Nhà ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ: Mở lối thoát hiểm thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau sự cố hỏa hoạn làm 4 người chết rạng sáng ngày 4/4 ở quận Đống Đa-thành phố Hà Nội, giới chuyên gia khuyến cáo các hộ gia đình có nhà ống cần chú trọng tới việc mở lối thoát hiểm...

 Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/Vietnam+)


Vụ hỏa hoạn làm 4 người chết rạng sáng ngày 4/4 ở phố Tôn Đức Thắng, (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) một lần nữa cho thấy trong các vụ cháy công trình xây dựng (chung cư, nhà ở), lối thoát hiểm là điều kiện quan trọng, đặc biệt là đối với các công trình nhà ở dạng ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Tuy vậy, sau rất nhiều sự cố hỏa hoạn gây thiệt hại về người và của đã xảy ra, mối nguy vẫn tiềm ẩn trong mỗi ngôi nhà ống do chưa được quan tâm đúng mức.

Mối nguy rình rập trong mỗi nhà ống

Những năm gần đây, an toàn cháy nổ, thoát hiểm, cứu nạn cứu hộ tại các công trình xây dựng ở khu vực nội thành đã được quan tâm hơn. Dẫu vậy, những vụ hỏa hoạn thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra ở các khu đô thị cũ với thiết kế nhà riêng dạng ống liền kề. Mỗi ngôi nhà dạng này thường chỉ có một lối ra vào là cửa chính và nằm sâu trong ngõ nhỏ, trở thành “cái bẫy” chết người vì không lối thoát hiểm.

Cảnh thương tâm với 4 thi thể bị biến dạng được tìm thấy tại tầng tum trong vụ cháy tại nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn cháy nổ, lối thoát hiểm nhà riêng tại mặt đất tại các khu vực nội thành trên cả nước.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, nhà số 311 có hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60 m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2 m, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính.

Điều đáng nói, dù là nhà ở mặt phố lớn, xe cứu hoả, các phương tiện, lực lượng cứu hộ cứu nạn khá dễ dàng triển khai công tác cứu hộ từ mặt trước nhưng cũng phải hơn 3 giờ mới dập tắt được đám cháy và chờ thêm khoảng 1 giờ phun nước làm mát mới có thể tiếp cận vào trong ngôi nhà để tìm thấy 4 thi thể tại tầng tum. Điều này cho thấy mức độ khó tiếp cận tại công trình nằm trong ngõ nhỏ, chỉ có 1 lối ra, vào.

Thực tế tại các khu vực dân cư ở các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, cho thấy hầu hết những ngôi nhà ống đều không có không gian để làm lối thoát hiểm. Nhất là các nhà ống nằm trong ngõ nhỏ với mật độ dân cư lớn, nhiều công trình xuống cấp, dây diện chằng chịt.

“Nội thành Hà Nội vốn đã chật, người thì ngày càng đông, dân tỉnh lẻ như chúng tôi đến đây mua được cái nhà để ở là sướng lắm rồi, chứ ở trong ngõ nhỏ chật hẹp thế này thì lấy đâu ra không gian mà làm lối thoát. Dù nguy hiểm vẫn luôn rình rập nhưng cũng chỉ biết cầu mong cho hỏa hoạn không xảy ra thôi,” anh Nguyễn Văn T. 46 tuổi quê Hà Tĩnh đang sống ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) chia sẻ.

 

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/Vietnam+)


Ngoài ra, ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các khu vực các quận nội thành Hà Nội như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... cũng cho thấy không ít căn nhà nằm trong ngõ, hẻm đã được các gia chủ lắp “chuồng cọp” để tránh trộm cắp và “nhà nào biết nhà ấy” nên việc mở lối thoát hiểm trong ngõ, hẻm rất hiếm thấy.

Ngõ càng nhỏ, nhà càng cần lối thoát hiểm

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, pháp luật hiện nay quy định chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000 m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Chưa kể thực tế đất chật, người đông nên hầu hết các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư cũng chỉ chú trọng đến tận dụng diện tích cho công năng sử dụng, chưa tính toán đến các yêu cầu kỹ thuật khác, trong đó có vấn đề phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Về nguyên tắc kiến trúc, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng với công trình nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố. Ở các đô thị cũ là ngõ nhỏ, diện tích nhỏ, nhà đất liền kề san sát, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thì người dân sinh sống trong điều kiện như vậy càng cần quan tâm đến thoát hiểm.

Với lý do trên, ông Tùng khuyến cáo các tầng nhà ống trong ngõ nhỏ cần phải có lối mở ra ngoài, nếu sử dụng khung sắt để chống trộm cũng cần ô thoáng đóng mở được. Khi thiết kế nhà cần có giếng trời cho thông thoáng, cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy ra cháy. Gia chủ nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt.

Ngoài ra, các hộ dân ở gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng với quy mô khoảng 10 hộ để tạo thêm khoảng trống thoát hiểm. Nếu dùng khoá thì thường xuyên kiểm tra độ trơn nhạy của khoá, để chìa tại 1 nơi cố định để khi có sự cố vẫn có thể dễ dàng tìm thấy để mở cửa, thoát sang nhà bên cạnh an toàn.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các tổ dân phố cũng nên có sự liên kết, phối hợp của các hộ gia đình để tăng cường bảo đảm an toàn cháy nổ, tăng tình đoàn kết. Muốn làm được, tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ… cần vận động, làm nòng cốt, gương mẫu triển khai để tạo phong trào.

Cơ quan chức năng cũng có thể xây dựng đề án, làm thí điểm tại một số địa phương theo hướng mỗi quận chọn một vài phường, khu vực làm thí điểm. Qua một thời gian nhất định, có thể đánh giá lại ưu nhược điểm để rút kinh nghiệm, tuyên truyền nhân rộng mô hình nếu thấy hiệu quả.

Một số ý kiến cũng khuyến cáo rằng chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền xuống từng tổ dân phố về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là khuyến cáo các hộ nhà ống, tập thể đã lắp “chuồng cọp” cần tháo dỡ phần cơi nới, bởi khung sắt khiến việc chữa cháy, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, thoát nạn trở nên khó hơn.

Đối với những nhà ống 1 lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)


 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.