Nhớ những con dốc mù sương nơi phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ba mẹ sinh tôi ra ở phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) với những con dốc điệp trùng. Nơi mà hằn sâu trong ký ức tôi, người ta không định vị con đường bằng tên mà thay bằng những con dốc: dốc Diệp Kính, dốc Văn Cả, dốc Lò Bò, dốc Hàm Rồng...
Cái tên Diệp Kính hiện lên trong tôi qua lời kể của mẹ rằng đấy là rạp chiếu bóng, nhóm bạn mẹ thời thanh niên thường hò nhau đạp xe từ Chư Á lên đến con dốc đó vào cuối tuần để xem phim. Nơi đó trở thành địa điểm sôi động bậc nhất Pleiku.
Năm 3 tuổi, ông nội dắt tôi đi học trên con dốc nhỏ hẻm Sư Vạn Hạnh mỗi ngày. Sáng tinh mơ, khi sương còn phủ từng lớp lờ mờ, bà cụ bán cà phê đầu hẻm còn đang bận bịu với mớ phin cà phê nghi ngút khói. Con dốc này vừa nhỏ lại còn cao, hầu như chẳng thấy ai đi xe máy vào bao giờ. Người ta toàn đi đường vòng bằng con dốc khác rộng hơn để lái xe vào nhà hoặc nếu về nhà lấy đồ gì thì sẽ nhờ bà cụ bán cà phê trông hộ cái xe một lúc. Thời đó, bà tôi hay để đồ ăn thừa vào một cái xô nhỏ, chờ bà Tám hàng xóm sang lấy về nấu lại cho bầy heo ăn. Mỗi lần bà Tám sang, tôi đều thấy bà mang quang gánh, nhẹ nhàng trút thức ăn thừa vào cái xô rồi quảy đi. Nhìn dáng bà khom khom quảy hai xô nước cơm lên con dốc đến là thương!
Năm 18 tuổi, chúng bạn thường cùng tôi rong ruổi khắp những con dốc ở Pleiku bằng chiếc xe đạp Satin. Chúng tôi thường hò hẹn trên con dốc Diệp Kính hoặc trước cổng Nhà sách Nhân Dân. Thời ấy, làm gì có đứa học trò nào không biết những điểm hẹn này, dù rằng chúng tôi chẳng rõ 2 địa điểm này đã xuất hiện tự bao giờ. Giữa cái nắng trưa gay gắt của mùa khô, phố xá xe cộ tấp nập qua lại, tôi ghì bàn đạp chở cô bạn thân ngồi sau. Nó vừa cầm sách đọc to lên cho tôi nghe, rồi 2 đứa cùng lặp lại. Tháng năm ấy có bận rộn gì đến nỗi không thể học bài ở nhà. Nhưng ký ức học bài cùng bạn mình đã cùng tôi lên xuống những con dốc như thế đấy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Năm 22 tuổi, chuyến xe chở tôi lăn bánh ra khỏi thành phố nhỏ đến thành phố lớn hơn… để lập nghiệp. Tôi nằm trên xe nước mắt chảy dài, khi nhìn dòng xe bên dưới chuyển động. Tôi đang từ từ rời xa Phố núi thân thương, những con dốc nối đuôi nhau đưa tôi xuống đồng bằng. Người ta không còn gọi những con dốc ấy bằng cái tên riêng lẻ mà gọi chúng thành đèo Mang Yang, đèo An Khê. Đường đèo quanh co, đen đặc màn đêm nhưng không thiếu những chiếc xe khách, xe tải qua lại từng giờ. Lúc đầu, toàn những chiếc xe biển số 81 lướt qua, sau đó thưa dần rồi thay bằng những con số lạ lẫm với tôi. Cảm giác xa lạ, đơn độc ập đến khiến bao nhiêu dũng khí của tôi không cánh mà bay. Tôi bắt đầu phân vân: “Hay là sáng mai bắt xe về lại thôi”.
Dần dà, tôi nhận ra càng lớn tôi càng phải đi qua những con dốc rộng hơn, xe cộ đông đúc hơn. Người ta chen chúc nhau nhiều hơn, nếu tôi sơ sót một khắc thì không chỉ tôi mà người khác cũng nguy hiểm. Những con dốc dần hiện ra như đường đời, lúc nhỏ thì ông nội dắt tay đi trên con dốc hẻm nhỏ, sau này có thêm bạn cùng đèo nhau 2 buổi sớm chiều đến trường. Khi trưởng thành, tôi nhận ra đã đến lúc phải tự đi một mình, cho dù sợ hãi, hiểm nguy bủa vây thì cũng phải tiến lên phía trước. Những con dốc thân thương ở Phố núi dạy tôi rằng lúc đi lên có thể mệt, vất vả bù lại thì khoảnh khắc đi xuống sẽ được thoải mái hơn, nhưng thoải mái cũng sẽ đi kèm một chút nguy hiểm nếu tôi không chú ý.
Nhớ những con dốc mờ sương ở phố núi Pleiku.
AN HẠ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.