Nhọc nhằn vận động học sinh ra lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gánh nặng cơm áo khiến nhiều gia đình ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) ít có điều kiện quan tâm đến chuyện học của con em mình. Vậy nên, đội ngũ giáo viên ở đây kiêm luôn nhiệm vụ của phụ huynh, từ chuyện lên rẫy chở học sinh đến việc ra xã làm giấy khai sinh.

Con trai của chị Đinh Thị Phẻn (làng Brang-Đak-Kliết, xã Ya Hội) năm nay tròn 3 tuổi. Đúng quy định thì năm học 2021-2022, cháu sẽ vào mẫu giáo. Vậy nhưng khi giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang đến làng tuyển sinh, nhắc phụ huynh làm thủ tục nhập học cho con thì chị Phẻn mới nhớ cậu con trai Hlưng chưa có giấy khai sinh. Khi người mẹ trẻ còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì nhà trường cử giáo viên chở chị lên xã làm giấy khai sinh cho con trai. Cầm tờ giấy khai sinh của con, chị Phẻn bộc bạch: “Mình không biết là phải làm các loại giấy tờ ấy, cứ nghĩ đến tuổi là con đi học thôi. Cũng nhờ sự giúp đỡ của cô giáo mà gia đình mình còn làm xong thủ tục để nhận giấy hộ nghèo. Từ nay, khi đi học, con mình được hưởng các chính sách đãi ngộ theo quy định. Mình biết ơn các cô giáo nhiều lắm”.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang hướng dẫn chị Đinh Thị Phẻn (làng Brang-Đak-Kliết, xã Ya Hội) làm thủ tục nhập học cho con. Ảnh: Nguyễn Hiền
Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang hướng dẫn chị Đinh Thị Phẻn (làng Brang-Đak-Kliết, xã Ya Hội) làm thủ tục nhập học cho con. Ảnh: Nguyễn Hiền


Theo cô Nguyễn Thị Hồng Phụng-giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Pơ Lang, ở xã Ya Hội, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến chuyện học hành của con cái. “Năm nào đi tuyển sinh, chúng tôi cũng gặp vài trường hợp tương tự. Có nhiều gia đình, chúng tôi phải đến động viên nhiều lần thì phụ huynh mới đi làm thủ tục nhập học cho con. Ngoài ra, trong các năm học, chúng tôi thay phiên nhau tới từng nhà chở các em đến trường, thậm chí là chạy xe cả hơn 10 km vào rẫy chở học sinh ra lớp. Vất vả là vậy, nhưng chứng kiến các em được đến trường học tập, vui chơi và ngày một tiến bộ, chúng tôi thấy phấn khởi vô cùng”-cô Phụng chia sẻ.

Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Yang Bắc) có 9 lớp nhưng 6 lớp ở điểm làng, hơn 90% học sinh là người dân tộc Bahnar. Kinh tế gia đình khó khăn, nhiều nhà làm rẫy xa, trẻ thường cùng cha mẹ vào rẫy ở lại, nhất là trong dịp hè. Vì vậy, hàng năm, cứ đầu năm học mới, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai lại lặn lội vào nhà đầm để vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp. Nhiều lúc, giáo viên phải vào rẫy đón trẻ ra học vì phụ huynh bận việc đồng áng. Còn chuyện giáo viên giúp phụ huynh làm các loại giấy tờ liên quan để trẻ đi học đúng tuổi thì như cơm bữa. Cô giáo Trần Duy Soan My kể: “Cũng có trường hợp người dân sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, không có sổ hộ khẩu, trẻ sinh ra không có giấy khai sinh và không được hưởng chế độ chính sách. Với những trường hợp như vậy, giáo viên phải báo nhà trường liên hệ UBND xã tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục cho các em”.

Cô giáo Trần Duy Soan My (bìa trái) đang hỗ trợ phụ huynh có con trong độ tuổi làm hồ sơ nhập học. Ảnh: Nguyễn Hiền
Cô giáo Trần Duy Soan My (bìa trái) hỗ trợ phụ huynh có con trong độ tuổi làm hồ sơ nhập học. Ảnh: Nguyễn Hiền



Cô Lê Thị Minh Nguyệt-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai-cho hay: “Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phân công giáo viên đến tận nhà ở, nhà đầm để vận động, hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục nhập học cho con. Trong nhiều trường hợp, nhà trường phải cắt cử giáo viên cùng với phụ huynh đến trụ sở UBND xã làm các giấy tờ để các cháu được đến trường đúng độ tuổi. Nhờ vậy, năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100% kế hoạch”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Cảnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Pơ-cho biết: “Năm học này, tình trạng trẻ em đủ tuổi đến trường thiếu giấy khai sinh giảm nhiều so với những năm học trước đây. Nhờ đó, giáo viên các trường cũng đỡ vất vả hơn trong quá trình tuyển sinh. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số kịp thời làm giấy khai sinh và các giấy tờ khác liên quan để các cháu được đến trường đúng tuổi, được hưởng các quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng động viên giáo viên nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì sĩ số học sinh”.

 

 THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.