Chỉ còn lại số ít nghệ nhân vẫn còn hành nghề đánh bóng, sửa chữa đồ đồng ngay tại phố nghề này. Nghề xưa cũ nhưng họ vẫn kiên trì và biết áp dụng các kỹ năng mới nên việc kinh doanh vẫn phát đạt…
Đánh bóng “ký ức”
Chúng tôi đến “cửa hàng Tùng Bách” nằm trên phố Hàng Đồng vào một buổi sáng mùa cuối thu. Đây là cửa hàng của một trong hai nghệ nhân đồ đồng còn đang gắn bó với nghề trên phố nổi tiếng về đồ đồng này. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, nghệ nhân Nguyễn Công Sơn mang bộ hạc, đỉnh, lư hương, chân đèn bằng đồng vàng ra trước cửa hàng làm bóng.
Trên tay ông là chiếc khò gas cầm tay. Ngọn lửa xanh đỏ liếm đều qua từng chi tiết. Sau khi khò lửa là đến công đoạn sơn bóng. Đôi bàn tay thoăn thoắt xịt đều từng lớp sơn khiến bộ sản phẩm trở nên sáng choang, chói sáng cả một góc phố.
Nghệ nhân chuẩn bị bước sang tuổi 52 nhưng mái tóc vẫn đen bóng, làn da căng và săn chắc. Vừa phủ xong lớp bảo quản độ bóng, ông Sơn cho hay: “Phải tranh thủ trời nắng ráo thì mới làm bóng đồ đồng được. Nắng thì đồng nhanh khô và bám đều, giúp độ bóng đẹp và bền hơn. Nếu trời mưa, độ ẩm cao, khi mang đồ đồng ra phơi còn có thể bị xỉn màu đi”.
Để chúng tôi dễ hình dung, ông cho xem ảnh chụp trên điện thoại về bộ hạc, đỉnh, lư hương trước khi được ông làm bóng. Bộ đồ đồng trong ảnh han gỉ, tối sầm. Ông đã cho ngâm chất tẩy rửa trong một ngày để làm sạch rồi đưa đi đánh bóng bằng máy đánh bóng cầm tay. Cuối cùng, bước khò lửa giúp đồng “toát mồ hôi” và phủ lớp bảo quản độ bóng, làm cho sản phầm bền hơn.
Đối với những trường hợp đồ đồng để quá lâu, phần gỉ ăn sâu vào trong sẽ khiến bề mặt bị rỗ. “Nếu người thợ không cao tay thì xử lý sẽ không đạt yêu cầu. Không thể đắp đồng mới vào các chỗ gỉ, vì như thế đồng mới, đồng cũ sẽ bị trộn lẫn, khiến màu đồng không được đẹp. Để xử lý được, phải cần đến đôi tay khéo léo, nhuần nhuyễn của người thợ lâu năm trong bước đánh bóng”, ông Sơn lý giải.
Những sản phẩm do khách mang đến làm mới cũng rất đa dạng về giá trị, mẫu mã. Có những sản phẩm là đồ thờ cúng, hay những cổ vật, kỷ vật được truyền lâu đời. Đối với ông Sơn, mỗi sản phẩm mà khách hàng mang đến đều có những câu chuyện riêng. Đó cũng là những giá trị khiến ông càng thêm trân quý nghề. “Có khách mang đến ống nhổ bằng đồng của người thân đã mất, hay có những bộ đồ thờ lâu năm mà ngày xưa phải tích cóp dần mới mua được. Nhiều sản phẩm cũ có khi công làm lại còn cao hơn cả giá mua mới, nhưng họ vẫn quyết tâm sửa. Khi làm sạch, phục hồi về nguyên trạng giúp khách hạnh phúc cũng khiến mình vui lây”, ông Sơn nói.
Tuy vậy, với những sản phẩm đồ đồng đã cũ kỹ thì việc làm bóng cũng chỉ là công đoạn cuối cùng. Nhiều sản phẩm trải qua thời gian dài đã không còn nguyên vẹn, gãy, móp, méo, người thợ phải tiến hành phục chế. Đối với ông Sơn, việc phục chế này không khó khi đã nắm chắc nghề trong tay. Móp, méo thì có thể hàn, gò lại được và làm lại như mới. Khó nhất là xử lý những vật dụng làm bằng chất liệu dễ vỡ như thủy tinh, pha lê, gốm sứ có phủ đồng lên trên. Đây thường là đồ có nguồn gốc châu Âu. Những sản phẩm như thế, không cẩn thận là có thể rơi vỡ ngay. Vì vậy, trước khi sửa chữa, ông Sơn cũng phải khéo léo ra hẹn trước với khách, chẳng may có sai sót gì thì sẽ đền bằng những sản phẩm tương tự. Nếu khách đồng ý, ông mới nhận làm.
