Nhà sàn "biết đi" ở Pơ Nang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xếp vòng quanh nhà là hàng chục người đàn ông khỏe mạnh, thanh niên trai tráng được bố trí ở các cột nặng. Họ đồng thanh hô vang “một, hai, ba lên nào” rồi nhấc bổng ngôi nhà nặng hàng tấn đến vị trí mới, cách vị trí cũ hàng chục mét. Đây là cách người dân làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê) dời nhà, chung tay xây dựng làng nông thôn mới.
Chung tay di dời nhà
Làng Pơ Nang có 59 hộ với 249 nhân khẩu, trong đó, người Bahnar chiếm trên 90%. Để xây dựng làng nông thôn mới, chính quyền địa phương và người dân phải di dời 23 ngôi nhà sàn nhằm sắp xếp, bố trí theo quy hoạch. Trong số này có 17 căn được di dời từ nơi ở cũ sang vị trí mới và 6 căn xây mới. 
Từ sáng sớm, vợ chồng anh Đinh Văn Huyền đã gọi các con dậy để dọn dẹp đồ đạc, sắp xếp quần áo đưa ra ngoài. Anh Huyền bộc bạch: “Gia đình mình sẽ được các hội, đoàn thể, lực lượng dân quân xã và bà con trong làng giúp di dời ngôi nhà sang vị trí mới cách nơi ở cũ hơn 20 m. Do đó, vợ chồng mình lo thu xếp đồ đạc mang ra ngoài để việc di dời được thuận tiện”.
 Người dân làng Pơ Nang chung sức di dời nhà. Ảnh: N.M
Người dân làng Pơ Nang chung sức di dời nhà. Ảnh: N.M
Sau khi chủ nhà đã dọn dẹp đồ dùng sinh hoạt gia đình ra ngoài, người làng đến giúp chuyển từng viên ngói xuống, tháo dỡ những mảng ván ghép thưng xung quanh nhà nhằm giảm trọng lượng; đồng thời giằng kỹ các thanh xà gồ, cột kèo cho chắc chắn để quá trình di dời nhà an toàn và không gây hỏng hóc. Khi đã đảm bảo nhà được gia cố chắc chắn, đường đi thông thoáng, người dân bắt tay vào công đoạn vất vả và khó khăn nhất là di chuyển căn nhà.
Anh Đinh Nguyên-một trong hàng chục người dân làng Pơ Nang sang giúp gia đình anh Huyền chuyển nhà-cho hay: “Mọi người trong làng coi việc di dời các ngôi nhà là trách nhiệm chung, cần sự đoàn kết, thống nhất. Hôm nay di dời nhà anh Huyền, mai đến lượt nhà tôi và anh Sua, mọi người cũng sẽ đến giúp hết sức, như nhà của mình”.  
Trực tiếp cùng người dân và đoàn viên, thanh niên di dời nhà, chị Trương Thị Hồng Tất-Bí thư Đoàn xã Tú An-chia sẻ: “Để công việc mau chóng hoàn thành, Đoàn xã phối hợp với người dân di dời các ngôi nhà, san dọn mặt bằng, làm hàng rào... Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân cách trồng rau an toàn tại nhà, chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng công trình phụ. Đến nay, Đoàn xã đã kêu gọi từ các kênh gần 70 triệu đồng để làm nhà vệ sinh cho người dân; đóng góp gần 200 ngày công san mặt bằng, làm hàng rào, vườn rau…”.
Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của cấp trên và đồng thuận của nhân dân, UBND xã đã thành lập 4 tổ gồm: lực lượng Hội Cựu chiến binh xã, Đoàn Thanh niên, Công an xã và Hội Nông dân, mỗi tổ 15 người hỗ trợ bà con di dời nhà về vị trí mới nhằm bố trí, sắp xếp lại khu dân cư. Việc di dời nhà hoàn toàn bằng sức người. Trên tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, đến nay xã đã giúp di dời 14 ngôi nhà, số còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán”.
Niềm vui tại nơi ở mới
Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết thêm: “Sau khi được di dời về vị trí quy hoạch, các ngôi nhà được bao bọc bởi hàng rào, cổng ngõ; có giếng nước, đất trồng rau; khu vệ sinh, chuồng trại bố trí phía sau, đảm bảo môi trường cảnh quan xanh-sạch-đẹp, đời sống nhân dân được nâng cao”.
Ngôi nhà sàn năng hàng tấn được người dân dùng chính sức lực của mình để di dời về vị trí mới. Ảnh: Ngọc Minh
Ngôi nhà sàn nặng hàng tấn được người dân dùng chính sức lực của mình để di dời về vị trí mới. Ảnh: Ngọc Minh
Nhanh tay thu xếp đồ đạc vào nhà, anh Huyền vui vẻ nói: “Sáng nay, ngôi nhà của mình còn nằm trên mảnh đất của cha mẹ, giờ đã về nơi ở mới. Đất đai rộng rãi, mình sẽ trồng rau và cây ăn quả quanh vườn. Có đường to đẹp ngay trước nhà, việc đi lại cũng thuận tiện hơn, đặc biệt các con đi học không phải leo dốc như nơi ở cũ”. 
Chuyển nhà sang nơi ở mới gần 1 tháng, cuộc sống của gia đình chị Đinh Thị Pin cũng đã bắt đầu ổn định. Chị Pin vui vẻ cho hay: “Ngôi nhà này được Nhà nước xây cho, hiện đang xây thêm công trình phụ, gia đình mình chỉ việc đến ở. Mấy tháng nữa mình sinh con nên tranh thủ cuốc đất trồng rau, nuôi gà, nuôi heo... Mình cũng đã trồng hoa phía trước hàng rào để tạo cảnh quan đẹp cho đường làng ngõ xóm”.
Nhận thấy sự thay da đổi thịt của ngôi làng, già làng Đinh Bơih phấn khởi nói: “Dân làng được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường làng đẹp, nhiều ngôi nhà đã đưa về vị trí theo đúng quy hoạch làm cảnh quan làng thay đổi, đẹp hẳn lên. Tôi mừng lắm”. Chỉ tay về phía căn nhà sàn ở cuối làng, già Bơih nói tiếp: “Khi cán bộ xã xuống đặt vấn đề xây dựng làng nông thôn mới, bà con đều nhất trí, vui mừng. Con gái tôi là người đầu tiên di dời nhà sang khu quy hoạch. Chuyển sang bên đấy đất đai rộng rãi, tha hồ trồng rau, nuôi gà, nuôi heo cải thiện đời sống, còn tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Từ giờ trở đi chỉ việc lo làm ăn, chăm sóc, bảo ban con cái học hành”.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.