Nhàn đàm: Khúc hát mưa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một buổi sáng tỉnh dậy, bỗng nhiên thấy xung quanh là lạ.

Có tiếng thì thầm như ai gọi nhỏ, tiếng gọi êm dịu như tiếng hát tơ đồng mỏng manh từ xa xa đang gần lại, khiến ta vén sợi tóc mai xõa trên vầng trán bé thơ, rón rén lại gần cửa sổ. Và kìa, khoảnh sân nhà với những viên gạch lót khô lạnh bạc trắng heo may mấy hôm trước, nay thẫm lại mềm mại, đầm đậm, ướt nhòa. Và kìa, góc vườn nhỏ với khoảnh hạt cánh bướm vừa gieo lên xanh như mạ non, vài cụm cúc susi đỏ đậm boọc đô, mấy nhành địa lan trổ lá nõn căng với chùm nụ trắng tinh đã ấp ủ từ hôm trước... đang phủ đầy một thứ ngọc trai li ti thầm lặng hân hoan.

Và kìa, mưa xuân. Mưa li ti trên những mảnh vườn xanh lúp xúp bắp cải, su hào, xà lách… Mưa lâm râm trên những bụi mùi già trổ hoa trắng xốp như mây. Mưa thơm thơm mùi cơm vừa thổi chín, tỏa khói từ nơi bếp ấm. Mẹ đi làm về tóc phủ lớp mưa bạc long lanh. Tôi chạy ra đón mẹ, đôi má ửng hồng từ những hôm nắng hanh còn chưa hết nẻ…

Đó là mưa trong ký ức của tôi.

Mỗi khi nghĩ đến mưa xuân, tôi luôn nhớ giai điệu bản nhạc Khát vọng mùa xuân của thiên tài âm nhạc Mozart, mà nhạc sĩ Phạm Tuyên dịch lời với những câu đầu tiên vui tươi, gọi mời “Này mùa xuân ơi đến mau đây, để cho thêm xanh lá cây rừng”. Ngày nhỏ, có lần cô giáo dạy nhạc của tôi bảo: các em hãy nhắm mắt lại, hãy lắng nghe xem, có thấy từng bước chân mùa xuân đang lại gần theo từng nhịp, từng nốt nhạc dìu dặt khoan thai? Và tôi nhắm mắt lại, hình dung… Không hiểu sao khi đó, dẫu bản nhạc xuất xứ từ trời Âu nhưng tôi lại nghe thấy tiếng mưa xuân - mưa phùn, trong tiết trời rét ngọt của đồng bằng Bắc bộ. Tiếng mưa mỏng manh thầm thì, khẽ khàng trên tóc, trên áo, trên mặt tôi tê tê lạnh lạnh, và lan ra nhuốm vào hết thảy vạn vật xung quanh. Trong một khoảng không gian đầy yêu thương của khu vườn tuổi thơ, tôi thấy từng nhánh cây đang âm thầm chuẩn bị cho một điều gì đó hệ trọng. Bởi âm thầm, ấp ủ, nên một sớm mai khu vườn bật nảy những chồi non - những nốt nhạc tí tách reo vang. Mùa xuân, những chiếc lá bung trổ trên cành như mắt trẻ thơ, trong dịu dàng lời ru mưa bụi…

Những ngày cuối năm âm lịch, con gái nhỏ của tôi có dịp ra Hà Nội ăn tết với ông bà sau những ngày xa cách vì đại dịch Covid-19. Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng, con gái tôi vô cùng thú vị khi biết đến một mùa rét ngọt của Hà Nội, được ngắm mưa bay bay ngang mặt nước Tây hồ, được biết đào phai, bích đào ửng hồng trong giá rét… Đó là điều thú vị của con gái, còn với tôi, thật tuyệt vời khi được sống trên dải đất hình chữ S, ở nơi mai vàng nắng biếc ngày xuân vẫn được tương tư những hạt mưa phùn.

“Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng…”, những khúc hát mưa xuân vẫn vang lên dịu dàng nơi góc phố Sài Gòn ngày nắng tràn, mây trắng, trời xanh.

(*) Lời ca khúc Lắng nghe mùa xuân về của nhạc sĩ Dương Thụ.

 

Theo Hạ Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...