Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: 'Cò' chuộc người vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), PV Thanh Niên ghi nhận nhiều người đứng ra làm 'cò' chuộc người lao động bị bán qua Campuchia muốn quay về Việt Nam.
Trung tuần tháng 6, một bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng của Báo Thanh Niên rằng mới đây, để chuộc lại người thân bị bán qua Campuchia, người này phải thế chấp căn nhà vay số tiền 100 triệu đồng để đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và được một “cò” đứng ra lo liệu giúp việc chuộc người, với tiền công 25 triệu đồng.
 
Nhóm người túc trực ở cửa khẩu Mộc Bài để mời chào dịch vụ chuộc lao động. Ảnh: Thanh Niên
Nhóm người túc trực ở cửa khẩu Mộc Bài để mời chào dịch vụ chuộc lao động. Ảnh: Thanh Niên
“Chuộc hơn cả trăm người rồi đó” (?)
Từ thông tin của bạn đọc, nhóm PV Thanh Niên đã đến Mộc Bài tìm hiểu sự việc.
Trưa 15.6, khi xe máy của chúng tôi vừa trờ tới cửa khẩu, không dưới 5 nam thanh niên ra hỏi dồn dập: “Vượt biên hay đi làm? Hay là đi chuộc người thân?”. Nghe chúng tôi nói đang tìm cách qua Campuchia để tìm người thân bị bán cho một công ty của Trung Quốc, Nghĩa “Mộc Bài” (khoảng 35 tuổi) liền dẫn chúng tôi vào quán nước kế đó, gặp người phụ nữ tên Ny (khoảng 30 tuổi) để cung cấp thông tin chi tiết.
“Ở đây em chuộc hơn 100 người rồi đó. Em giúp anh là em tự bỏ tiền túi, qua Campuchia thấy người, em mới giao tiền rồi dẫn về; còn lạ thì không chuộc được đâu. Khi con cháu anh về tới cột mốc Việt Nam, anh phải giao tiền lại cho em. Chi phí thì cao, gồm cả tiền nộp phạt đi chui, công đưa về, tiền cho người này người kia… hết khoảng 20 triệu đồng”, Ny báo giá.
 
Ny (nữ, khoảng 30 tuổi) cho biết đã chuộc rất nhiều người lao động bị bán sang Campuchia. Ảnh: Thanh Niên
Ny (nữ, khoảng 30 tuổi) cho biết đã chuộc rất nhiều người lao động bị bán sang Campuchia. Ảnh: Thanh Niên
Nghe chúng tôi nói bị công ty ra giá 100 triệu đồng tiền chuộc người, Ny tiếp tục hướng dẫn: “Cái này phải để em tự liên lạc rồi qua Campuchia thương lượng, nó kêu chuyển khoản là tuyệt đối không có chuyển. Tại vì mình không biết công ty đó có lừa đảo không. Mình chuyển tiền mà nó không thả người nhà ra thì cũng vậy; có trường hợp chuyển 200 triệu đồng cũng không thả người ra nữa đó”.
Theo Ny, các công ty do người Trung Quốc đứng sau sẽ mua lao động từ chính các đường dây do người Việt Nam bán lại. Số lao động này sẽ làm các công việc như đi lừa đảo, lập các nhóm hội Zalo, Facebook… dẫn dụ người dân đánh bạc, đầu tư tài chính.
