Nhớ thời ta đã yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày nay, khi trai gái yêu nhau 'đủ thứ kiểu' không còn là chuyện lạ, thì 4 thập niên trước, thanh niên xung phong chúng tôi bị ràng buộc cũng đủ thứ kiểu trong việc yêu đương, từ đó hình thành những chuyện tình khó quên.

Nhân 42 năm ngày thành lập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM (28-3-1976 - 28-3-2018), cùng nhìn lại một thời người trẻ yêu nhau.

 

Thanh niên xung phong xây dựng lán trại ở H.Củ Chi, TP.HCM (1976 - 1977).
Thanh niên xung phong xây dựng lán trại ở H.Củ Chi, TP.HCM (1976 - 1977).

Vượt qua số phận

Những năm đầu khi lực lượng TNXP được thành lập, chúng tôi bị “cấm yêu”. Lý do là phải tập trung tâm trí và sức trẻ để xây dựng đất nước sau bao năm bị chiến tranh tàn phá, chuyện yêu đương để qua một bên. Bước vào thập niên 1980, chuyện yêu đương được “nới lỏng”, thỉnh thoảng có đội viên TNXP cưới vợ, lấy chồng. Lúc này tôi đang tại ngũ ở Nông trường Đỗ Hòa, đóng trên địa bàn H.Cần Giờ, TP.HCM và chứng kiến vài cuộc tình éo le.

“Cuộc tình khó phai” đầu tiên phải kể đến chuyện chị Võ Thị Bạch Tuyết (Hai Tuyết), Giám đốc Nông trường Đỗ Hòa (trước khi về hưu là Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), “phải lòng” bác sĩ Thiều Hoành Chí - Trưởng trạm y tế nông trường. Chị Hai Tuyết là đảng viên, trong khi bác sĩ Chí lại là cựu sĩ quan quân y Việt Nam Cộng hòa (VNCH), chẳng môn đăng hộ đối chút nào cả. Suốt mấy năm trời đấu tranh cho “lý lẽ của con tim” và bao phen “lên bờ xuống ruộng”, mãi đến năm 1985, cuối cùng họ cũng được Đảng ủy lực lượng TNXP và Thành ủy TP.HCM cho phép cưới nhau. Tiệc cưới được tổ chức ghép chung trong đám cưới tập thể dành cho 3 cặp mà cô dâu - chú rể đều công tác ở Nông trường Đỗ Hòa.

Một cặp nữa cũng éo le không kém là tình cảnh của chị Trần Thị Tiếng Thu và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chị Tiếng Thu cũng bị “bầm dập” không thua gì chị Hai Tuyết, song may mắn là cuối cùng họ cũng cưới nhau. Tuy nhiên, yêu nhau rồi quyết định tiến đến hôn nhân dù có khác biệt về “màu của lý lịch” không phải lúc nào cũng suôn sẻ với cái kết đẹp...

 

Tác giả thời tại ngũ thanh niên xung phong.
Tác giả thời tại ngũ thanh niên xung phong.

Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen

Nhà thơ Nam Thiên có viết bài Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen nói về chuyện tình của một phó giám đốc Nông trường Đỗ Hòa kiêm bí thư chi bộ, “lý lịch đỏ” phải lòng cô y tá tên Lê Thị Ánh Vân, công tác tại Trạm y tế nông trường. Ngặt nghèo ở chỗ y tá Vân có “lý lịch đen”: bố là cựu sĩ quan quân đội VNCH đang học tập cải tạo. Y tá Vân cũng có cảm tình với anh này nhưng hai người không thể tiến tới hôn nhân vì gia đình bên anh ấy phản đối quyết liệt (hoàn cảnh này đã được nhà văn TNXP Nguyễn Đông Thức đưa vào truyện Ngọc trong đá, sau đó dựng thành phim cùng tên). Do đó hai người đành ngậm ngùi... chia tay tình đầu.

