Nhà mồ Bahnar - những giá trị văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kiến trúc nhà mồ của người Bahnar mang đầy tính giao cảm âm - dương và rất gần gũi với buôn làng. Bởi họ tin rằng, có một thế giới người chết tồn tại song hành với cuộc sống dương gian.

Độc đáo kiến trúc nhà mồ Bahnar.
Độc đáo kiến trúc nhà mồ Bahnar.



Vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc

Theo quan niệm của người Bahnar, chết là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác - thế giới của hồn ma. Chính vì vậy, họ tạc ra những bức tượng gỗ với nhiều hình thù khác nhau để tiễn đưa và trông coi linh hồn cho người chết.

Nhà mồ được xây dựng bằng những vật liệu và kiến trúc hoàn toàn thô sơ, chỉ có hệ thống kết nối bằng gá, buộc chứ không có hệ thống kèo, mộng. Vật liệu xây dựng chỉ có gỗ nứa, lá mà không dùng gạch; công cụ xây dựng chỉ có dao, rìu mà không có cưa… Chính điều đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ nguyên sơ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên nguyên thủy.


 

Hệ thống tượng nhà mồ.
Hệ thống tượng nhà mồ.



Ngôi nhà mồ của người Bahnar có kiến trúc như một ngôi nhà bình thường, bao gồm mái nhà, tường… người sống còn để toàn bộ vật dụng mà người chết đã từng dùng trong chính ngôi nhà mồ. Đây còn gọi là tục chia của cho người chết. Bởi theo quan niệm của người Tây Nguyên, người chết sẽ có cuộc sống riêng, họ sẽ phải trải qua 7 kiếp luân hồi để được trở về làm người, chính vì vậy nhà mồ trở thành thể hiện quan niệm triết lý về cuộc đời.

Mái nhà mồ của người Bahnar lại có cơ cấu phát triển theo chiều cao, đa số các trường hợp làm bằng tre đan có trang trí họa tiết hoa văn hình học với hai mặt phẳng chính. Mỗi một loại hoa văn với cách sắp xếp khác nhau là một gợi ý về vũ trụ luận. Có thể đó là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các thiên thể. Người Bahnar gọi cột là Klao và họ quan niệm đó là đường dẫn linh hồn người chết lên trời, họ còn gọi các vật trang trí bên ngoài là mặt Nar (mặt trời), mặt Khei (mặt trăng).

Nhìn chung, trang trí cho mái nhà mồ của người Bahnar thường đi sâu vào họa tiết và không nhiều như của người Jrai hay không sắc cạnh thể hiện rõ đường nét như của người Cơ Tu, nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí và linh thiêng cho thế giới của người chết.

Độc đáo kiến trúc tượng nhà mồ

Quanh nhà mồ là một hàng rào có trang trí tượng gỗ. Những tượng gỗ này có nội dung hết sức phong phú đa dạng, phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc sống của người Bahnar. Những tượng gỗ này đều diễn tả về sự phồn thực, ước vọng sang bên kia thế giới có được cuộc sống sung túc, phú quí. Với người Bahnar, nghi thức sinh thành cũng được quan niệm và thể hiện qua hành động giao hoan. Mặc dù, nghi thức đó hiện nay không còn nữa, nhưng theo lời kể của các cụ già trước đây, vào những đêm bỏ mả, trai gái được tự do quan hệ tình ái.

Về kiến trúc tượng nhà mồ thì có thể chia làm hai lớp tượng. Lớp đầu tiên là hình ảnh phổ biến nhất trong tất cả các nhà mồ: tượng giao hoan, đàn bà chửa và hài nhi được thể hiện cùng một lúc trên một mặt phẳng của lối rào quanh mồ. Lớp thứ hai là hình tượng những con người, con vật như người đánh trống, cô gái, chàng thanh niên, cầu thủ đá bóng, con voi, con chim, con cú... Tất cả những hình tượng đó được đặt quanh nhà mồ và tạo thành bức tranh sinh động về cuộc sống để người chết sẽ mang đi sau lễ bỏ mả.


 

Kiến trúc nhà mồ Bahnar (ảnh Quang Tuệ).
Kiến trúc nhà mồ Bahnar (ảnh Quang Tuệ).


Tượng nhà mồ tạo nên một bảo tàng chân thực về cuộc sống của người Bahnar, trở thành những pho sử sống động có giá trị thẩm mỹ và khoa học. Tượng được gọt đẽo thô sơ, giản lược trong đường nét, hình khối, có tính gợi tả chứ không cặn kẽ chi tiết, song hết sức sinh động, mộc mạc mà chân thực, mang đậm triết lý nhân sinh, cái siêu thực và cái hiện thực đan xen hài hòa.

Với những nét biểu cảm buồn thương, vui nhộn, khắc khổ, tư lự, xa xăm… hệ thống tượng gỗ dân gian trang trí khu vực nhà mồ đã để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem về kiếp nhân sinh. Qua từng bức tượng nơi những khu nhà mồ của các buôn làng người Ba Na, chúng ta thấy rõ sự phát triển nền điêu khắc dân gian của người dân tộc thiểu số ở Gia Lai.

Giá trị văn hóa nghệ thuật của nhà mồ Tây Nguyên

Tuy ngôi nhà mồ không lớn nhưng các yếu tố phụ như tượng gỗ, các cột trang trí cao thấp khác nhau bên trong, xung quanh nhà mồ, những băng chạm khắc tô vẽ trên các nẹp, mái, nóc… lại là sự phối hợp tinh tế sáng tạo làm nên vẻ đẹp độc đáo cho tổng thể kiến trúc ngôi nhà mồ.

Những nghệ nhân tạc tượng đã thổi được cái “hồn” vào tượng, thể hiện được những tình cảm sâu sắc, những cảm xúc đặc biệt, sự thương tiếc xót xa gửi gắm đến người đã khuất. Đến với thế giới tượng mồ, người xem cảm nhận được hơi thở của sự sống sinh hoạt quen thuộc vẫn tồn tại và diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân nơi đây. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã khiến cho những bức tượng đơn sơ, hoang dã bỗng trở nên sống động, thấm đẫm linh hồn của đời sống. Bởi nghệ thuật chính là đem đến sự gần gũi thân thuộc của cuộc sống đời thường vào trong tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên.

THS. Nguyễn Tuấn Anh (vanhien)

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.