Nhọc nhằn trẻ đường phố mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm nay, trẻ em mưu sinh đường phố trên địa bàn TP Hồ Chí minh đã không là điều xa lạ gì nữa. Bên cạnh câu chuyện bát cơm manh áo, còn là không ít những cảnh tượng xót xa, nhức nhối. Trên các nẻo đường tấp nập và đêm khuya, những bóng bé nhỏ liêu xiêu, dật dờ đứng ngồi, lom khom, thấp thỏm... ngửa tay, giơ mũ xin tiền. Liệu có những đường dây chăn dắt, bắt các em phải trở thành những con rối bất đắc dĩ hay không?

“Diễn viên nhí”... xuống đường

Quốc Tuấn gầy rộc và đen nhẻm, duy chỉ có đôi mắt toát lên vẻ hoạt bát. Tuấn hành nghề được 3 năm nay. Mỗi đêm, Tuấn có mặt từ rất sớm tại phố Tây Bùi Viện, đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP Hồ Chí Minh, tranh thủ những vị khách còn trẻ qua lại, thấy lạ mắt, thích thú với màn phun lửa của cậu mà động lòng mở hầu bao. Đêm về, khách ở phố Tây đông đúc, Tuấn tập trung diễn xuất cho đến khi ánh đèn trong các quán bar, nhà hàng đã tắt. Để có thể phục vụ khách nước ngoài hiệu quả, Tuấn đã học tiếng Anh. Một vài câu nói “bồi” cũng khiến cậu lấy được cảm tình của những vị khách hiếu kỳ đó.

Những đêm ngậm xăng phun lửa sẽ gây ra hệ lụy xấu đến tinh thần và sức khỏe của các em.

Những đêm ngậm xăng phun lửa sẽ gây ra hệ lụy xấu đến tinh thần và sức khỏe của các em.

Rất khó để nói chuyện với Tuấn, bởi cậu bé phải liên tục phun lửa. Để có được câu chuyện chắp vá về lai lịch, chúng tôi phải trả thù lao cho khoảng thời gian nghỉ ngơi tâm sự của cậu. Tuấn cho biết, không nhớ mặt cha, còn quê mẹ ở Thủ Thừa, Long An. Hiện mẹ làm công nhân ở quê, Tuấn theo người anh cùng xóm lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh. Ban đầu, Tuấn đi bán kẹo cao su và tăm bông, nhưng luôn ế ẩm, không đủ tiền thuê nhà trọ. Ông anh định hướng Tuấn chuyển sang nghề phun lửa.

Những đêm khuya vắng tại chân cầu Kênh Tẻ, Q.4 nối với Q.7, Tuấn tập luyện phun lửa từ người bạn tên Minh, cùng 13 tuổi. Tuy hai đứa bằng tuổi nhau, nhưng Tuấn phải gọi Minh bằng anh vì Minh vào nghề sớm hơn và đã có vài đệ tử “chân truyền”. Nhóm của Minh hoạt động tại khu vực đường Hoàng Sa, Trường Sa, Q. Bình Thạnh. Mới đầu học nghề, Tuấn bị lửa táp vào miệng đỏ tấy, môi mọng như trái ớt, hai lỗ mũi cũng bị cháy đen nhẻm. Vài ngày sau, các vết bỏng ở môi và mũi bong ra khiến khuôn mặt Tuấn loang lổ, nhàu nhĩ như người bị bệnh.

Chỉ 3 ngày học, Tuấn “tốt nghiệp” và bắt đầu hành nghề mới. Để Tuấn vững vàng, tự tin, đích thân Minh đi cùng Tuấn trong một tuần đầu tiên. Minh làm mẫu trước, Tuấn làm theo, hai đứa “song kiếm hợp bích” ra những cuồng lửa đỏ lực ở khoang miệng, nhiều vị khách thích thú ồ lên, đặc biệt là những em nhỏ đi theo cha mẹ, chúng trố mắt nhìn màn trình diễn của hai đứa trẻ cùng trang lứa với thái độ ngỡ ngàng và lạ lẫm.

Nghề phun lửa mang lại cho Tuấn thu nhập khá hơn việc bán kẹo và tăm bông trước kia. Cứ xong một màn ngậm xăng phun lửa, người đi đường thả vào chiếc mũ vải của Tuấn vài đồng bạc lẻ. Nhiều người thương cảm, cho vài chục đến vài trăm ngàn.

