Trong khi cơn bão số 11 mang tên Atsani tiến vào biển Đông, tiếp tục uy hiếp các tỉnh miền Trung thì vấn đề nguyên nhân gây lũ lụt, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề của 4 cơn bão vừa qua cũng được thẳng thắn đặt lên bàn Quốc hội.
Hai vấn đề được chất vấn gay gắt là tỉ lệ rừng và thủy điện.
Nhiều đại biểu cho rằng rừng đã và đang bị tàn phá và thủy điện góp phần không nhỏ vào thực trạng này. Hậu quả của việc này rất nhãn tiền và con số thiệt hại đau lòng trình bày tại Quốc hội đã nói lên tất cả.
Thế nhưng, về trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường công bố tỉ lệ rừng Việt Nam là 41,9%. Một con số rất lãng mạn đối với thực tế các cánh rừng nguyên sinh gần như bị cạo trọc, thủy điện băm nát những lõi rừng tự nhiên, những khu du lịch chen chân vào các cánh rừng xanh tốt...
41,9% quả là con số trong mơ mà ngay cả các quốc gia tiên tiến có chính sách bảo vệ rừng hoàn hảo được thực hiện nghiêm ngặt từ vài chục năm qua cũng chưa với tới. Nhưng tự trong con số này cũng hàm chứa những sự thật khác với mong đợi. Theo công bố hiện trạng rừng quốc gia của chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2018, cả nước có gần 14,5 triệu ha rừng nhưng trong số đó có đến hơn 4,2 triệu ha là rừng trồng.
Nói cách khác, những cánh rừng này là rừng công nghiệp chẳng liên quan gì đến đa dạng sinh học và không có tác dụng như rừng tự nhiên. Dưới tán rừng này không có các loại cây tầng thấp và thảm thực vật nên cũng không thể giữ nước, tạo nền móng cho đất và cũng không có nhiều loài cộng sinh. Những cánh rừng "chết" trồng lên để rồi bị chặt tận gốc thì thử hỏi làm sao đảm trách được sứ mệnh to lớn là ngôi nhà của các loài trú ngụ, điều tiết khí hậu và chống chọi với sự cuồng nộ của thiên nhiên.
Trong Báo cáo Chiến lược và Chính sách phát triển lâm nghiệp thế giới của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế vừa được công bố có nêu kinh nghiệm phát triển rừng của một số quốc gia phát triển. Theo đó, họ không chỉ muốn tăng độ che phủ rừng mà quan trọng hơn là nâng chất lượng rừng bằng sự đa dạng sinh học tự nhiên. Kinh nghiệm này bất cứ một nhà lâm nghiệp nào cũng hiểu, kể cả ở Việt Nam nhưng vì nhiều lý do ngoài lâm nghiệp nên nó được xem là thứ yếu để ưu tiên phát triển những mục tiêu khác, trong đó có cả phá rừng làm kinh tế.
Nói về trồng rừng thì không ai bằng được chính các loài vật sống trong rừng. Hãy tưởng tượng, khi một cái cây ra hoa, loài chim và côn trùng hút mật sẽ thụ phấn tự nhiên và đậu quả. Quả chín, loài chim, loài khỉ và nhiều loài khác sẽ ăn và gieo hạt khắp cánh rừng qua đường bài tiết. Chẳng có ai làm nổi chuyện này, kể cả ngành lâm nghiệp của một quốc gia.
Bởi thế, câu chuyện mất rừng làm "nóng" Quốc hội đã gây được sự chú ý của cử tri nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo vấn đề là nâng tỉ lệ, chất lượng rừng và không nhân danh phát triển kinh tế để phá rừng. Việc cần làm hiện nay là thống kê cụ thể còn bao nhiêu rừng, chất lượng ra sao, có bao nhiêu thủy điện phải hy sinh rừng. Với hơn 300 thủy điện đã được quy hoạch sẽ tiếp tục xây dựng trong thời gian tới, liệu Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... có dám loại ra để bảo vệ những cánh rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại?
Theo Phạm Hồ (NLĐO)