Nhớ sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tiếng gọi “ơi đò” chợt vang lên, đưa tôi về bến cũ ngày xưa. Tôi thả bước ra phía bờ sông. Con sông chảy qua làng, uốn một nét mềm mại nên thơ. Tôi thầm lặng men theo từng kỷ niệm. Này là bãi bồi ngút ngát màu xanh của bắp, của khoai. Này là con đê trườn đi trong sương mù, những cụm cỏ non nhú mầm dưới nắng sớm. Còn phía xa xa kia, là vạt lau ken dày, vươn ngọn trắng ảo mờ lẫn cùng bóng hoàng hôn, là cánh đồng lúa mênh mông, chấp chới bóng cò trắng bay về núi xa.

Tôi đứng dưới tán cây bằng lăng, sắc tím bời bời, đậu đầy lối đi. Dòng sông vẫn êm trôi, con sóng bao nhịp nhớ thương, chở bao thăng trầm qua xóm làng, hắt lên những phận đời. Con sông đã gánh mang và lưu giữ trong lòng bao huyền tích về một vùng quê, bao tâm trạng của những con người sinh ra và lớn lên ở đấy, để khi đi xa vẫn bồi hồi, lưu luyến.

Tối nhìn qua bên kia cù lao, thấy ngăn ngắt một màu xanh của tre, của hoa màu vòng quanh như cánh cung khổng lồ. Chỉ cách nhau con lạch do dòng sông quặn mình rẽ ngoặt vào trận lũ năm xưa, nối với phố xá đông vui bằng một con đường nhỏ, hai bên lau sậy um tùm mà cù lao vẫn giữ được nguyên trạng của linh hồn lặng lẽ từ thuở khai sinh.

Tôi đã từng qua bên đấy, gặp những cư dân sinh sống bình yên dưới những nếp nhà. Họ canh tác hoa màu trên những bãi bồi, họ vỡ hoang từng mảnh đất từ những triền lau xâm lấn. Qua năm tháng với bao đổi thay, người dân cù lao vẫn bền bỉ, yêu thương và gắn bó với cuộc sống giữa bao la con nước.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Một chiều thảnh thơi hiếm hoi trong chuỗi ngày với bao lo toan công việc và gia đình, tôi đi dọc con đường rộng rãi mới mở ven sông. Con đường mang tên quần đảo thân yêu của Tổ quốc, được trồng nhiều hoa và những tiểu cảnh nối dài. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm trước khung cảnh tươi mới của quê hương. Nhận ra con sông hiền hòa vốn dĩ đã lắng đọng trong sâu thẳm lòng mình, gợi khơi trong niềm nhớ miên man về khởi nguồn của nó, về hành trình hướng biển.

Nếu ngắm kỹ, mới phát hiện con sông luôn đổi thay theo bốn mùa. Một bến nước xôn xao dưới bóng cây mùa hè, vài con đò cắm sào nghỉ ngơi, điệu hò miên man, trôi êm đêm trăng. Cả những nhọc nhằn của những người cào don, đánh cá phía cuối dòng sông... Ấy là điều dung dị, thiết thân có phần ưu tư nhưng lại lan tỏa được ý niệm về một vùng sông nước, nuôi dưỡng được cốt cách và tâm tình của người dân nơi đây.

Ngày còn bé, tôi từng nghe ông bà kể lại người dân hai bên bờ nhờ uống nước sông mà lớn lên, trưởng thành, để rồi cái ngọt mát ấy luôn đằm dịu trong tâm hồn, khiến đi xa vẫn mãi hoài niệm. Tôi đã tin điều ấy, ít ra khi những kỷ niệm tuổi thơ còn neo trong tiềm thức về những lần trốn mẹ ra sông tập bơi, lặn ngụp, những buổi chiều thả bò ven sông, tồng ngồng lao người xuống tắm. Rồi cả khi nhìn sự trù phú của hoa màu trải khắp bờ bãi, những ngôi nhà khang trang ở phố mới vừa mọc lên. Con sông từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người.

Tôi đã từng thức cùng sông trong một đêm trăng, lắng nghe từ xa xưa tiếng hò vang vọng cùng tiếng dầm khua nhịp đuổi cá. Ngàn lau trắng phơ phất. Cù lao ẩn mình giữa bóng tối thâm u. Tất cả dội lắng vào tâm tư những gì gắn bó, khó buông rời. Lặng thầm đi trong niềm nhớ, nhìn con nước liu riu, từng đợt sóng vỗ nhẹ vào bờ mà thốt lên rằng... chảy đi sông ơi!

Có thể bạn quan tâm

Mùa trâm chín

Mùa trâm chín

(GLO)- Thấy cô bạn chia sẻ hình ảnh những quả trâm chín đựng trong chiếc nón lá với dòng status “Tuổi thơ dữ dội”, lòng tôi trào dâng bao hoài niệm. Những quả trâm chín tím mọng kia chính là một phần của tuổi thơ tôi.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...
Tháng ba này hoa gạo nơi đâu?

Tháng ba này hoa gạo nơi đâu?

(GLO)- Với tôi, ký ức một loài cây đến từ những câu chuyện cuộc đời. Ký ức ấy không chỉ là bóng mát, là lá phổi xanh cho sự sống của con người mà còn là chốn neo đậu biết bao tâm hồn yêu thiên nhiên.

Sắc màu tháng ba

Sắc màu tháng ba

(GLO)- Dấu chân thời gian đang chạm dần vào vạch cuối của mùa xuân để chào đón mùa hạ. Khoảnh khắc nhấn nhá này rắc lên thiên nhiên những mảng màu sống động đầy mê hoặc trong sắc màu tháng ba.