“Tụi nó quảng cáo làm văn phòng, ngồi máy tính, phòng lạnh với tiền lương từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Được vậy thì dân ở đây đi hết rồi, đâu đến lượt dân ở xứ khác tới!”, Ny tỏ ra am hiểu rồi khẳng định, số người đến Mộc Bài chuộc người thân ở khắp mọi miền của đất nước, như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cần Thơ…
 
Các lao động bị lừa sang Campuchia bị ép làm việc phi pháp. Ảnh: NẠN NHÂN CUNG CẤP CHO CÔNG AN TỈNH QUẢNG NGÃI
Các lao động bị lừa sang Campuchia bị ép làm việc phi pháp. Ảnh: NẠN NHÂN CUNG CẤP CHO CÔNG AN TỈNH QUẢNG NGÃI
Ny cho hay nếu nạn nhân không có người thân chuộc, thì sẽ bị nhóm buôn lao động bán đi biển, giáp với Thái Lan. “Lên đó là coi như xong, họ sẽ bắt nhốt, đánh đập. Lúc này tiền chuộc cũng tăng lên, từ 200 - 300 triệu đồng/người”, Ny nói rồi chia sẻ, nơi nhốt người lao động tuy nằm ở Campuchia, nhưng khu vực này đã được người Trung Quốc thuê dài hạn, và chẳng ai làm được gì họ cả (!?).
Người Việt lừa người Việt
Chiều 15.6, chúng tôi tiếp cận một nhóm xe ôm đang đậu cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 1,5 km. Sau khi nghe chúng tôi nói đang tìm cách vượt biên, giải cứu người thân bị bán qua Campuchia, ông Bình (khoảng 50 tuổi) nói: “Nó (nạn nhân) nằm ở đây hay ở trong vũng (bán đi biển - PV)? Giờ chắc giải cứu cũng từ 150 - 170 triệu đồng đó. Tụi nó mà bán ra biển là có khi ép bán thận. Từ đây qua đó phải đi xe đò 9 tiếng đồng hồ”.
Ông Bình cho hay, qua Campuchia phải có người vừa biết tiếng Campuchia, vừa biết tiếng Việt thì mới trao đổi được. Có trường hợp gia đình chuyển tiền qua để chuộc con mà nạn nhân vẫn không được thả. “Mới đây có nam thanh niên ngoài Ninh Bình, bị bán qua có 15 ngày, tụi nó đòi tiền chuộc 3.200 USD (hơn 74 triệu đồng). Cứ nghe quảng cáo làm 1 tháng 20 triệu đồng là ham, qua đó là chết”, ông Bình lắc đầu ngao ngán.
“Qua bên đó có ai làm gì được tụi nó đâu. Vô ở trong đó là cái cửa cũng không được mở, tụi nó khóa kín mít hết; làm không được thì nó chích điện. Đàn ông con trai còn đỡ, phụ nữ bị gì thì mấy em cũng hiểu rồi đó. Không sống nổi với tụi nó đâu. Còn riêng vụ mua bán người là do người Việt Nam mình làm hết. Họ bán cho người Trung Quốc để trục lợi. Cứ bán qua bán lại, rồi người lao động sẽ gánh số tiền đó”, ông Bình bức xúc.
Ra giá vượt biên trái phép 6 triệu đồng/người
Ngày 15.6, trong vai người cần vượt biên trái phép qua Campuchia, PV Thanh Niên được ông Q. (khoảng 55 tuổi), chạy xe ôm ở gần cửa khẩu Mộc Bài, ra giá: “Đường tắt qua Campuchia giá hơi cao, từ 6 - 8 triệu đồng/người, tùy thời điểm”.
Một người xe ôm khác tên B. thì ra giá: “Vượt biên bây giờ giá 6 triệu đồng/người. Mà người đi được thôi chứ xe máy không mang theo được. Xe máy thì gửi qua cửa khẩu cũng với giá 6 triệu đồng. Người qua trước xe máy qua sau”. Ông B. cho biết thêm, trước lúc dịch thì đi đường vòng vượt biên rất dễ dàng.
“Mỗi người tôi chở qua Campuchia thời điểm trước dịch Covid-19 có giá 300.000 đồng. Hiện do dịch nên qua lại khó hơn. Dẫn khách vượt biên không khéo bị bắt, người vượt biên chỉ bị phạt hành chính 4 triệu đồng, còn người dẫn có thể bị phạt tù”, ông B. tỏ ra cảnh giác.
