trở thành tàu chở những bà, những cô buôn hàng chạy chợ và người nhỡ độ đường, say rượu.
Những người xưa cũ
Là một trong những hành khách hiếm hoi trên chuyến tàu Quán Triều - Long Biên, bà Vũ Thị Dung (76 tuổi, ở Đại Từ, Thái Nguyên) nhớ lại, bà đi trên tuyến này từ sau ngày đất nước thống nhất, chuyên buôn chè về Hà Nội nhập lại. Nhờ đi tàu, bà quen và với 2 bà khác lập thành tổ 3 người cùng nghề, tuần nào cũng đi 2-3 lượt lên xuống. “Năm ngoái, 1 bà trong nhóm mất, một bà 87 tuổi giữa tháng 11 phải đi cấp cứu chưa biết thế nào. Còn lại mỗi tôi, vẫn lên xuống Hà Nội đều, cũng chẳng biết được bao chuyến nữa”, bà Dung xót xa. Bạn bà mất đi, khách đi tàu lại giảm theo. Bà kể, ông nội bà cũng từng làm trong ngành đường sắt. Nhìn những đoàn tàu thưa vắng bà xót lắm. Khách hầu hết đã già cả, người trẻ đi tàu cứ vắng dần. Tranh thủ khi tàu chưa rời bến, bà Dung nán lại trò chuyện với anh em nhà tàu, thân tình nhưng xót xa.
Trên chuyến tàu Long Biên - Đồng Đăng, ông Đỗ Đức Luận kể, ông đi tàu này từ những năm 1960 tới nay, giờ ông đã 83 tuổi. Ông sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng quê TP Bắc Giang, lại trưởng họ nên thường xuyên phải đi về. Tới nay ông vẫn gắn bó với tàu phần vi quen, phần vì nhà gần ga, chứ nhà xa ga có khi ông cũng chọn phương tiện khác cho tiện. Ông kể vanh vách tên từng nhân viên nhà tàu, những người còn làm, những người đã nghỉ hưu, và cả những người phải chuyển ngang đi làm việc khác vì đường sắt thiếu việc, tàu dừng.
Với bà Nguyễn Thị Trà đã 79 tuổi, bà cũng có thói quen đi tàu từ những năm 1970. Bà kể, tàu xưa đông lắm, nhưng cứ thưa dần, vắng dần, giờ tàu vắng lắm, có hôm bà đi cả tàu chỉ 4-5 khách. Với bà, giá vé tàu 25.000 đồng/người cho chặng Long Biên - Bắc Ninh chỉ tương đương xe buýt, dù tàu có đắt hơn bà vẫn đi tàu “để ủng hộ đường sắt”. Quan trọng hơn, do bà Trà say xe, nên đi tàu, tàu dừng bà cũng ít đi lại thăm con cháu hơn. Bà nhớ, tàu xưa lộn xộn, chật chội, còn tàu nay sạch sẽ, thoáng mát hơn ô tô, dù đi lại không tiện như ô tô.
Trên chuyến tàu Yên Viên - Hạ Long, ông Nguyễn Văn Quảng (ở Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang), xách theo ấm nước chè, vài gói bim bim, kẹo lạc lên tàu. Ông kể, giọng móm mém vì răng rụng gần hết, ông từng làm công nhân đường sắt, sau về nghỉ làm ruộng. Nhưng 4 năm nay, do tuổi cao, nên xin nhà tàu đi bán nước cho đỡ buồn, đỡ nhớ đường sắt.
Để hút khách, các toa tàu khách được trang bị wifi và báo miễn phí. Hành khách có thể mua vé ở ga, hoặc ra thẳng tàu và mua vé trên tàu với giá như ở ga (không bị phạt như các tuyến khác). Điều này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách. Hơn nữa, khách cũng vắng nên nếu bán vé ở ga sẽ phải trả lương nuôi thêm một nhân viên bán vé.
 
Mỗi người nằm 1 ghế, hầu hết các ghế vẫn trống, dù chỉ có một toa ghế cứng.  Ảnh chụp tàu Quán Triều- Long Biên
Do vắng khách, càng khai thác càng lỗ, 3 đoàn tàu khách: Long Biên - Quán Triều, Long Biên - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long đã phải dừng khai thác hàng ngày vào đầu năm 2018. Từ ngày 2/9/2018, những đoàn tàu này được khai thác trở lại, với hy vọng thành tàu an sinh, được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Luật Đường sắt.
Lê Hữu Việt (TP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.