Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi bất cập hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn đến người lao động mất việc làm. Vì điều kiện gia đình khó khăn, một số người lao động đã lựa chọn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần dù biết lựa chọn này thiệt hại về lâu dài.
Gia tăng số người nhận BHXH một lần
Là giáo viên hợp đồng, chị Nguyễn Diệu Linh (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tham gia đóng BHXH hơn 4 năm. Vừa qua, vì lý do khách quan nên chị Linh đã xin nghỉ việc và nhận BHXH một lần được hơn 30 triệu đồng.
Chị chia sẻ: Cán bộ BHXH tỉnh giải thích cụ thể về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình khó khăn nên tôi đành phải làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần để có khoản tiền trang trải trước mắt. Sau này, khi có công việc ổn định, tôi sẽ tiếp tục tham gia đóng BHXH.
Cán bộ BHXH tỉnh tư vấn, hướng dẫn người dân các thủ tục, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ BHXH tỉnh Gia Lai tư vấn, hướng dẫn người dân các thủ tục, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Những tháng đầu năm 2021, số trường hợp nhận trợ cấp BHXH một lần tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Ông Lê Tiến Mạnh-Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) thông tin: Từ ngày 1-1-2021 đến 25-5, toàn tỉnh đã có 2.253 người nhận BHXH một lần với tổng số tiền khoảng 72 tỷ đồng, tăng 17,28% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số đơn vị, doanh nghiệp phải ngưng sản xuất hoặc thu hẹp hoạt động dẫn đến cắt giảm lao động khiến nhiều người mất việc làm. Bên cạnh đó, tìm kiếm việc làm thời điểm này cũng gặp khó khăn, khiến người lao động không có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH. Do vậy, họ chọn nhận trợ cấp BHXH một lần dù biết thiệt thòi. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh đã tuyên truyền, giải thích, tư vấn về những thiệt hại khi nhận trợ cấp BHXH một lần, nhất là khi hết tuổi lao động. Qua tuyên truyền, một số người tiếp tục tham gia đóng BHXH”-ông Mạnh cho hay.
Lợi trước mắt, thiệt hại lâu dài
Việc người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ ra khỏi hệ thống BHXH. Điều này không chỉ quyền lợi của họ bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội và việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.
Ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết: Người lao động nhận BHXH một lần sẽ bị thiệt thòi bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám-chữa bệnh, nằm viện thời gian dài có thể phải đối mặt với tình trạng kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Trong khi đó, nếu được hưởng chế độ hưu trí, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ BHXH chi trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các quyền lợi về khám-chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết; đồng thời, thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần. Một số thiệt thòi khác đối với người lao động khi nhận trợ cấp BHXH một lần là khi tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng trước đó. Điều này dẫn đến việc khi đủ tuổi nhận lương hưu có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH hoặc đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu nhưng tỷ lệ hưởng sẽ không cao.
Người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Ảnh: Như Nguyện
Người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Ảnh: Như Nguyện
Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay: Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của chính mình. Khoản tiền này không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng. Người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định bằng hoặc lớn hơn mức hưởng BHXH một lần.
Hiện nay, với mức đóng hàng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Nếu người lao động nhận BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
“Với những thiệt thòi nêu trên, người lao động cần cân nhắc, thận trọng khi nhận BHXH một lần. Tốt nhất là nên bảo lưu thời gian đóng BHXH và khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia để khi về già, đến tuổi sẽ được hưởng lương hưu, chế độ chăm sóc sức khỏe BHYT cũng như được hưởng các chính sách ưu việt về an sinh xã hội”-Phó Giám đốc BHXH tỉnh khuyến cáo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).