Làm mới nghề cũ
Sau khi lớp phủ bảo vệ bóng của bộ hạc, đỉnh, lư, hương đã khô, ông Sơn tỉ mỉ bọc lại bằng lớp ni lông chống sốc rồi đưa vào trong một góc riêng của cửa hàng, chờ khách đến lấy. Cửa hàng rộng chừng 20 mét vuông, bày cơ man các sản phẩm tranh, chiêng, chuông, lư, hoành phi, câu đối, tượng... được đúc, gò từ đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc phục chế, ông Sơn còn sáng tạo các sản phẩm bằng đồng mới đáp ứng nhu cầu trang trí và phong thủy của khách. Những bức tranh đồng như “Thuận buồm xuôi gió” gắn đồng hồ hay hoành phi với chữ “đức lưu quang” (Công đức tổ tiên sáng mãi)... đều do chính tay ông làm và được treo trang trọng ở vị trí trung tâm của cửa hàng.
Ông Sơn kể, ông và hầu hết những người làm đồng trên phố Hàng Đồng xuất thân từ làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1919, người làng đã chuyển lên đây lập nghiệp và phát triển nghề, biến nơi này thành phố sầm uất, chuyên cung cấp mâm, xoong, nồi, chảo... đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Đến đời ông Sơn đã là đời thứ tư tiếp nối truyền thống này. Ngay từ khi 8 tuổi, ông Sơn đã được nhìn ông, bố làm nghề và được tiếp xúc với gò, chạm đồng. Đến năm 14 tuổi, ông quyết định nghỉ học để dành toàn bộ thời gian cho nghề, gắn bó với nó đến bây giờ.
Nhưng nghề cũng dần mai một đi. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, hễ lên phố Hàng Đồng, tiếng đe, búa nện, gò đồng leng keng, ầm vang cả dãy phố. Giờ đây, không khí vui nhộn đó đã không còn, nhường chỗ cho sự xô bồ của phố xá. Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng khiến cho nhiều nghệ nhân rời bỏ nghề truyền thống, mở rộng buôn bán đa dạng các sản phẩm từ khắp các làng nghề. Phần cũng vì làm nghề gò đồng xưa vất vả. Từ những miếng đồng to, dày người thợ phải gò cho đến khi mỏng dẹt. Xong đâu đấy, người ta gò để tạo hình mâm, xoong... Mỗi sản phẩm phải mất đến vài ngày cho đến cả tuần. “Nay thì đồng miếng có đủ kích thước, trọng lượng nên nhàn hơn. Ngoài ra, thợ còn được hỗ trợ bởi máy cán và các máy móc khác nên sản phẩm cũng đẹp hơn. Mừng nhất là đồ đồng vẫn được nhiều người ưa chuộng”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, hầu hết những cháu nhỏ ở làng nghề Đại Bái đã được tiếp xúc với nghề từ nhỏ. Các cháu nhỏ thường phụ giúp người lớn về công đoạn chạm, khắc theo mẫu được dán sẵn. Mỗi cháu có thể kiếm thêm được 200, 300 nghìn đồng/ngày. Vì thế, nghề đồng tại làng Đại Bái vẫn phát triển và duy trì đều đặn.
Nhiều năm trong nghề nên ông Sơn có lượng khách quen rất đông, từ khách trong nước đến khách nước ngoài. Hễ cứ có đồ đồng cần phục chế, làm mới hoặc muốn mua mới đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng là họ tìm đến. Tuy nhiên, vì đặc trưng của việc phục chế, làm bóng hay bán các sản phẩm đồ đồng này có độ bền với thời gian lâu, nên một sản phẩm cứ sửa, bán là coi như xong, ít khi phải chăm sóc, bảo dưỡng lại lần nữa. Vì thế, việc tìm kiếm khách hàng mới liên tục cũng rất quan trọng. Hiện ông Sơn mở thêm một cửa hàng nữa ở trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) để bày bán các sản phẩm của ông và các làng nghề làm ra. Tại đây, ông cũng quảng cáo để nhận sửa chữa, làm bóng, và nhận sản xuất đồ theo yêu cầu.
Ông cũng đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá và được đông đảo khách hàng đón nhận. Dù là nghề xưa cũ nhưng nhờ kiên trì, áp dụng các cách làm mới nên ông vẫn “sống khỏe” giữa đất Thủ đô.
(Còn nữa)
Theo Thành Đạt (TPO)