Người đàn ông chạy xe ôm khác tên Cường (khoảng 50 tuổi) cũng tỏ ra tường tận: “Nó đòi chuộc 200 triệu thì xin nó bớt còn 150 - 170 triệu đồng. Mới đây có người tự trốn được, khi về tới Việt Nam trong người chỉ còn có mấy chục nghìn đồng. Đa số bị dụ qua kiểu đó, nạn nhân sẽ rơi vào các công ty “ma”, tức công ty chỉ chuyên bán người, chứ chẳng có làm ăn gì hết”.
Ông Cường kể lại, mới đây, nam thanh niên (quê Đắk Nông) đi làm bên Campuchia, gồng được 1 năm thì gọi điện về nói mẹ chuộc ra. Nhà nghèo nên người mẹ phải vay mượn khắp nơi mới đủ 100 triệu đồng gửi qua chuộc con.
“Nó về tới Việt Nam là không còn xu dính túi, phải nhờ tôi chở qua nhà bạn để tá túc. Nó kể được “sếp” giao chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa lọc nhiều người, nếu không đủ chỉ tiêu thì bị phạt nợ, bị đánh đập, bị công ty này đội giá lên và bán qua công ty kia. Càng bán thì tiền nợ càng nhiều”, ông Cường kể và cảnh báo: “Đừng có nghe dụ dỗ trên mạng mà mê, làm gì mà 20 - 30 triệu đồng/tháng. Nếu thật vậy sao dân ở kế đây không ai dám qua đó làm, để tới lượt người ở đâu đâu qua làm? Cách đây cỡ 30 phút, có đôi vợ chồng kia chạy xe máy từ tỉnh Tiền Giang qua đây tìm con, khổ lắm...”.
Quảng Ngãi: 8 người bị lừa sang Campuchia, gia đình cầu cứu công an
Ngày 20.6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết Công an tỉnh này đã phát cảnh báo về các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội để lừa sang Campuchia làm việc phi pháp.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 1.2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu của 8 trường hợp là công dân trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc. Thủ đoạn chung mà các nạn nhân bị lừa là dính vào các bẫy quảng cáo “việc nhẹ lương cao” trên các mạng xã hội.
Phạm Anh - Hải Phong
Thiếu nữ 16 tuổi mất tích khi đi tìm việc được giải cứu về từ Campuchia
Ngày 21.6, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Hương (53 tuổi, ở thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, TX.Sông Cầu, Phú Yên), cha của em N.T.T.N (16 tuổi, người mất liên lạc với gia đình khi từ Phú Yên vào TP.HCM), cho biết gia đình cảm ơn các cơ quan chức năng đã tích cực giúp đỡ đưa con gái ông từ Campuchia trở về Phú Yên an toàn.
Ông Hương cho biết, theo lời kể của N., khi từ Phú Yên vào TP.HCM tìm việc làm ngày 5.6, N. gặp một phụ nữ rồi người này đưa cháu về một căn nhà ở Q.Bình Thạnh. Trong căn nhà này còn có 4 cô gái khác. Hôm sau có 3 người đến chở tất cả lên Tây Ninh rồi sang Campuchia.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 20.6, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đã phối hợp Công an tỉnh Phú Yên, Công an TP.HCM tìm và giải cứu thành công N. sau 15 ngày mất tích, bàn giao cho gia đình. “Vụ việc này có một số yếu tố phức tạp nên đã được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo, Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra”, lãnh đạo C02 nói.
Trước đó, chiều 5.6, N. đi xe khách vào TP.HCM sau khi được một người quen qua mạng xã hội liên lạc giới thiệu “làm việc nhẹ, lương cao”. Khi đến TP.HCM, N. gọi điện báo cho gia đình tìm được việc làm nhưng sau đó mất liên lạc. Gia đình N. đã vào TP.HCM tìm kiếm nhưng không thấy và đã đăng lên mạng xã hội tìm con. Đêm 13 và rạng sáng 14.6, gia đình N. hai lần nhận được điện thoại từ 2 số máy lạ yêu cầu “chuộc” N. với giá 70 triệu đồng.
Đức Huy - Thái Sơn
(còn tiếp)
Theo Trác Rin - Trần Duy Khánh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…