Y tá Vân có gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi, tận tụy với công việc, sống chân thành với đồng đội. Tôi có một ấn tượng khó quên với y tá Vân, không phải chuyện yêu đương. Đó là vào năm 1981, tôi nằm điều trị bệnh sốt rét tại trạm xá nông trường. Giữa khuya nọ, trời tối đen như mực, tôi lững thững bước ra đứng cạnh cái ao trước trạm xá để... tè (do không đủ sức “lết” ra đến nhà vệ sinh cách trạm xá vài chục mét). Vừa đứng được chút, mặt mày tôi xây xẩm, chân không vững, lảo đảo, người chồm về phía trước chuẩn bị cắm đầu xuống ao nước sâu thì có ai đó ôm tôi kéo lại, dìu vào trạm xá. Người đó chính là y tá Vân. Nếu y tá Vân không thức canh chừng bệnh nhân, có lẽ tôi đã ra người thiên cổ từ dạo ấy rồi. Với tôi, cô ấy là ân nhân.

Vài năm sau, y tá Vân kết hôn với anh Đoàn Viết Cường (biệt danh Cường “Ruồi”) - một cán bộ đại đội thuộc Nông trường Đỗ Hòa. Ba của Cường “Ruồi” cũng là một cựu sĩ quan quân đội VNCH.

Những vụ “xé rào”

Ngoài những cuộc tình “sóng gió” mang đậm tính lãng mạn, trong môi trường TNXP thời ấy vẫn có chuyện “ăn cơm trước kẻng”.

Vụ “ăn cơm trước kẻng” đầu tiên mà tôi biết xảy ra vào năm 1979 tại Tổng đội 4 TNXP, đóng quân ở Nông trường Phạm Văn Cội, H.Củ Chi, TP.HCM.

Sau khi phục vụ chiến đấu trên chiến trường Campuchia trở về lại nông trường, đơn vị phát hiện có một đồng chí nữ “mang ba lô ngược”, bụng ngày càng to. Thấy chuyện chẳng lành, Ban chỉ huy liên đội kêu lên giải trình và sau đó biết được “tác giả”. Tiếp theo Ban chỉ huy tổng đội mời cặp đôi này lên giải quyết loại ngũ cả hai người, kèm 2 điều kiện bắt buộc: Một, phải nhanh chóng về Sài Gòn làm hôn thú và tổ chức đám cưới ngay. Hai, mời đại diện của tổng đội dự tiệc cưới, để chắc chắn anh chàng kia không “bỏ bầu chạy lấy người”. Rất vui là mọi chuyện sau đó diễn ra đúng như dự kiến.

Chuyện thứ hai diễn ra tại Tổng đội 6 TNXP, đóng quân trên địa bàn H.Đăk Mil, tỉnh Đắk Lắk (nay thuộc tỉnh Đắk Nông).

Tổng đội 6 đóng quân sát một buôn làng người dân tộc thiểu số. Lâu ngày bén rễ, vài anh TNXP, trong đó có một đại đội trưởng, quan hệ trên mức tình cảm với các cô gái dân tộc, khiến họ... mang bầu. Biết chuyện, người cha dắt con gái sang gặp Ban chỉ huy tổng đội để khiếu nại. Cha cô gái ra hai điều kiện bắt buộc: Một là, phải cưới cô gái rồi ra sống chung với đồng bào dân tộc. Hai là, nếu không cưới thì phải “bồi thường danh dự” bằng... 2 con voi.

TNXP thời ấy nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra tiền mua 2 con voi, thế là “người ấy” của cô gái phải chọn giải pháp thứ nhất, nhận quyết định xuất ngũ, ra ở rể nhà cô gái chuẩn bị làm mẹ (đa số người dân tộc ở Tây nguyên theo chế độ mẫu hệ). Tính đến đầu thập niên 1990, có ít nhất 3 trường hợp TNXP như vừa nêu, đều “xin chọn nơi này là quê hương”, đóng khố làm nương rẫy cùng đồng bào dân tộc, nhìn chẳng ai nhận ra đó là người Kinh quê ở Sài Gòn.

Đoàn Xuân Hải/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.