Tiền kiếm được, Tuấn chia đều cho Minh và ông anh chung phòng. “Tại sao phải chia tiền của mình làm ra cho ông anh?”, chúng tôi hỏi. Tuấn gãi đầu phân bua: “Anh là người cưu mang em, dìu dắt em làm nghề, nếu không có anh thì em làm sao tồn tại được ở đây”.

Sau màn phun lửa, đứa trẻ bất chấp nguy hiểm lao ra giữa đường xin tiền.

Sau màn phun lửa, đứa trẻ bất chấp nguy hiểm lao ra giữa đường xin tiền.

Tuấn vui vẻ và hài lòng với điều đó, nên cậu không có bất cứ một suy nghĩ xấu nào về người anh của mình. Tuấn tiết lộ, Minh cũng vậy, đằng sau Minh và các đệ tử luôn có những người anh theo sát, quán xuyến, bảo vệ trước mọi rủi ro nghề nghiệp. Và đương nhiên, tiền kiếm được cũng phải chia ra. Ban ngày, Tuấn thường đứng ở đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 và đường dẫn vào cao tốc đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, Tuấn có thêm chị em của bé Na tạo thành một nhóm phun lửa, vé số và ăn xin. Tại giao lộ, Tuấn có nhiệm vụ phun lửa khi đèn đỏ dừng. Chị em bé Na len vào dòng xe đang đứng chờ đèn đỏ ngửa nón xin tiền, xong một đợt, chúng tụ lại với nhau chia tiền. Chúng tôi đã đứng hàng giờ để quan sát, tìm hiểu xem phía sau những đứa trẻ ở ngã tư ấy là ai, nhưng không thấy người lớn nào xuất hiện. Hỏi bé Na “cha mẹ đâu rồi?”. Na trả lời: “Mẹ con đi bán vé số ở quanh đây”. Bé Na có mẹ, chúng tôi bảo Na gọi mẹ lại để mua vé số. Na chạy dáo dác đi tìm nhưng không thấy. Ngay lúc đó, ông xe ôm bên cạnh buông lời: “Nó thấy người lạ hỏi thăm, trốn mất tiêu rồi!”.

Na bé như hạt lạc, cơ thể nhỏ hơn tuổi lên 6 của mình nhưng lại cứng cỏi, nhanh nhẹn và thạo việc.

Mỗi khi đèn xanh ở ngã tư đường bật sáng, Na ngồi trốn nắng ở cây cột đèn, đôi khi tranh thủ gục đầu xuống thiếp đi một lúc. Trên tay Na luôn cầm xấp vé số, nhưng em không bán được là bao. Đó có thể chỉ là trò ngụy trang để cho việc xin tiền của em được thuận lợi.

6 tuổi và có thể những năm tháng sau này, bé Na cũng vẫn làm cái nghề này. Na chưa hiểu được hoàn cảnh của mình và chuyện gì sẽ chờ đón em ở phía trước. Na chỉ biết mình có mẹ và một em trai mới sinh, mỗi ngày mẹ kéo em ra đường, dúi cho vài tờ vé số và chỉ vị trí đứng ở ngã tư đường, nơi dòng người đông đúc lướt qua. Có những hôm, Na phải trông em trai cả buổi để mẹ “đi công chuyện”. Những người đi đường thấy cảnh hai đứa trẻ nhem nhuốc, ôm nhau giữa trời, không khỏi động lòng thương xót, nhiều người muốn giúp đỡ chúng và tiền xin được cũng nhiều hơn một chút. Na cho biết, tiền kiếm được sẽ đưa cho mẹ hết, bản thân bé chưa biết đếm tiền và không phân biệt được mệnh giá tiền.

Tuấn quen Na vì hai đứa ở cùng xóm trọ nghèo ở Q.8. Cùng cảnh mưu sinh đường phố, hai đứa rất thân nhau. Từ ngày có Tuấn đi làm cùng, Na thấy vui hơn rất nhiều. Tuấn phun lửa, Na đi xin, đó cũng là cái cớ để người đời rủ lòng thương với bọn trẻ.

Để phun và chạm vào đúng ánh mắt của người đi đường, Tuấn phải ngậm dầu từ trước, một tay cầm sẵn cây bông gòn mồi lửa. Sau vài động tác, lửa phựt lên kéo dài thành một đường hoặc thành một chùm nhỏ. Cứ 1 ngụm dầu hôi, Tuấn lại trình diễn được 3-4 lần phun lửa và Na cũng từng ấy lần ngửa mũ xin tiền. Đó là quy trình mưu sinh mỗi ngày của những đứa trẻ đường phố.

Đằng sau những nỗi lo cơm áo gạo tiền

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Lê Văn Thinh cho biết, sở này sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc, chăn dắt, nhất là những đối tượng chăn dắt chuyên nghiệp, lưu động.

Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng ăn xin nói chung và trẻ em lang thang, ăn xin nói riêng. Trong công văn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan lao động, thương binh và xã hội, công an cùng các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang ăn xin. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếm thế và pháp luật về trợ giúp xã hội.

Đặc biệt, kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang ăn xin hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Em bé 5 tuổi phơi nắng ngoài đường đi xin.

Em bé 5 tuổi phơi nắng ngoài đường đi xin.

Trở lại việc trẻ em hành nghề phun lửa đường phố, theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và cộng đồng, lẽ ra cộng đồng cần hỗ trợ cơ quan chức năng làm rõ đối tượng đứng sau huấn luyện, tổ chức cho các em hành nghề nguy hiểm kiếm tiền trái phép để từ đó có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các em nhỏ cần được sự giúp đỡ để trở lại cuộc sống bình thường chứ không phải là sự bao che nhất thời để rồi lại tiếp tục trở thành công cụ kiếm tiền trong tay kẻ xấu. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em trong cộng đồng vẫn chưa thật sự đầy đủ, đúng đắn khiến cho trẻ em vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa.

Diễn biến thực tế từ sự việc trên càng cho thấy, để ngăn chặn tình trạng chăn dắt, bóc lột trẻ em rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, cán bộ chuyên trách, tổ chức, đoàn thể xã hội và vai trò không thể thiếu là sự hợp tác của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần phát huy ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện những sự việc, hiện tượng tiêu cực để báo cáo tới lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Thực tế, hành động chăn dắt, bóc lột trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là trái pháp luật, bất nhẫn, vô lương tâm, để lại những hậu quả nặng nề về tâm sinh lý cũng như sức khỏe của trẻ. Các em bị tước đi quyền học tập, quyền sống và vui chơi lành mạnh, làm cho trí tuệ phát triển lệch lạc, nhận thức méo mó, phải chịu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách. Bị đẩy vào cuộc mưu sinh khi tuổi còn quá nhỏ, các em sẽ sớm phải đối mặt với những hiểm họa khó lường như bạo hành, bắt cóc, lạm dụng tình dục... để rồi không ít trẻ đã bị rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao - Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175: Có một thuật ngữ trong y học nói về tình trạng tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến bệnh viêm phổi do biểu diễn múa lửa. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân hít hay bị sặc dung dịch xăng, dầu lúc ngậm vào miệng trong quá trình biểu diễn múa lửa. Bác sĩ Công lý giải, xăng, dầu có đặc tính trọng lượng phân tử nhẹ, dễ bay hơi, sức căng bề mặt thấp. Khi bệnh nhân bị sặc xăng, dầu vào đường hô hấp, chất này sẽ khuếch tán nhanh, gây tổn thương lớp nhầy của đường thở. Khi đó, xăng, dầu sẽ kích thích phản ứng viêm, gây tổn thương các niêm mạc, đặc biệt có thể gây tổn thương lan rộng màng phế nang mao mạch. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm phổi, thậm chí phù phổi, suy hô hấp. Bác sĩ Công cho biết đơn vị từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi do hít phải xăng, dầu. Một số triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí ho ra máu, sốt do phản ứng viêm. Đặc biệt, có trường hợp phải điều trị hồi sức do tình trạng viêm lan rộng ra hai phổi gây suy hô hấp cấp tính.

Bác sĩ Công khuyến cáo không nên ngậm hay biểu diễn xăng, dầu đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Bởi đây là hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi người bệnh hít hay nuốt vào đường hô hấp. Nếu nuốt xăng, dầu vào dạ dày có thể gây ngộ độc tiêu hóa, thấm vào máu gây tổn thương hay ngộ độc hệ thần kinh.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.